Nói ông nghèo nhất xã cũng đúng bởi ông sống trong túp lều rách, ngủ trên chiếc giường ọp ẹp đã mất mấy dát giường. Nói ông là dân chơi bậc nhất đất Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng chẳng sai bởi từ mấy chục năm trước ông là một trong những người đầu tiên của huyện này dám tậu ôtô và hiện nay vẫn là người duy nhất ở làng có ôtô đi. Ông là Khúc Văn Cẩn - “tay chơi bậc nhất đất Vĩnh Bảo”.

Đồng Minh là xã thuần nông của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) với 2 nét nổi bật là nghề múa rối nước truyền thống và… thuốc lào. Tuy vậy, xã này còn nổi tiếng bởi một “dị nhân” đó là ông Khúc Văn Cẩn. Có người nói vui ông Cẩn chính là một “công tử Bạc Liêu” của đất Vĩnh Bảo.

Tìm tới xã Đồng Minh, hỏi về “ông Cẩn có xe ôtô”, bà lão gần 90 tuổi, răng rụng gần hết vẫn ngửa mặt lên cười sằng sặc: “Ông Cẩn à? Ai mà chẳng biết ông ấy. Cứ đi đến cuối thôn, thấy một túp lều bên ngoài có chiếc xe ôtô trắng, vây bọc cẩn thận là nhà ông ấy”.

Thấy chúng tôi hỏi về ông Cẩn, bọn trẻ học sinh đi học về nhao nhao xung phong dẫn về tận nơi, chỉ về tận nhà “người nổi tiếng”. Ngôi nhà ông Khúc Văn Cẩn giống một túp lều rách hơn nhà. Trong khi xung quanh đa số là nhà mái bằng hoặc nhà ngói thì căn nhà ông Cẩn nằm lọt thỏm trong một “khu rừng” um tùm cỏ, cây dại.

{keywords}

“Túp lều” rộng chừng hơn 10m2, xập xệ, cũ kỹ đầy rêu phong. Những cánh cửa xập xệ, bung cả bản lề, có cảm tưởng chỉ cần đẩy nhẹ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trong “túp lều” dễ dàng nhận thấy nhất là một chiếc giường xập xệ, mất gần nửa số dát giường, bộ bàn uống nước và chiếc tivi cũ.

Đệ nhất dân chơi vùng quê

Ông Cẩn nghèo, điều đó hiển hiện ở ngôi nhà tuềnh toàng. Nhưng ông Cẩn “dân chơi” thì là cả một câu chuyện dài.

Theo lời những người dân nơi đây thì gia đình ông Cẩn có 3 anh em, ngày xưa ông học khá giỏi nhưng có tính gàn. Ông chỉ gàn thôi chứ sống với làng xóm thì đầu cuối lắm, chẳng bao giờ xích mích với ai. Thời đó ông Cẩn làm kiểm soát viên đê điều của huyện Vĩnh Bảo.

Cái chức danh “Nhà nước” ấy chỉ đủ cho ông và những người có cùng công việc rau cháo qua ngày. Gia đình ông sống trong căn nhà ngói cũ rộng hơn 10m2. Căn nhà này thời đó không được coi là nhỏ như bây giờ vì hàng xóm của ông cũng sống trong những căn nhà tương tự.

Thế rồi đột nhiên một ngày đẹp trời, cả cái xã Đồng Minh ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi thấy ông Khúc Văn Cẩn đánh ôtô về làng. Những năm 90 của thế kỷ trước, việc sở hữu một chiếc xế hộp là một điều quá xa vời đối với những người dân Vĩnh Bảo.

Cả huyện chỉ có vài chiếc ôtô của các cơ quan Nhà nước, ông Cẩn là người đầu tiên của “vùng đất thuốc lào” dám sắm ôtô cho riêng mình. Chính vì ông Cẩn vốn nghèo khó, bỗng dưng sắm ôtô nên người ta thêu dệt nên đủ chuyện nào là mẹ ông trước khi chết để lại cho ông của hồi môn là một hũ vàng, nào là ông ấy đào được vàng trong vườn nhà mình...

Chiếc xe đầu tiên ông Cẩn sở hữu mang nhãn hiệu Lada màu trắng. Bà Nguyễn Thị Nụ, người làng Từ Lâm, móm mém kể: Hồi đó đường làng vẫn là đường đất. Một hôm, cả xóm nghe tiếng động cơ ôtô, trẻ con, người lớn cả xóm ùa ra xem tưởng quan chức nào ở thành phố về qua làng. Khi người trên xe kéo cửa kính ra thì mọi người mới ồ lên, đó là ông Cẩn.

Mọi người xúm lại hỏi thì ông ấy chỉ cười nói rằng xe mới mua. Ông ấy còn hào phóng “chiêu đãi” chở mấy cụ già, mấy đứa trẻ đi dạo quanh làng. Đang đi dạo thì... xe hỏng. Đám thanh niên trai tráng phải tụ tập đẩy xe giúp ông ấy đánh vào sân.

Từ ngày có xe hơi, ông Cẩn chăm chút cho xe lắm, rảnh lúc nào là ông lau chùi, lâu lâu lại đánh xe đi dạo một vòng. Chiếc xe ọc ạch như răng bà lão khiến không ít lần ông phải nhờ tới người dân đánh trâu đi kéo vì bị hỏng máy giữa đường.

{keywords}

Từ ngày ông Cẩn mua xe, gia đình ông bỗng sinh ra nhiều chuyện, cuối cùng là gia đình đổ vỡ, dù vợ chồng ông đã có với nhau hai mặt con. Có nhiều lý do dẫn đến sự đổ vỡ này nhưng có lẽ một phần xuất phát từ sự “chơi ngông” của ông. Sống trong căn nhà bé tin hin nhưng ông Cẩn vẫn dành một khoản tiền lớn để mua xe, cơm ăn chẳng no nhưng thỉnh thoảng ông lại bỏ ra số tiền bằng tiền ăn gia đình cả tháng chỉ để mua xăng cho “con xe” chạy vài vòng.

Những điều đó khiến vợ ông đâm đơn ly dị chồng. Ban hòa giải của xã được một phen toát mồ hôi hột vì tình huống trớ trêu chưa gặp bao giờ. Ông Cẩn một mực đòi vợ nếu ly dị phải “bồi thường hao mòn tuổi thanh xuân” cho ông. Nghe nói, yêu cầu ấy của ông Cẩn không được đáp ứng và tòa vẫn xử ly hôn.

Văn minh, đón đầu thời đại

Sau gần 1 ngày chờ đợi, tôi cũng gặp được chủ nhân của túp lều rách và chiếc xế hộp. Trái với suy nghĩ của tôi về một ông lão “gàn”, ông Khúc Văn Cẩn có cách nói chuyện khá lịch sự. Ông bảo những thông tin về việc ông mua được xe là do có của hồi môn hay ông đào được vàng đều không đúng. Sở dĩ từ những năm 90 của thế kỷ trước ông mua được xe là do tích cóp, tằn tiện mà có.

Ông cũng cho biết bản thân có đam mê về xe ôtô từ lâu và luôn mơ ước được sở hữu một chiếc “xế hộp” của riêng mình. Ông Cẩn lý giải việc sở hữu xe ôtô là hết sức bình thường ở các nước văn minh.

Chiếc ôtô cũng là một thước đo đánh giá chất lượng cuộc sống và sở hữu ôtô chính là một hành động đón đầu thời đại. Ông Cẩn cũng cho rằng việc mình sắm ôtô là để phục vụ cho công việc. Ông vốn là kiểm soát viên đê điều, thường phải kiểm tra đê những khi mưa bão, những khi đó chiếc xe hơi cực kỳ hữu ích.

Ngoài ra, nếu đi đêm, ngồi trong xe sẽ không bị… chó cắn vì ở quê người ta nuôi nhiều chó, từng có nhiều người bị chó cắn khi đi bộ, đi xe đạp. Có lẽ ông Cẩn “đón đầu thời đại” quá sớm nên thời của những năm 90 khi xe máy còn hiếm thì ông đã có ôtô. Và có lẽ do quá chú trọng vào tiêu chí chất lượng cuộc sống là chiếc ôtô, nên ông bỏ tiền sắm ôtô trong khi mình vẫn ở trong “túp lều”.

Hơn 20 năm trôi qua, kể từ khi ông Cẩn sắm chiếc xế hộp đầu tiên. Sau chừng ấy năm, bộ mặt làng quê đã thay đổi nhiều. Những ngôi nhà vốn trước đây giống nhà ông Cẩn đã được thay bằng nhà ngói, nhà mái bằng, nhà tầng trong khi ngôi nhà ông ngày càng xập xệ. Ông Cẩn không quan tâm đến nhà, nhưng lại “lên đời” chiếc xế hộp. Chiếc ôtô hiệu La già (Lada), sau vài năm ậm ạch đã được ông Cẩn “đẩy” đi.

Trong vòng mấy năm, ông Cẩn tích cóp được 3 cây vàng, dắt vào bụng và gót giày rồi đạp mấy chục cây số đi mua xe. Chiếc xe ông tậu được sau này mang nhãn hiệu Daewoo Ciello đời 1995. Ông Cẩn cười xòa tâm sự: “Người ta nhìn thấy tôi nhếch nhác cứ tưởng tôi nói đùa. Nhưng khi thấy tôi lôi ra 2 cây vàng trả tiền theo đúng giá không thiếu một xu thì ông chủ xe mới tin là thật. Tưởng tôi lừa mua bằng vàng giả, ông ấy còn bắt tôi ra hiệu vàng đổi ra tiền mặt mới cho lấy xe. Tôi còn mất thêm 1 cây vàng nữa để “xì tút” lại thì chiếc xe mới “ngon nghẻ”, chạy tốt như thế này”.

Chiếc Daewoo Ciello do mới hơn nên đi trơn tru, ít hỏng hóc hơn chiếc Lada cũ. Tuy vậy nó cũng thường xuyên giở chứng, vả lại xăng dầu đắt đỏ nên ông Cẩn cũng ít đi. Thay vì bon bon trên đường, chiếc xe được đặt trang trọng trong khoảnh sân cỏ mọc như vườn của nhà ông Cẩn. Để chống trộm, chống bọn trẻ con vào nghịch phá, ông đầu tư hẳn một bờ rào bằng lưới B40 bao quanh khu vực “gara”. Nhằm chống nắng, mưa, ông phủ lên trên chiếc xe những tấm bạt, chăn cũ.

Trước mắt chúng tôi là một cảnh thật đối nghịch: Chiếc ôtô đặt cạnh túp lều rách. Khi viết những dòng này, chúng tôi không có ý phê phán ông Cẩn. Mỗi người có một cách sống riêng mà chúng ta nên tôn trọng, đơn giản đây chỉ là câu chuyện lạ về một người đàn ông sở hữu chiếc xế hộp trong khi vẫn ở trong túp lều rách.

(Theo LĐ)