Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang rơi vào bế tắc ngoại giao. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa họ lại khá tương phản với nhiều điểm tương đồng cá nhân.
Ảnh: Reuters |
Họ đều là con trai của các chính khách kỳ cựu, từng trải qua thất bại cá nhân hay chính trị lớn. Họ đều mang tầm nhìn dân tộc và yêu nước.
Khá tương đồng trong quan điểm về chương trình nghị sự kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, họ đang tìm kiếm nỗ lực trẻ hóa đất nước - nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới. "Dựa vào những đặc điểm cá nhân và sự tương đồng nền tảng lịch sử, tôi cho rằng với cả Tập Cận Bình và Abe, chủ nghĩa dân tộc là động lực tiềm tàng mà họ có thể tận dụng để củng cố vị thế của mình", Willy Lam, một chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nói.
Chuyến thăm ngôi đền Yasukuni của ông Abe là động thái mới nhất đổ dầu vào lửa căng thẳng giữa hai nước sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không bao gồm quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nằm dưới sự quản lý của Tokyo. Cả ông Abe và ông Tập đều lên năm quyền vào cuối 2012. Khi đó, ông Tập đảm nhận chức vụ Tổng bí thư đảng Trung Quốc còn Abe là Thủ tướng Nhật.
Ông Tập đang thúc đẩy những gì ông gọi là "giấc mơ Trung Quốc" và "thời kỳ phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa", cam kết theo đuổi một lực lượng quân sự hùng mạnh hơn, đại tu mô hình tăng trưởng kinh tế lạc hậu và làm trong sạch đảng cầm quyền với chiến dịch chống tham nhũng.
Trong khi đó, ông Abe cam kết sẽ trẻ hóa nền kinh tế trì trệ bấy lâu được gọi là "hai thập niên mất mát", sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến và tạo dựng cái nhìn tích cực hơn về quá khứ của đất nước với khẩu hiệu: "Trở lại Nhật Bản".
Chủ tịch Trung Quốc, 60 tuổi, là "thái tử" của một nhà anh hùng cách mạng, lớn lên giữa bối cảnh hỗn loạn về chính trị, kinh tế, xã hội trong nhiều năm; chứng kiến cha phải vào trại giam thời Cách mạng Văn hóa và tự bản thân phải xuống vùng nông thôn lao động.
Mặc dù quá khứ ấy khá phức tạp, nhưng ông Tập vẫn tỏ lòng tôn kính Mao Trạch Đông - nhà sáng lập nước cộng hòa nhân dân vào ngày 26/12 nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông. Đây cũng là ngày mà Thủ tướng Nhật thăm ngôi đền tử sĩ.
Ông Abe, 59 tuổi, mang trong mình dòng máu chính trị, là con trai của một ngoại trưởng và cháu trai bộ trưởng công nghiệp thời chiến - người bị bắt giam trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng trước khi trở thành thủ tướng.
Bóng đen quá khứ
Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới, và ông Tập Cận Bình đã từng thị sát con tàu sân bay đầu tiên, chứng kiến việc gia tăng ngân sách quốc phòng chính thức ở mức hai con số.
Trong khi đó, ông Abe là người thúc đẩy việc tăng chi tiêu quân sự lần đầu tiên trong nhiều năm, mang mũ chuyên dụng ngồi trong xe tăng và cũng như trong máy bay huấn luyện số hiệu “731”. Với Trung Quốc, con số này gợi nhớ về đơn vị nghiên cứu sinh hóa bí mật của Nhật, từng sử dụng tù binh Trung Quốc để thử nghiệm chất độc trong suốt giai đoạn 1937-1945 chiến tranh Trung - Nhật.
Katsuhiko Meshino, cây bút kỳ cựu của báo Nikkei (Nhật Bản) đã nhấn mạnh về việc ông Tập thăm khu lăng mộ Mao Trạch Đông, cũng như việc ông Abe tới đền tử sĩ. "Cả ông Abe và ông Tập đều bỏ qua chỉ trích, có vẻ như hai nhà lãnh đạo đang theo đuổi những bóng ma quá khứ thay vì mở ra một chương mới cho đất nước họ".
Tới tận thời điểm này, hai người chỉ có một cuộc gặp duy nhất ở cấp lãnh đạo là bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nga hồi tháng 9. Trung Quốc tuyên bố, chuyến thăm đền tử sĩ của ông Abe đã đóng sập cánh cửa đối thoại hai chiều.
Giới phân tích cho rằng, cả hai nhà lãnh đạo đang tìm cách phục hồi nền kinh tế, kiểm soát để đối đầu không đi quá xa. Khác với diễn biến sau khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa một số đảo tranh chấp năm 2012, chuyến thăm đền tử sĩ của ông Abe tới nay chưa dẫn tới một cuộc tấn công nào vào lợi ích của Nhật tại Trung Quốc. Nhà phân tích Lam nhấn mạnh: "Quan hệ kinh tế là nhân tố kiềm chế rất mạnh mẽ, ngăn chặn quan hệ song phương không trở nên tồi tệ hơn".
Theo David Zweig - giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cả Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc đều đối mặt với nhiều thách thức tương tự. "Sức mạnh của Trung Quốc đang lên nhưng mặt đạo đức lại sụt giảm. Vì thế, ông Tập đã nỗ lực thực thi phương diện đạo đức mới, đạo đức chống tham nhũng, đạo đức thống nhất và đạo đức về một giấc mơ vĩ đại".
"Abe thì rõ ràng đang cố chấm dứt 22 năm đình trệ. Để làm điều đó, ông đang nỗ lực củng cố chủ nghĩa dân tộc, viết lại quá khứ, đem lại cho mọi người cảm nhận tích cực hơn khi là người Nhật Bản, tăng cường quân sự, không bị thụ động trong các sự vụ quốc tế".
Thái An (theo Interaksyon)