Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

mocbai.jpg
Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)

Cụ thể, về phạm vi quy hoạch cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Thời kỳ 2021-2030, mở, nâng cấp 9 cửa khẩu quốc tế, 8 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ. Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có 60 cửa khẩu, trong đó có 20 cửa khẩu quốc tế, 14 cặp cửa khẩu chính và 26 cửa khẩu phụ. Riêng tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh) - Dar (Tboung Khmum) sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu Hoà Hiệp (Tây Ninh) - Khse Dek (Svay Rieng) trở thành cửa khẩu phụ.

Tầm nhìn đến năm 2050: mở, nâng cấp 6 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính và 7 cửa khẩu phụ. Dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ có 68 cửa khẩu, trong đó có 26 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu chính và 22 cửa khẩu phụ. Theo quy hoạch giai đoạn này, trên địa bàn Tây Ninh có cặp cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Rieng) trở thành cửa khẩu quốc tế đường sắt; cửa khẩu Tống Lê Chân (Tây Ninh) - Satum (Tboung Khmum), Vạc Sa (Tây Ninh) - Satum (Tboung Khmum) và Hoà Hiệp (Tây Ninh) - Khse Dek (Svay Rieng) trở thành cửa khẩu chính; cửa khẩu Gò Nổi (Tây Ninh) - Com Pook Tusk (Svay Rieng) trở thành cửa khẩu phụ.

Được biết, Tây Ninh có đường biên giới dài gần 234 km tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum). Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 cửa khẩu (3 cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu chính: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ).

Hoà Thành