Vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh năm 2023 (Đoàn kiểm tra liên ngành).
Đoàn do Cục Quản lý thị trường tỉnh là đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái gồm có các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Công an tỉnh triển khai thực hiện.
Đoàn có nhiệm vụ triển khai thực hiện các hoạt động theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Thời gian từ ngày 20/7/2023 đến 20/8/2023.
Đợt kiểm tra nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với nhóm hàng trên. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không đảm bảo chất lượng trên địa bàn tỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
Kiểm tra, xử lý 14 vụ với 17 hành vi
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đoàn kiểm tra nhận thấy đa phần các cơ sở kinh doanh đều có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn có một số cơ sở bán hàng không thực hiện việc niêm yết giá tại địa điểm kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Những vi phạm này chủ yếu ở các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quầy thuốc bán nhỏ lẻ ở một số huyện Lục Yên, Văn Yên, Thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.
Đoàn đã tiến hành lập biên bản và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Kết quả, Đoàn đã kiểm tra, xử lý 14 vụ với 17 hành vi, phạt hành chính 115.000.000 đồng, trị giá hàng buộc tiêu hủy là 103.553.000 đồng, tổng giá trị thực hiện 218.553.000 đồng.
Các hành vi vi phạm gồm: 11 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, 01 hành vi kinh doanh hàng quá hạn sử dụng (đối với hàng hóa là thực phẩm chức năng), 01 hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định, 02 hành vi không niêm yết giá thuốc tại nơi bán thuốc, 01 hành vi để lẫn các sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc, 01 hành vi bảo quản thuốc không đúng điều kiện ghi trên nhãn...
Hàng hóa vi phạm gồm: 394 sản phẩm mỹ phẩm (kem ủ tóc, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, bột tẩy tóc, sữa tắm, kem chống nắng, sữa rửa mặt,… do các nước Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý sản xuất); 251 sản phẩm thực phẩm chức năng (tinh dầu anh thảo, tinh dầu mầm đậu nành, sụn vây cá mập, viên uống Glucosamim, viên uống bổ gan, viên uống Collagen, viên uống canxi, vitamin các loại do các nước Úc, Pháp, Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản sản xuất).
Song song với công tác kiểm tra, xử lý, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động thương mại, về lĩnh vực y tế, lĩnh vực nông nghiệp, vận động hộ kinh doanh, doanh nghiệp không tham gia kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời khuyến cáo khi phát hiện các vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cơ sở kinh doanh phản ánh ngay theo số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Chỉ thị nêu rõ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên. Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh. Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài; Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này. |