- Cây đào bung hoa rực rỡ ở góc hành lang lối vào Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu BV Bạch Mai dường như chưa đủ sức mang không khí Tết đến cho những người bệnh. Ở đây, nhắc đến Tết người ta dễ chạnh lòng, buồn nhiều hơn vui.
TIN BÀI KHÁC
Dịp Tết, cảnh giác cao với viêm não mô cầu
Co ro thức cùng đào, quất ngày giáp Tết
Lục đục vì Tết, cãi nhau vì... tiền
Đau đầu vì quà Tết
Buốt ruột nghe “mùi đất thơm”
Nhiều bệnh nhân khoa Ung bướu BV Bạch Mai tâm sự, Tết đến khiến họ càng cảm thấy rõ thời gian đằng đẵng sống chung với bệnh tật, mà sự sống thì có hạn.
Trong buồng bệnh hơn chục người từ khắp nơi về đây chạy chữa, chủ đề Tết thi thoảng lại được nhắc đến kèm những tiếng thở dài.
Tết đến nghe “mùi đất thơm”, nhiều bệnh nhân không giấu được nỗi buồn |
Nhìn con cháu tất bật bỏ cả Tết nhất ở quê lên chăm lo, săn sóc, bà vừa thương, vừa tủi. Lẽ ra nếu khoẻ mạnh, giờ này bà đã ở nhà cùng các con sắm sang, chuẩn bị bánh trái thịt thà…
“Từng này tuổi rồi, nhưng vào đến đây mới thấy quý sức khoẻ của mình, mới thấy thèm ăn miếng bánh chưng ngon lành…” – bà Minh tâm sự.
Nhớ về những cái Tết đã qua được sum vầy khoẻ mạnh với con cháu, lại nghĩ đến Tết năm nay, bà Minh nói vui nửa đùa nửa thật: “Tết này đã thấy mùi đất thơm gần lắm rồi đấy!”
Những người bệnh xung quanh ai nấy cười ồ, mà mắt thì mọng nước.
Anh Hoàng canh cánh thương đến các con ăn Tết thiếu vắng cha mẹ. |
Anh Đàm Lê Hoàng (quê Quảng Xương, Thanh Hoá) mắc bệnh ung thư thực quản, vào điều trị trong viện cũng đã lâu. Anh mới ngoài ba mươi, nhưng gương mặt sạm đen, hốc hác già xọp đi. Nói đến Tết, anh Hoàng chỉ thương hai đứa con thơ đang ở quê.
“Nhà em nghèo nên chắc hai vợ chồng không về nhà được, Tết này kể cả bác sĩ cho về thì chúng em cũng phải ở lại viện. Chắc cũng không Tết nhất gì, chỉ tội các cháu ở quê vắng bố vắng mẹ”.
Ao ước đoàn viên với gia đình ngày Tết, nhưng ít bệnh nhân dám nói ra. Họ đành giấu cả những thương nhớ người thân vào những tiếng thở dài, những mẩu chuyện trò ngắn ngủi.
Tại tầng 3 - khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai - bầu không khí căng thẳng trong tiếng máy móc, thiết bị chạy thận và tiếng bệnh nhân trao đổi rì rầm. Đã 9h đêm nhưng nhiều người vẫn còn đang phờ phạc đợi đến lượt mình điều trị.
Không khí nặng nề tại khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai những ngày giáp Tết. |
“Cháu nó yếu lắm, năm nay chắc cũng không về được. Tàu xe vất vả, sợ cháu không chịu được. Mà về quê thì lại tốn đủ thứ ” - người mẹ nghèo buồn bã nói.
Năm nay, cô con gái lớn của bà đòi ra chăm em thay mẹ nhưng bà nhất quyết không nghe. Bà bảo, con đau một thì mẹ đau mười. Ngày Tết ngày nhất không có gì thì cũng phải có hai mẹ con với nhau.
Tính là tính thế, nhưng nỗi buồn bỗng dâng đầy khiến câu chuyện của bà đứt quãng. Chẳng biết bà sẽ còn được bao nhiêu cái Tết nữa cùng con như thế…
Gắng gượng vượt dốc đón xuân
Tết trong bệnh viện buồn rơi nước mắt, cuộc chuyện trò nào cũng ám ảnh cái ranh giới sống, chết mong manh. Thế nhưng bệnh nhân cũng tự động viên nhau lạc quan để điều trị được tốt.
Những ngày cuối năm vào thăm các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, cảm động nhất vẫn là hình ảnh những người vợ, người chồng chăm sóc bạn đời, những người con ân cần chăm sóc cha mẹ… Họ thương yêu, an ủi nhau cho quên đi bao buồn tủi ngày Tết, nhắc nhau vững tâm đấu tranh đến cùng với bệnh tật.
Chăm chồng bị ung thư phổi tại BV Bạch Mai, vợ anh Được (quê Phú Thọ) không quản ngại khó khăn, lúc nào cũng vỗ về anh, kể cả những khi anh đau đớn, cáu gắt. Lúc dịu lại giữa cơn đau, hai vợ chồng nắm chặt tay nhau như để truyền thêm niềm tin, sức mạnh.
Chị bảo, hai vợ chồng kết hôn muộn, mới có một mặt con thì anh đổ bệnh. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, nhưng gì thì gì, chị sẽ không để anh một mình khổ sở.
Vợ chồng anh Được tay trong tay vượt lên bạo bệnh |
Chị chia sẻ: “Tết này em sẽ ở lại viện, hai vợ chồng đón Tết trong này. Không ăn được đâu, nhưng em cũng đã có chiếc bánh chưng mua về cho có mùi Tết… Vừa để chồng đỡ nhớ nhà, vừa để động viên anh phải cố gắng để hai vợ chồng về với con”.
Chồng chị nghe không góp một lời nào, nhưng trên gương mặt anh thoảng một nét cười rạng rỡ.
Tại buồng bệnh khác, anh Nguyễn Văn Thắng (Đông Triều, Quảng Ninh) luôn tay bóp chân cho vợ. Không để người vợ có những phút yếu đuối, anh từ tốn bảo rằng: “Cuộc đời phải có lúc này, lúc kia. Xã hội mỗi người một việc, còn mình dù bệnh tật nhưng cũng phải lạc quan mà chữa trị, không thể buông xuôi được!”.
Căn bệnh u nang buồng trứng quái ác khiến người vợ của anh suy kiệt sức khoẻ nhanh đến ngỡ ngàng. Thế nhưng, trong những ngày tháng cam go của cuộc đời, hai anh chị vẫn có nhau. Với chị, đó là liều thuốc giảm đau công hiệu hơn hết thảy.
Mùa xuân năm nay chị không còn được sức khoẻ như xưa, nhưng vẫn có chồng và các con bên cạnh. Trên giường bệnh, chị vẫn tự hào nhắc đến người con trai mới tốt nghiệp đại học loại giỏi, xin được một công việc tốt, lương cao và hết lòng hiếu thảo với bố mẹ.
Những câu chuyện, những lời sẻ chia ấy có lẽ cũng phần nào giúp đem mùa xuân về qua đây, thắp lên niềm tin, tiếp thêm nghị lực cho những người bệnh.
Minh Tâm