Gia Hân vừa kết thúc hành trình xuyên Việt 9 ngày 8 đêm từ Hải Phòng vào Cần Thơ cùng bố mẹ bằng ô tô riêng. Trước đó hơn một tháng, cô bé tham gia vượt quãng đường núi 12km để chinh phục “nóc nhà Đông Dương” Fansipan.

Bố mẹ là vận động viên, HLV yoga chuyên nghiệp, thường xuyên đi tham gia các giải đấu lớn khắp đất nước. Do đó, từ 10 tháng tuổi, Gia Hân đã làm quen với việc xê dịch. Lớn hơn một chút, khi biết bắt chước, cô bé thích thú tập yoga theo bố mẹ, ưa vận động, chơi thể thao.

"Thấy con thích vận động, khi con 2 tuổi, chúng tôi bắt đầu cùng con luyện yoga. Cứ thấy bố mẹ tới giờ dạy online hay quay video về yoga, con lại lon ton xếp thảm, lấy dụng cụ rồi hào hứng tập theo”, anh Đặng Kim Ba (HLV Yoga, cha của Gia Hân) chia sẻ. Khi Hân 4 tuổi, ngoài yoga, vợ chồng anh Ba còn cho con tập đi bộ, chạy, đặc biệt là bơi lội để rèn luyện sức khỏe, kĩ năng.

"Khi con 5 tuổi, hai bố con bắt đầu tìm hiểu về leo núi, thử trải nghiệm những cung đường núi ở Cát Bà”, anh Ba kể. Một vài tháng trước dịp Tết Dương lịch 2023, anh chia sẻ ý định leo đỉnh Fansipan với con gái. Thấy con thích thú, quyết tâm, anh đăng kí cho con tham gia chặng leo núi lên đỉnh Fansipan dài 12km.

Bố con Gia Hân trên đỉnh Fansipan sau hành trình vượt 12km đường núi

Cô bé 6 tuổi leo đỉnh Fansipan

8h sáng ngày cuối năm, Gia Hân cùng bố và đoàn leo núi xuất phát từ Trạm Tôn, vượt qua những đoạn đường núi ẩm ướt, dốc cao, trong thời tiết lạnh buốt, khắc nghiệt để tới trạm nghỉ chân qua đêm, nằm ở độ cao 2.800m so với mực nước biển. Ông bố "thống kê", trên hành trình, con gái vấp ngã 7 lần và... 54 lần than thở bỏ cuộc, đòi bố cõng. Anh Ba phải liên tục "tung chiêu" để cổ vũ con gái vượt thử thách.

Anh Ba kể: "Bước chân của con ngắn nên để theo kịp đoàn, con phải nỗ lực đi nhanh gấp đôi, gấp ba người lớn. Có lúc con cũng mệt, uể oải bước. Tôi nói con dừng chân nghỉ một chút rồi động viên khéo léo:

"Khoai Lang ơi, con có phải người mạnh mẽ không?

Con có.

Con có kiên trì không?

Có. Con còn thông minh nữa cơ.

Vậy là hai bố con lại tiếp tục leo núi".

Cô bé không chỉ theo kịp người lớn mà còn liên tục động viên mọi người “Cố lên, cố lên”. Mỗi lần con vấp ngã, anh Ba đều hỏi con: "Ngã lần thứ mấy rồi con nhỉ?". Cô bé tự đếm một cách chính xác rồi tự tin đứng lên, đi tiếp. Cô bé cũng quan sát mọi người, lém lỉnh đếm số lần bố hay các thành viên khác té ngã.

Trong ngày đầu tiên, vấn đề lớn nhất với Gia Hân không phải vượt đường xa, vượt rét buốt… mà là vượt bẩn. Theo anh Ba, Hân rất sợ bẩn. Đang leo núi, do đường ẩm ướt, sình lầy chui vào trong giày, cô bé nhất quyết đòi dừng lại để thay tất.

Mỗi lần con than thở, anh lại nhắc về tấm huy chương dành cho người chiến thắng. Gia Hân như được tiếp thêm năng lượng. Gần như trên cả chặng đường, anh Ba chỉ phải hỗ trợ cõng, bế con qua những đoạn hố sâu, nguy hiểm mà sải chân Hân không thể tự vượt qua.

Buổi đêm nghỉ lại trên núi, anh Ba kể chuyện cổ tích cho con - những câu chuyện về các cô bé, cậu bé mạnh mẽ, vượt khó khăn. Đây là cách anh truyền động lực cho Gia Hân, khiến con thêm hào hứng với hành trình.

Sáng hôm sau, Gia Hân dậy thật sớm, leo băng băng lên đỉnh Fansipan - nơi mẹ của bé là chị Ngọc Anh đã chờ đợi. Do đang mang thai, chị Ngọc Anh không thể đồng hành leo núi cùng chồng và con gái. Nhưng khi nhìn thấy con vui vẻ chạm tay vào đỉnh Fansipan, chị thấy rất tự hào về chồng và con.

"Tôi có thể đưa con đi cáp treo, có thể cõng con vượt đường xa nhưng những điều đó sẽ không thể giá trị bằng việc con tự mình vượt gió lạnh, màn đêm hay những con dốc thẳng đứng để chạm tới đỉnh cao. Có như vậy con mới nhận ra giá trị của tấm huy chương", anh Ba tâm sự. Người bố hy vọng những trải nghiệm sẽ giúp con gái thật mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu và vượt qua thử thách.

"Cảm ơn con vì con là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất"

Theo anh Ba, mỗi bạn nhỏ có thể chất và sở thích khác nhau nên bố mẹ phải quan sát, thấu hiểu dần dần. Mỗi ngày đồng hành cùng con trải nghiệm, khám phá, vợ chồng anh Ba đều cảm thấy hạnh phúc.

"Quan điểm của tôi là mang tới cho con những trải nghiệm thực tế, đưa con "mắt thấy, tai nghe" những điều con tò mò", anh Ba chia sẻ.

Dịp gần Tết Nguyên đán, khi thấy con thắc mắc về hình ảnh những công trình trên các tờ tiền Việt Nam. Anh Ba hứa sẽ đưa con tới tận nơi để cùng tìm hiểu.

Tối mùng 1 Tết, gia đình nhỏ bắt đầu lái xe từ Hải Phòng để đi Hà Nội, dọc theo các tỉnh ven biển miền Trung rồi đến Cần Thơ. 

"Gia Hân rất hay thắc mắc về những gì con nhìn thấy, bắt gặp trên đường đi. Gần như con không ngủ, chăm chú quan sát mọi thứ. Chính vì vậy, hàng ngày, vợ chồng tôi phải đọc, tìm hiểu về địa điểm sắp đi qua để khi con hỏi, tôi có thể giải đáp ngay. Cách này giúp con tiếp nhận thông tin lịch sử, địa lý một cách rất tự nhiên", anh Ba chia sẻ.

Gia đình nhỏ có hành trình đón Tết xuyên Việt. Anh Ba ưu tiên dừng chân tại các di tích lịch sử, văn hóa

Gia Hân đặc biệt thích thú khi được cùng bố mẹ đến Chùa Cầu, Hội An (Quảng Nam) - cây cầu xuất hiện trên tờ tiền 20.000 đồng và Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu (Huế) - công trình xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng. Anh Ba giới thiệu với con, Nghinh Lương Ðình là nơi dùng để các vua hóng gió, ngắm cảnh, có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra. Cách đó không xa, Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.

"Với chúng tôi, con là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất. Mỗi hành trình gia đình đi qua, không chỉ là bố mẹ dạy con kiến thức, cùng con trải nghiệm mà chính con cũng giúp chúng tôi có thêm những kiến thức mới, những niềm vui mới", anh Ba tâm sự.

Ảnh: NVCC