- Nếu tăng tuổi hưu lên 58 với nữ và 62 với nam thì vẫn còn khỏe mạnh hơn rất nhiều so với các ứng viên tổng thống của Mỹ.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) lấy hình ảnh tranh cử rất sôi động ở Mỹ của 2 ứng cử viên 70 tuổi để nói lên sự sung sức và khát khao cống hiến của tuổi già nếu như nghỉ hưu sớm sẽ là một sự lãng phí lớn. 

{keywords}

ĐB Nguyễn Quang Tuấn

"Nếu chúng ta giới hạn tuổi làm việc 58 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam thì vẫn còn khỏe mạnh hơn rất nhiều so với các ứng cử viên của Mỹ. Vì vậy, không cần phải quá lo lắng khi tăng tuổi nghỉ hưu”, ĐB Hà Nội nói. 

Ông Tuấn cho biết chúng ta cứ so với trước đây, thời điểm tuổi hưu nữ 55, nam 60 thì tuổi thọ chúng ta chỉ 67 tuổi. Trong khi bây giờ, tuổi thọ trung bình của VN là 75. Như vậy, thời gian sau khi chúng ta nghỉ hưu (như với nữ là 55) thì còn có thể sống thêm 20 năm nữa. 

Vì vậy, cần cân đối nhiều hơn để chúng ta hưởng thụ phù hợp với tuổi thọ hiện nay. 

Ủy viên thường trực UB Tài chính ngân sách Lê Thanh Vân (ĐB Cà Mau) cũng cho rằng hướng tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, vì độ tuổi trong thời gian lao động của người Việt so với các nước hiện nay là thấp, nâng lên cho phù hợp thông lệ quốc tế. 

Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển TP.HCM Trần Anh Tuấn (ĐBQH TP.HCM) cũng ủng hộ nên tăng tuổi nghỉ hưu vì đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới. 

Hơn nữa, tuổi thọ trung bình của người dân VN hiện nay đã được nâng lên. Sức khoẻ, khả năng lao động của những người ở tuổi 55-60 như hiện nay đa phần cũng đủ sức cống hiến. 

Tùy ngành nghề

Nhiều ý kiến cũng lưu ý, việc tăng tuổi hưu không nên cào bằng mà phải tùy vào từng theo nhóm ngành nghề.

“Tôi nghĩ tăng tuổi là phù hợp nhưng không phải tất cả đều tăng giống nhau mà phải theo ngành nghề”, ĐB Tuấn nhấn mạnh. 

Theo ông, những người làm ở môi trường độc hại, nặng nhọc... thì phải áp dụng độ tuổi nghỉ hưu khác.

“Những người làm việc trí óc, người có tuổi đời lớn, có kinh nghiệm như giáo viên, luật sư, nhà khoa học, bác sĩ tôi nghĩ đây là tài nguyên, nguyên khí của đất nước cần duy trì”, ĐB Hà Nội đề nghị và lưu ý dân số của chúng ta sẽ già rất nhanh, chính vì thế chúng ta cần thay đổi sớm.

Cùng quan điểm, ĐB Vân cho rằng: “Việc này sẽ tận dụng được những người còn sức lao động, đặc biệt là những người lao động trí óc, người làm công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo…”.

{keywords}

ĐB Lê Thanh Vân

Ông cũng lưu ý nên quy định linh hoạt về việc tăng tuổi nghỉ hưu, để những người có khả năng tiếp tục cống hiến sẽ có điều kiện và môi trường cống hiến, không nên làm một cách cứng nhắc.

“Rõ ràng với lực lượng còn đủ năng lực, trí tuệ, thể lực thì cớ làm sao lại buộc họ phải nghỉ sớm? Nhiều người mong muốn tiếp tục cống hiến, đương nhiên cống hiến ở đây không phải vì lợi ích cá nhân mà phải có tiêu chí xác định họ ở lại là phù hợp với lợi ích chung”, ĐB Cà Mau đặt vấn đề. 

Ủy viên thường trực UB Kinh tế, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Đỗ Văn Sinh (ĐB tỉnh Quảng Trị) nêu quan điểm: “Chắc chắn phải tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải có lộ trình chứ không thể tăng một cách đột ngột được”. 

Theo ông, không nên tăng một lúc lên 2 tuổi, mà mỗi năm tăng 3 tháng thôi, để 4 năm tăng được 1 tuổi. Nếu làm ngay thì sẽ vỡ nhiều mối quan hệ và phân phối nguồn lực. 

“Chúng ta đang đào tạo bao nhiêu lớp trẻ mới ra trường, nếu đùng một cái các bác lại ngồi thêm 2 năm thì các em đi đâu?”, Phó Tổng giám đốc BHXH VN nói.

Ông đề nghị nên chọn nhóm đối tượng cho phù hợp. Với một số đối tượng rất muốn tăng tuổi hưu thì tạo điều kiện tăng cho họ, còn nhóm không muốn thì tác động bằng các chính sách khuyến khích.

T.Hằng - T.Hạnh - H.Nhì