Đọc bài Chi hàng trăm triệu, tiền tỷ tặng thần tượng: Hệ luỵ sau sự hào nhoáng của báo VietNamNet, tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm "rùng mình" tận mắt thấy fan tặng quà cho thần tượng.
Tôi thích tặng quà và được tặng quà nhưng tối kỵ tặng và nhận tiền như quà cáp. Với tôi, tặng tiền hay hiện kim nói chung không mang ý nghĩa đơn thuần như tặng quà.
Thời trẻ, tôi từng đoán giới nghệ sĩ rất giàu có, một đêm hát cả trăm triệu thế kia, hẳn không quan tâm chút tiền 'lẻ' (ý tôi là so với cát-sê của họ) khán giả tặng.
Cho đến một dịp vãn tiệc nọ, tôi tận mắt thấy một ca sĩ từng lên báo khẳng khái nói không nhận show có cát-sê dưới 10 ngàn đô cứ thế miệng nói cười đon đả, tay thoăn thoắt "thu hoạch" không bỏ lọt tờ tiền nào từ nhóm khán giả vây quanh.
Một hôm đi xem cải lương, tôi nhìn mỗi tấm vé chỉ hơn 100 ngàn đồng với khán phòng cỡ 300 ghế mà khán giả còn chưa lấp đầy, tự hỏi họ sống sao với doanh thu đó?
Cuối show, tôi thấy một nhóm khán giả nán lại tặng quà cho các diễn viên. Điều này khiến tôi an lòng, cảm thấy họ xứng đáng nhận lại nhiều hơn sau 2 tiếng múa hát mướt mải mồ hôi.
Tuy nhiên hôm sau, tôi thấy cô đào chính hồn nhiên khoe trên trang cá nhân loạt ảnh chụp các góc độ của xấp tiền đô lẫn tiền Việt dày cộm, cảm ơn "tình cảm" của khán giả đêm qua dành cho mình.
Lần khiến tôi rùng mình là đêm diễn của ca sĩ C. ở Cần Thơ cách đây không lâu. Khán giả của cậu ấy mặc đồng phục, cầm đầy hoa, quà, nhìn kỹ mới thấy những bó "hoa tiền", những hộp vàng lấp lánh. Tôi ước tính số tiền, vàng đó khoảng 100-200 triệu đồng.
Có người xông lên sân khấu khi cậu ấy đang hát để tặng vàng, phần lớn đợi kết show mới ào ạt đến trao tặng hoa, vật phẩm, mặc kệ biểu cảm ngượng ngùng, sống sượng của chàng trai vừa tròn đôi mươi.
Sau đêm đó, tôi nổi cơn tò mò, bèn lân la vào hội nhóm cộng đồng fan của C. Fan nhiều lứa tuổi đang thi nhau "khoe" thành tích như ai tiếp cận cậu nhiều lần hơn, tặng nhiều vàng cho cậu hơn... Tôi vội thoát nhóm vì không thể đồng cảm với bầu không khí kỳ lạ ở đó.
Như quan điểm đã nêu từ đầu, tặng tiền, hiện kim vốn nhạy cảm. Như người xưa dạy: "Của cho không bằng cách cho", tôi chợt hiểu cảm giác rùng mình đến từ việc người ta tặng tiền, hiện kim cho nhau một cách lộ liễu, suồng sã và xem đó là hiển nhiên.
Xin nói rõ: Trong luật, tặng cho là quan hệ dân sự thuần túy, miễn việc tặng hay cho không vi phạm pháp luật, đạo đức thì không sai. Từ khóa tôi nhấn mạnh là "cách cho" và "thái độ". Chẳng hiểu từ khi nào người ta xem những việc này là bình thường?
Chẳng ai không thích quà, nhất là nghệ sĩ hẳn càng phải thấy trân trọng, tự hào khi nhận quà của người hâm mộ. Nhưng khi bạn cầm tiền, vàng suồng sã dúi vào tay người khác bất chấp bối cảnh và cảm xúc của họ, đó không phải hình ảnh đẹp, thậm chí làm lố bịch mối quan hệ vốn dĩ trong sáng và dễ thương giữa thần tượng và người hâm mộ.
Chưa kể, với trường hợp ca sĩ trẻ như C., việc lạm dụng tặng tiền, vàng để tỏ lòng ái mộ có thể khiến cậu ấy nhận thức không đúng giá trị của đồng tiền và những giá trị khác của nghề nghiệp, cuộc sống.
Chê khán giả kém tế nhị càng nên trách một số nghệ sĩ đã không nhắc nhở người hâm mộ lại còn hồn nhiên cầm tiền, vàng và có người hào hứng khoe lên mạng.
Cách người hâm mộ ủng hộ thần tượng văn minh nhất là mua sản phẩm, ra rạp xem phim, đến xem show, sử dụng nhãn hàng họ đang hợp tác... thay vì tay lăm lăm tiền, vàng đến dúi vào họ rồi nói rằng: "Hãy nhận đi, đừng ngại gì cả, đây là tình cảm của chúng tôi".
Hãy học hỏi khán giả và nghệ sĩ nước ngoài. Các cộng đồng fan ở Trung Quốc, Hàn Quốc chi tiền rất 'khủng' để ủng hộ mọi hoạt động của thần tượng. Còn trong các buổi giao lưu trực tuyến, nghệ sĩ luôn tắt chức năng 'donate' (gửi tiền) và nhắc nhở các fan đừng tặng tiền cho mình.
Bạn đọc Lê Hà My (TP.HCM)
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi bài viết vào địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của toà soạn.