Rạng sáng 19/2 (giờ Việt Nam), tàu thăm dò Perseverance của NASA đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Hỏa Tinh. Đây là tàu thăm dò thứ ba hạ cánh xuống hành tin này chỉ trong một tháng, sau những thiết bị của UAE và Trung Quốc.
Perseverance sẽ hướng tới hố Jezero trên bề mặt Hỏa Tinh, nơi mà các nhà khoa học cho rằng là địa điểm hoàn hảo để tìm kiếm những dấu hiệu sự sống đã có trên hành tinh này từ hàng tỷ năm trước.
Minh họa robot thăm dò Perseverance trên bề mặt Hỏa Tinh. Ảnh: NASA. |
Nhiệm vụ hạ cánh khó khăn
Thay vì đi vào quỹ đạo của Hỏa Tinh như 2 tàu vũ trụ của UAE và Trung Quốc, Perseverance hạ cánh thẳng xuống bề mặt hành tinh. Vào lúc 3h48 (giờ Việt Nam), những chuyên gia điều khiển tại NASA nhận được tín hiệu cho biết tàu vũ trụ chứa robot thăm dò này đã lọt qua khí quyển của Hỏa Tinh.
Khi tiếp cận khí quyển của Hỏa Tinh, tốc độ của Perseverance lên tới hơn 19.000 km/h. Chỉ trong vòng 7 phút, tàu thăm dò này phải giảm tốc độ về không để có thể hạ cánh an toàn. NASA gọi khoảng thời gian này là "7 phút kinh hoàng".
Con tàu hạ cánh chỉ có một cơ hội duy nhất. Vì tín hiệu radio truyền từ Hỏa Tinh về còn dài hơn thời gian hạ cánh, những người điều khiển tại NASA sẽ chỉ biết nhiệm vụ có thành công hay không sau khi nó đã kết thúc.
Đến trước khi Perseverance hạ cánh thành công, những kỹ sư của NASA cũng không thể hoàn toàn chắc chắn nó sẽ nguyên mảnh sau quá trình đáp xuống và tiếp tục thăm dò.
Tên lửa chứa tàu thăm dò Perseverance được phóng lên từ tháng 7/2020. Ảnh: Reuters. |
Hỏa Tinh có bầu khí quyển khá mỏng. Thông thường, khi bầu khí quyển dày, ma sát sẽ khiến tốc độ của tàu không gian giảm đi nhanh chóng. Khí quyển quá mỏng sẽ khiến việc tính toán thời điểm và kích thước bung dù khó khăn hơn nhiều.
Tín hiệu radio từ Hỏa Tinh truyền về Trái Đất mất 11 phút. Điều đó có nghĩa nếu có vấn đề xảy ra, trung tâm điều khiển của NASA sẽ không kịp can thiệp. Perseverance sẽ hạ cánh hoàn toàn tự động.
Khi tới gần khí quyển, buồng chứa tàu thăm dò sẽ được tách khỏi phần điều khiển cho hành trình từ Trái Đất đến Hỏa Tinh. Bầu khí quyển sẽ khiến con tàu giảm tốc độ, và những động cơ đẩy bên trên sẽ liên tục điều chỉnh góc, hướng hạ cánh cho chuẩn xác đến điểm đã định.
Tới khoảng cách bề mặt Hỏa Tinh 11 km, với tốc độ 1.600 km/h, con tàu sẽ bung dù với đường kính khoảng hơn 20 m. Khi đó, tấm khiên nhiệt sẽ bị loại bỏ, camera và các cảm biến đo đạc khác sẽ quét bề mặt điểm hạ cánh để xác định điểm phù hợp nhất.
Kể cả khi dù đã bung, tàu chứa Perseverance vẫn di chuyển với vận tốc hơn 300 km/h. Động cơ hạ cánh sẽ được kích hoạt khi khoảng cách với mặt đất thu hẹp. Tới khi khoảng cách còn gần 20 m, tàu Perseverance sẽ được hạ dần xuống. Ngay khi bánh của nó chạm mặt đất, phần động cơ hạ cánh sẽ được đẩy đi một khoảng xa nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thăm dò.
Đến đúng 3h55, 7 phút sau khi tiếp cận khí quyển, phòng điều khiển tại trụ sở NASA vỡ òa khi nhận được thông tin gửi về rằng Perseverance đã hạ cánh an toàn.
"Hạ cánh được xác nhận", Swati Mohan, kỹ sư bình luận cuộc hạ cánh Hỏa Tinh cho biết.
Minh họa khi buồng chứa tàu thăm dò được tách ra để chuẩn bị hạ cánh xuống Hỏa Tinh. Ảnh: NASA. |
NASA từng sử dụng kịch bản tương tự để đưa tàu thăm dò Curiosity lên Hỏa Tinh năm 2012. Tuy nhiên, các kỹ sư của cơ quan này vẫn phải liên tục cải thiện những quy trình để đảm bảo có lần hạ cánh thành công thứ hai.
"Chúng tôi chưa bao giờ tìm ra được một cách tính toán tỷ lệ hạ cánh thành công", Matt Wallace, phó quản lý của dự án chia sẻ với New York Times.
Perseverance sẽ làm gì trên Hỏa Tinh?
Trong 20 năm qua, NASA đã đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp về hành tinh này. Họ từng lần theo những dấu vết của nước. Các hẻm núi lớn, những đường gió trên Hỏa Tinh và dấu hiệu của những hồ nước đã khô cạn cho thấy từng có lúc nước tồn tại trên hành tinh này.
Tại hố Jezero, Perseverance sẽ phân tích một vùng châu thổ từng tạo ra hồ lớn ở hố này. Các nhà khoa học hi vọng rằng hóa thạch của những vi sinh vật vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
Bức ảnh đầu tiên do Perseverance chụp và gửi về Trái Đất. Ảnh: NASA. |
Mặc dù có thiết kế giống tàu thăm dò Curiosity, Perseverance lại được trang bị nhiều công cụ khác biệt như camera phức tạp, đèn chiếu laser để phân tích địa chất hoặc radar để thám hiểm nền đất.
Nhiệm vụ này cũng sẽ thu thập những mẫu đất, đá trên Hỏa Tinh để một con tàu tương lai tới hành tinh này có thể mang về Trái Đất.
Một lúc sau khi hạ cánh, tàu Perseverance gửi đi những hình ảnh đen trắng đầu tiên từ bề mặt Sao Hỏa, cho thấy bóng của con tàu đổ trên bề mặt hành tinh này.
Theo Zing/NASA
Khoảnh khắc lịch sử tàu thăm dò NASA hạ cánh xuống Hỏa Tinh
Cơ quan hàng không vũ trụ NASA thông báo, tàu thăm dò Perseverance đã hạ cánh thành công xuồng bề mặt Hỏa Tinh.