- Xu hướng mới của các trường học trên thế giới là dần hạn chế và loại bỏ bài tập về nhà. Tuy nhiên, các nhà quản lý giáo dục cũng như các phụ huynh vẫn còn nhiều lo ngại trước xu hướng "tẩy chay" này.


Mỹ đi đầu xu hướng “tẩy chay”

{keywords}

Mỹ có thể nói là quốc gia đi đầu trong xu hướng “tẩy chay” bài tập về nhà. Thay vào đó, giáo viên khuyến khích cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho con cái, tập trung vào các hoạt động ngoại khóa, kết nối các thành viên trong gia đình, vui chơi, đọc sách…

Rất nhiều trường học ở Mỹ đã ra quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Ngay giữa tháng 9 mới đây, một trường tiểu học ở Portland, Oregon (Mỹ) đã cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh. Trường này cho rằng sẽ tốt hơn khi bọn trẻ được vui chơi trong thời gian không phải lên lớp.

Tuy nhiên, không phải là không có những ý kiến phản đối ý tưởng bỏ bài tập về nhà hoàn toàn với học sinh. Chính sách bài tập về nhà của toàn khu Palm Springs, California khẳng định rằng sẽ giúp học sinh “đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật của khu vực” và nên được xem là “việc hàng ngày”.

Ông Daniel Miller – giám đốc phụ trách giáo dục cấp 2 của hợp khu trường học Desert Sands cũng nêu quan điểm: ““Chúng tôi không tính tới chuyện bỏ bài tập về nhà, bởi vì nó có giá trị giáo dục quan trọng” – ông Knapp viết trong một email.

Một giáo viên lớp 2 của Trường Tiểu học Cahuilla cũng cho rằng: “Chúng tôi chỉ đang cố gắng dạy bọn trẻ về tính trách nhiệm” khi giao bài tập về nhà.

Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ việc bỏ bài tập về nhà. Một bà mẹ có cô con gái 10 tuổi đã bị tụt lại so với bạn bè do một giáo viên dạy thay không giao bài tập về nhà. “Tôi muốn có bài tập về nhà” – chị khẳng định. Cùng quan điểm với bà mẹ này, một ông bố cũng thừa nhận một số ưu điểm của bài tập về nhà, mặc dù anh phản đối việc giao quá nhiều bài tập.

Phụ huynh Anh không tự tin giúp con làm bài tập về nhà

{keywords}

Mới đây, Trường Tiểu học Inverlochy (Fort William) của Scotland đã quyết định bỏ bài tập về nhà cho học sinh sau khi xin ý kiến của phụ huynh, giáo viên và học sinh trong một cuộc khảo sát.

Gần 80% học sinh của trường và 62% phụ huynh ủng hộ động thái này, trong khi 10 giáo viên thì chia thành 2 luồng ý kiến. Một số phụ huynh cho rằng bài tập về nhà khiến học sinh và phụ huynh căng thẳng.

Không hoàn toàn ủng hộ động thái này của trường Inverlochy, phát ngôn viên Hiệp hội giáo viên cho rằng, bài tập về nhà giúp học sinh phát triển khả năng học tập độc lập.

Trước đó, một nghiên cứu của Anh công bố hồi đầu năm 2015 cho thấy 2/3 phụ huynh lo lắng rằng họ sẽ bị các giáo viên đánh giá dựa vào chất lượng bài tập về nhà của con. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không tự tin khi giúp con làm bài tập về nhà.

Hơn một nửa trong số 2.000 phụ huynh cho biết, họ ước gì đã học giỏi môn Toán hơn khi còn đi học. Toán cũng đứng đầu danh sách các môn học khiến phụ huynh sợ hãi nhất.

Seoul, Hàn Quốc cấm bài tập về nhà

{keywords}

Cuối tháng 8/2016, Cơ quan giáo dục thành phố Seoul ra thông báo cấm các trường tiểu học giao bài tập về nhà cho học sinh bắt đầu từ năm tới. Đây được cho là một động thái nhằm giảm nhẹ gánh nặng học tập cho các gia đình, cũng như tăng cường vai trò của giáo dục công lập.

Động thái này cũng nằm trong kế hoạch lớn hơn được đưa ra bởi Cơ quan giáo dục thành phố nhằm hạn chế sự mở rộng của khu vực giáo dục tư nhân – một gánh nặng tài chính đối với các gia đình.

Hàn Quốc – cũng giống như một số nước châu Á – là quốc gia rất coi trọng giáo dục phổ thông và đại học. Hình ảnh học sinh Hàn Quốc lao đến các trung tâm gia sư, luyện thi sau giờ học trên lớp là một hình ảnh vô cùng quen thuộc. Mục đích giành suất vào một trường đại học danh tiếng tạo một áp lực rất lớn với học sinh nước này. Vì thế, quyết định bỏ bài tập về nhà với học sinh tiểu học Seoul là một quyết định táo bạo của các nhà quản lý giáo dục thành phố.

Tuy vậy, nội dung thông báo cũng nói thêm rằng, với những học sinh yếu kém, các giáo viên vẫn được phép giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, họ bị cấm đưa ra các hình thức phạt học sinh khi không làm bài tập về nhà.

Tây Ban Nha: Nhiều bài tập về nhà nhưng kết quả không tốt

Đầu tháng 11, chủ đề bài tập về nhà trở thành vấn đề “nóng hổi” được tranh luận ở Tây Ban Nha khi cuối tuần qua, phụ huynh ở 12.000 trường công đồng loạt phản đối giao bài tập về nhà vào cuối tuần.

Liên minh Hội Phụ huynh Tây Ban Nha cho rằng bài tập về nhà gây bất lợi cho trẻ em. Trong bảng xếp hạng PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), học sinh nước này phải dành 6,5 tiếng mỗi tuần để làm bài tập về nhà, xếp thứ 11/64 về khối lượng bài tập về nhà.

Tuy vậy, kết quả kiểm tra ở các môn toán, đọc, khoa học lại không hề tốt hơn các quốc gia khác. Chủ tịch Liên minh CEAPA - ông Jose Luis Pazos cho rằng giáo dục Tây Ban Nha bị phụ thuộc quá nhiều vào phương pháp truyền thống theo kiểu học vẹt, ghi nhớ máy móc.

Học sinh Phần Lan hiếm khi phải làm bài tập về nhà

{keywords}
Trẻ em Phần Lan được khuyến khích vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội

Theo khảo sát của OECD, Phần Lan là một trong số những quốc gia yêu cầu học sinh dành thời gian làm bài tập về nhà ít nhất thế giới – chỉ 2,8 giờ/ tuần. Tuy nhiên, kết quả các môn toán, đọc, khoa học của học sinh nước này lại nằm trong nhóm cao nhất.

Quan điểm của giáo dục nước này là để trẻ em được sống đúng tuổi của chúng. Học sinh Phần Lan hiếm khi phải làm bài tập về nhà cho tới khi 13-14 tuổi. Trung bình, học sinh Phần Lan có 75 phút nghỉ giải lao mỗi ngày, trong khi con số này ở trường tiểu học Mỹ là 27 phút.

Thành công của hệ thống giáo dục Phần Lan là nhờ rất nhiều yếu tố: tỷ lệ giáo viên – học sinh là 1:12, hầu hết giáo viên Phần Lan có bằng thạc sĩ và những người làm nghề đứng bục giảng ở nước này được coi trọng giống như bác sĩ hay luật sư.

Học sinh Trung Quốc chưa thoát khỏi ‘núi’ bài tập về nhà

{keywords}
Một đứa trẻ Trung Quốc ngồi làm bài tập sau xe bố

Những đứa trẻ ngồi vất vưởng sau xe cha mẹ vẫn cắm cúi làm bài tập về nhà dường như đã trở thành “biểu tượng” của nền giáo dục Trung Quốc.

Trái ngược với Phần Lan, học sinh nước này dành 14 giờ/ tuần cho bài tập về nhà – theo khảo sát của OECD. “Núi” bài tập về nhà của học sinh nước này trung bình mất tới 10.080 giờ để giải quyết trước khi trẻ đến tuổi 18 – bằng với thời gian của 4.032 buổi hòa nhạc hoặc 7.000 trận bóng đá.

Khoảng 45% học sinh tham gia khảo sát nói rằng chúng đang có quá nhiều bài tập về nhà. Dữ liệu này cũng cho biết thời gian làm bài tập về nhà của học sinh Trung Quốc gấp 3 lần học sinh Pháp, gấp 4 lần học sinh Nhật Bản và gấp 6 lần Hàn Quốc.

Bài tập về nhà, đặc biệt là môn toán, được cho là lý do khiến người trẻ Trung Quốc thiếu ngủ. Số giờ ngủ của học sinh Trung Quốc bắt đầu giảm khi trẻ được 3 tuổi và giảm xuống dưới 8 tiếng khi 12 tuổi.

87,6% học sinh phổ thông tham gia khảo sát trả lời rằng chúng thường xuyên hoàn thành bài tập về nhà sau 11 giờ đêm. Trong đó, học sinh Thượng Hải có tỷ lệ “cú đêm” cao nhất.

Trước tình hình này, năm 2013, Bộ Giáo dục Trung Quốc từng đưa ra dự thảo quy định giảm số lượng, tiến tới không giao bài tập về nhà dạng viết dành cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, dự luật này vấp phải những tranh cãi nảy lửa giữa các chuyên gia và giáo viên về tính khả thi. Một đối tượng nữa cũng rất khó chấp nhận dự thảo này chính là các bậc phụ huynh. Họ lo sợ con cái sẽ không theo kịp bạn bè, không vượt qua các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh đại học cực kỳ quan trọng với học sinh Trung Quốc.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)