Theo Báo cáo “Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025”, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tại Quyết định số 06 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; huớng dẫn triển khai vốn bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt danh mục 15 mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Để giúp các địa phương có sơ sở triển khai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đã ban hành chương trình hoặc kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, lựa chọn các xã để xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh là một nội dung mới, do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn trong xác định nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn lực nên các địa phương, các bộ, ngành đều gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, trong đó có các hoạt động thông tin, tuyên truyền, xây dựng tài liệu, đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số...
Nhằm thúc đẩy triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, sẽ xây dựng tài liệu tập huấn về chương trình này.
Đồng thời, nâng cấp và hoàn thiện phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trong xét, công nhận, thu hồi các địa phương đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bổ sung và duy trì hoạt động của phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025; thí điểm xây dựng bản đồ kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Cùng với đó là việc tổ chức một số lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Để triển khai thành công chương trình, Bộ đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cơ sở và người dân.
Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở địa phương xây dựng các tin bài, phóng sự, tư liệu để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nói riêng nhằm cập nhật, giới thiệu các kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số; nâng cao hiểu biết, nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ cơ sở và người dân, nhất là người dân ở nông thôn.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; nâng cao nhận thức và thực hành an toàn thông tin, an ninh thông tin, an ninh mạng cho cán bộ cơ sở và người dân nông thôn.
Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp để tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành.