- Thói chửi đổng, bán hàng lậu... của người Việt ở Đức được chỉ ra qua cuốn sách "Con rối tha hương" rất nhẹ nhàng, sâu lắng kiểu "những người yêu nhau chê trách về nhau".

Chiều 5/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu, cuốn "Con rối tha hương" do Lê Quang chuyển ngữ vừa được ra mắt. Đây là tác phẩm đầu tay của Karin Kalisa - nhà khoa học, nhà biên tập người Đức nhiều năm nghiên cứu các lĩnh vực như ngôn ngữ, triết học và dân tộc học.

Độc giả rất tò mò với cái tựa là "Con rối tha hương" khi vừa cầm cuốn sách trên tay, có người còn 'tự ái' khi nghĩ rằng, cuốn sách chắc đang viết về những người Việt Nam sống tại Đức - họ cũng chỉ như con rối mà thôi. Thế nhưng, câu chuyện của tác phẩm lại hoàn toàn khác.

{keywords}
Hình ảnh trang bìa giản dị nhưng giàu ý nghĩa của 'Con rối tha hương'.

"Con rối tha hương" kể về gia đình Việt kiều 3 thế hệ sống tại Đức. Cậu bé Minh học sinh cấp 1, phải mang đến “Tuần thế giới mở” của nhà trường một tiết mục văn hóa mang đậm màu sắc Việt Nam mà không được là thực phẩm. Sung & Mây - bố và mẹ cậu bé - bó tay, chỉ cậu vào viện cầu đến bà nội. Một con rối nước với một câu chuyện gây ngạc nhiên, và hấp dẫn người nghe, được kể qua màn độc thoại kỳ lạ và những động tác duyên dáng của người phụ nữ đã đi qua hơn nửa đời người, được mang đến sân khấu của “Tuần thế giới mở”. Cũng từ đây, cuộc đời ba thế hệ của gia đình cậu bé Minh trên nước Đức, bắt đầu từ bà nội cậu được trải ra cho độc giả cũng trải nghiệm và thấu cảm.

Dịch giả Lê Quang chia sẻ ban đầu, tựa của cuốn sách là "Cửa hàng của Dũng" nhưng khi dịch, dịch giả thấy tựa đó 'lành' bèn đổi. "Trong một thế giới mênh mông với bao nhiêu tựa sách mời gọi, tôi cũng phải nghĩ ra một cái tựa nào thú vị một chút, kích thích sự tò mò của độc giả một chút, kiểu giật tít bán sách (cười). Cũng có ý kiến cho rằng, tựa này khiến nhiều người buồn bởi dùng từ tha hương, nếu là Con rối xa quê thì nhẹ nhàng hơn nhưng tôi muốn kích thích sự tò mò của độc giả. Đấy, độc giả thắc mắc như vậy, đã là thành công rồi", dịch giả Lê Quang chia sẻ.

{keywords}
Những chia sẻ xúc động tại buổi ra mắt cuốn sách.

Còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người đã có ngót 30 năm sống và làm việc tại Đức thì cứ tủm tỉm cười suốt khi đọc cuốn này. Ông bảo từng câu từng chữ trong tác phẩm tinh tế, trào lộng đến chê thói xấu của người Việt thôi cũng rất nhẹ nhàng sâu lắng. Cách chỉ thói xấu của người Việt của tác giả kiểu "những người yêu nhau, chê nhau" chứ không phải "kẻ thù của nhau chê nhau". Chỉ có ai đã từng trải qua những ngày tháng sống ở Đức mới có thể hiểu sâu sắc được những cái 'chê khéo' của tác giả về người Việt sống ở Đức.

"Tác giả hẳn là người rất am tường cuộc sống người Việt ở Đức, cũng như tinh thần văn hóa bản địa để chọn ra nhiều chi tiết khá điển hình và sinh động, lại có tính khái quát mà làm nên cốt lõi một vấn đề khá lớn và sâu sắc là bi kịch của các dân tộc khi rời bỏ quê hương và giải quyết vấn đề trên cũng chính bằng văn hóa.

Cụ thể ở đây là nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa cả chính quyền và cư dân bản địa với người di dân đã được hóa giải, được cảm thông và chia sẻ để thông hiểu nhau, thông qua nghệ thuật rối nước; những con rối được mang đi từ Việt Nam, mang đi từ hình hài cụ thể của bầy rối mà những người Việt ở Berlin đã tạo ra, nhưng thực chất là Tinh thần văn hóa ấy, cái bản chất tốt đẹp rất người, rất Việt tính dã được mang từ tâm thức của những tâm hồn Việt, khi văn hóa vốn như ngọn lửa nhỏ vùi âm ỉ trong tro và trấu, chưa bao giờ chết trong những con người buộc phải rời xa tổ quốc mà điển hình la người mẹ của Sung, một trí thức tên Hiền', nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, Con Rối Tha Hương là một tiểu thuyết lớn, dù nó chỉ hơn 200 trang nhưng nó đặt ra một vấn đề đâu chỉ của riêng người Việt Nam ở Đức, mà nó khái quát vào trúng một vấn đề khá bức thiết trong vấn nạn di dân vì chiến tranh hiện nay; một vấn đề đang là khó khăn có tính bức bách toàn cầu tập trung ở Đức. Một cuốn sách tựa vào văn học, nghệ thuật dường như nêu được một điều tưởng giản đơn lại muôn thuở rằng, chỉ có thể hóa giải các xung đột giữa các sắc tộc, chính bằng văn hóa, sự chia sẻ cảm thông, tìm hiểu lẫn nhau qua cái cầu văn hóa.

T.Lê