Chiều 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Chi phí Tố tụng. Trong đó, nội dung đáng chú ý là tăng mức phụ cấp xét xử cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày.
Phụ cấp xét xử là khoản tiền được chi trả cho hội thẩm khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Khoản phụ cấp này được tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ, được tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử xác nhận. Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử có trách nhiệm chi trả chi phí cho hội thẩm.
Ngoài phụ cấp xét xử, hội thẩm còn được hưởng một hoặc một số chi phí khác...
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với TAND Tối cao và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về danh mục chi phí tố tụng.
Theo bà Nga, hội thẩm được hưởng chế độ bồi dưỡng là 90.000 đồng/ngày từ năm 2012 đến nay. Trong khi, theo Thông tư liên tịch số 191 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thì mức thù lao chi trả cho 1 ngày làm việc của luật sư chỉ định là 0,4 lần mức lương cơ sở.
Cụ thể, mức chi phí thù lao cho luật sư chỉ định từ 1/7/2024 là 936.000 đồng mỗi ngày, cao hơn 10 lần mức chi cho hội thẩm.
Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm và công sức của hội thẩm khi tham gia xét xử, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tương quan với một số chủ thể khác khi tham gia hoạt động tố tụng, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy mức chi 900.000 đồng/ngày cho hội thẩm như đề nghị của TAND Tối cao là phù hợp.
Bà Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ về chi phí phí thù lao cho người tham gia hoạt động tố tụng là người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Căn cứ ý kiến của các cơ quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo pháp lệnh tiếp tục quy định về chi phí thù lao khi tham gia hoạt động tố tụng, không phân biệt giữa đối tượng được hưởng lương và đối tượng không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Khi có văn bản hướng dẫn về chế độ tiền lương mới, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp lệnh nếu cần thiết.
Pháp lệnh Chi phí Tố tụng có 73 điều, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.