Tích cực triển khai các giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả Năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, 9 tháng đầu năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan liên quan đã tích cực chỉ đạo, điều hành, phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án, đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Tập trung vào công tác kiểm soát tải trọng xe, siết chặt kinh doanh vận tải; chống lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách.
Đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và những vấn đề phức tạp khác.
Thực hiện Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải, là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh trong năm 2022 đạt chỉ tiêu giảm 30% (số vụ, số người chết), Ban An toàn giao thông tỉnh xác định rõ vai trò, trách nhiệm được giao, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất, tham mưu UBND các giải pháp xử lý cho phù hợp. Phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, rà soát các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo: Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh về bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022 gắn với phòng, chống dịch Covid-19; Kế hoạch số 21/KH-BATGT ngày 27/01/2022 của Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuyên truyền, phổ biến các quy tắc khi tham gia giao thông, các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như: Không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, chở quá trọng tải quy định, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; đã uống rượu, bia không lái xe; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện…
Căn cứ Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt tại Quyết định số 3073/QĐ-UBND ngày 04/12/2020, Sở Giao thông vận tả đã đề xuất với UBND tỉnh đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Giao thông vận tải đã trình thẩm định báo cáo đề xuất đầu tư 05 dự án; trình cho phép thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư 03 dự án.
Kế hoạch vốn giao năm 2022 phân bổ cho các dự án (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh là chủ đầu tư) đến thời điểm hiện tại là 1.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn kéo dài năm 2021). Trong tháng 8/2022 đã giải ngân 85,218 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay đã giải ngân 496,070 tỷ đồng, đạt 30,81% kế hoạch. Ước 6 tháng cuối năm giải ngân 1.133 tỷ đồng đạt 90% kế hoạch.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Về tình hình tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 18 người chết, 13 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 03 vụ, người chết không tăng giảm, giảm 13 người bị thương). Không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, đường thủy (so với cùng kỳ năm 2021 không tăng giảm về cả 03 tiêu chí).
Vè lĩnh vực đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý 51.975 trường hợp vi phạm, tương ứng mức tiền phạt 47.048.116.000 đồng, tạm giữ 8.002 phương tiện và 41.705 giấy tờ xe.
Các lỗi vi phạm bao gồm: Vi phạm nồng độ cồn: 3.117; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy: 64; không đội mũ bảo hiểm: 23.550; chở hàng quá tải: 1.472; quá khổ giới hạn: 17; điều khiển xe kéo theo xe khác: 681; cơi nới thành thùng: 471; không có/không mang giấy phép lái xe: 2.871. Vi phạm không có/không mang đăng ký xe: 1.561; đi ngược chiều: 42; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông: 52; chở quá số người quy định: 78; không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông: 08; không che phủ bạt: 158. Vi phạm chạy quá tốc độ: 303; điều khiển xe hết hạn kiểm định: 16; lạng lách, đánh võng trên đường bộ: 02; nẹt pô, rú ga: 05; điều khiển xe đi bằng 01 bánh (bốc đầu): 09. Các trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông: 1.462…
Về đường sắt, ngành chức năng thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt; tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu, vi phạm tại nơi đường bộ giao nhau với đường sắt. Phát hiện, xử lý 83 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường sắt, nộp ngân sách nhà nước số tiền 14.300.000 đồng.
Về đường thủy: Tổ chức 1.134 ca tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến sông Hồng, sông Lô và hướng dẫn phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với Công an các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa. Phát hiện, xử lý 665 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước số tiền 1.016.075.000 đồng; trong đó: Lực lượng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, xử lý 345 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước số tiền 265.650.000 đồng. Phối hợp với Thủy đoàn I Cục C08 và Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội xử lý vi phạm trên các tuyến sông phát hiện, xử lý 278 trường hợp vi phạm, tương ứng số tiền 691.700.000 đồng. Phối hợp với Công an huyện Vĩnh Tường, Sông Lô kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa đối với 42 trường hợp là chủ bến tập kết cát, sỏi, nộp ngân sách nhà nước số tiền 58.725.000 đồng.
Tổ chức kiểm tra, ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đối với 08 bến khách ngang sông và 03 bến khách du lịch trên Hồ Đại Lải.
Yên Sơn