- Đến nay đã có một trường học bị đóng cửa. Theo nhận định của các bác sĩ, bệnh tay chân miệng (TCM) trong các trường học, đặc biệt là các trường mầm non đang có diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân do trẻ mắc bệnh, sốt cao nhưng phụ huynh vẫn cho đi học nên dễ lây lan....


Cần tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho trẻ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh chân tay miệng.

Đã có học sinh tử vong

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, sáu tuần đầu năm 2012 có trên 6.300 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và 9 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2011 số ca mắc tăng 7,1 lần. Chỉ ba tuần sau đó, số ca mắc đã tăng gấp đôi....

Tại TP.HCM, báo Tiền phong dẫn lời bác sĩ Lê Minh Hùng- Phó phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM) cho hay,  từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có gần 1900 ca mắc TCM. Trong hai trường hợp tử vong, một trường hợp đang đi học mầm non. “Thống kê cho thấy, 35% tổng số ca nhập viện do mắc TCM, là bệnh nhi có đi học”- bác sĩ Hùng nói.

Hiện dịch TCM vẫn đang gia tăng tại TPHCM khi mỗi tuần có trên 200 ca mắc mới, trong khi đó đã có 65% số xã, phường có ca mắc TCM và tập trung không chỉ khu vực ngoại thành mà các quận ở trung tâm.

Theo phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Đắc Thọ, ba tháng đầu năm 2012, trẻ từ 3-5 tuổi mắc nhiều. Đây là tuổi các cháu đi học mầm non, nhà trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Y tế dự phòng quận 11 cho biết, trong 46 trường mầm non và nhóm trẻ ở quận đã có 32 trường có trẻ mắc bệnh. Một trường phải đóng cửa.

"Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học rất cao, do hầu hết cô giáo và bảo mẫu chưa nắm hết các dấu hiệu biểu hiện của bệnh để giám sát, trong khi các trường mầm non chưa tuyên truyền cho phụ huynh và thông báo cho y tế địa phương để ngăn chặn." - bác sĩ Hùng cảnh báo. 

Tại một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã có trường hợp mắc bệnh TCM. Ở những lớp có bạn nhiễm bệnh đều được cha mẹ đồng loạt cho nghỉ học dài ngày.

Chị H.Lan (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) gần tuần nay nghỉ làm ở nhà trông con vì ở lớp bé có một cháu bị TCM. "Dù công việc cơ quan chồng chất, nhưng sợ cháu bị lây nhiễm nên không còn cách nào khác. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp chắc phải về quê đón bà ngoại lên trông con” - chị Lan tâm sự.

Lớp 3 tuổi của bé Bi (trường mầm non G.S, Hà Nội) hiện giờ chỉ còn 10 cháu đi học bình thường (25 cháu/ lớp), số còn lại đều được bố mẹ “cáo ốm” ở nhà cho lành.



Nhiều phụ huynh cẩn thận lau sàn ít nhất 3 lần/ ngày bằng dung dịch khử khuẩn để bé thoải mái chơi đùa.

Phòng bệnh

Chị Thanh Nga (Từ Liêm, Hà Nội) lập tức cách ly con bằng cách “nhốt” bé trong phòng, không để bé đùa nghịch cùng bất cứ ai. Chưa dừng lại ở đó, chị cẩn thận thanh trùng toàn bộ vật dụng, tổng vệ sinh đồ đạc, chăn chiếu, khăn gối, quần áo, giày dép trong nhà.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mình cẩn tắc vô áy náy nhất là đối với con nhỏ càng cần sạch sẽ gọn gàng vì các bé dễ mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm.” – Chị Nga chia sẻ.

Để tránh nguy cơ bị TCM – chị Hoa ngâm rửa vật dụng, đồ chơi và vệ sinh khu vực sinh hoạt của con bằng các dung dịch khử khuẩn như cloramin B, nước javel.

Theo chị Hoa, một số bà mẹ còn cẩn thận một ngày lau sàn nhà ít nhất ba lần bằng dung dịch khử khuẩn, phải lau lại bằng nước sạch rồi phơi hoặc lau khô mới tiếp tục cho trẻ chơi ở đó.

Ngoài ra còn muôn cách ứng phó với nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ được các bậc làm cha làm mẹ sử dụng như: không để trẻ mút tay, ngậm đồ vật, đeo khẩu trang khi ra ngoài đặc biệt những nơi đông người, trước khi ăn tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần/ ngày….

Một số phụ huynh có suy nghĩ là trẻ mắc bệnh TCM phải kiêng cả tắm rửa. Nhưng theo kinh nghiệm của chị Hằng (Gia Lâm, Hà Nội) vừa vật vã cùng con trở về sau hai tuần nằm viện vì có biểu hiện bệnh TCM, nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da.

“Riêng về chế độ dinh dưỡng chú ý cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hợp vệ sinh và nhất là không ép trẻ uống các loại nước chua nếu trẻ từ chối vì sẽ làm trẻ đau miệng hơn” – chị Hằng chia sẻ.

  • Thu Thảo

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em với triệu chứng đặc trưng là sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước.

Ban đầu trẻ bị sốt, biếng ăn, mệt mỏi, đau họng, sau một hoặc hai ngày số thì bắt đầu đau họng. Khám họng trẻ thì thấy những chấm đỏ, sau đó biến thành bọng nước rồi tiến triển đến loét.

Trẻ cũng bị phát ban, mụn nước mọc trên tay, bàn chân, quanh miệng và ở mông. Bệnh do một nhóm virus gây nên, thường thấy là virus coxsackievirus, gần đây còn phát hiện ra loại enterovirus 71 cũng là tác nhân gây bệnh, loại virus này khiến bệnh tay – chân – miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

Đa phần bệnh này có thể tự khỏi sau 7 ngày phát bệnh vì khi đó kháng thể trung hòa tăng cao, virus bị thải loại.