Một nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tạo ra loại virus cúm gia cầm H7N9 có độc tính cao hơn trong phòng thí nghiệm để xem xét khả năng lây nhiễm.
Ngày 7/8, một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết họ muốn tạo ra phiên bản trong phòng thí nghiệm của một loại virus cúm gia cầm chết người H7N9 mới xuất hiện nhằm nghiên cứu về khả năng lây nhiễm sang người cao hơn của loại virus này.
Virus cúm gia cầm H7N9 đã giết hại 43 người ở Trung Quốc. Trong một tuyên bố trên tạp chí Science, 22 nhà khoa học quốc tế đến từ 15 viện nghiên cứu cho biết việc nghiên cứu khả năng lây nhiễm của loại virus này là “cần thiết và nên làm”. Họ cam kết sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ tăng cường trong phòng thí nghiệm.
Virus H7N9 trong một tế bào |
Trước đây, những nỗ lực tương tự nhằm tạo ra và nghiên cứu một loại virus cúm có khả năng lây nhiễm cao hơn từ virus cúm H5N1 đã châm ngòi cho làn sóng tranh cãi trong giới khoa học vào năm 2011.
Trước những lo ngại về nghiên cứu kiểu này, chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà nghiên cứu áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn chặt chẽ hơn.
H7N9 được cho là loại virus lây từ gia cầm sang người trong 130 ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Cho tới nay, chỉ mới có 2 ca có biểu hiện lây từ người sang người. Ca lây nhiễm giữa một ông bố 60 tuổi cho người con gái 32 tuổi đã được đăng tải trên tạp chí BMJ trong tuần này.
Tuy các trường hợp lây nhiễm H7N9 đã được khống chế vào tháng 3 năm nay nhưng các chuyên gia lo sợ rằng virus này sẽ tiếp tục tái xuất vào mùa thu dưới dạng kháng lại các loại thuốc chống virus.
Nhóm nghiên cứu do nhà virus học Hà Lan Ron Fouchier dẫn đầu cho biết: “Nguy cơ về một đại dịch do virus cúm gia cầm gây ra luôn tồn tại trong tự nhiên.” Fouchier là nhân vật nổi bật trong cuộc tranh luận năm 2011 về nghiên cứu khả năng lây nhiễm của virus cúm gia cầm bằng cách tạo ra loại virus H5N1 trong phòng thí nghiệm.
Tuyên bố của nhóm nghiên cứu này cho biết nhóm sẽ tuân thủ các quy trình đảm bảo an toàn trong phòng thí nghiệm. Họ hy vọng rằng với việc xác định được các yếu tố khiến virus trở nên nguy hiểm hơn với con người có thể giúp họ tạo ra loại vaccine đề phòng cho đại dịch cúm nổ ra trong tự nhiên.
Đề xuất này vẫn vấp phải những tranh cãi quyết liệt khi một số nhà khoa học kêu gọi áp dụng mức độ an ninh cao nhất cho các phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu này.
Nhà khoa học Adel Mahmoud cho biết: “Luận cứ khoa học cho hành động này là rất mơ hồ, và quan điểm cho rằng nghiên cứu này sẽ làm được điều gì đó hữu ích là thiếu thuyết phục.”
Trong khi các tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ cho biết họ sẽ xem xét đề xuất thực hiện nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của virus cúm gia cầm này thì các phòng thí nghiệm Trung Quốc tỏ ra không mấy mặn mà với các nỗ lực đó.
Theo Khampha