- Tết Nhâm Thìn là cái Tết thứ 10 của Đại sứ Palestine Saadi Salama tại Việt Nam. Ông Saadi Salama là một trong số ít các đại sứ có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, và đồng thời là một người "con rể" của đất Việt.
Đại sứ Palestine Saadi Salama |
"Trong thế giới Ả Rập, Palestine thì Tết không mang tính chất điểm tiễn một năm cũ, đón một năm mới, mà mang tính tôn giáo nhiều hơn, vì nó rơi vào thời điểm cuối của tháng ăn kiêng của người Hồi giáo" - ông Salama chia sẻ.
Đại sứ Palestine cho biết: Tết của người Việt Nam và Tết của người Palestine rất khác nhau, đặc biệt là về thời điểm. Do đó, cái Tết đầu tiên ở VN đã để lại trong lòng ông rất nhiều ấn tượng đặc biệt.
Hồi ấy nhà trường là Khoa Tiếng Việt của Đại học Quốc gia Hà Nội (ngày nay) đã tổ cho các du học sinh nước ngoài ở Việt Nam một lễ liên hoan giới thiệu về ngày Tết ở Việt Nam, trong một bầu không khí như ở gia đình, có các thầy, các cô, thầy hiệu trưởng đều có mặt để chia sẻ, chúc mừng nhân dịp đón năm mới.
"Ăn Tết ở VN có những cái vui, nhưng có những nỗi buồn cho người nước nước ngoài ở đây, vì chúng tôi cũng nhớ nhà, nhớ gia đình, họ hàng, người thân. Chúng tôi ở xa nên không thể cùng gia đình tổ chức các lễ hội, sự kiện nhân dịp đó. Nhưng những tình cảm của thầy giáo, bạn bè trong thời gian đó đã bù đắp phần nào cho chúng tôi" - Đại sứ Saadi Salama kể lại.
Trong nhà Đại sứ Palestine có bức thư pháp đề chữ Bình An. Ông rất tâm đắc với bức thư pháp này. |
Ông Saadi Salama chia sẻ: "Người Palestine cũng có câu: Đến đâu, ở trong xã hội nào thì cũng phải 'nhập gia tùy tục' thì mới có thể sống được, còn nếu không thì sẽ trở thành người xa lạ, cảm thấy khó hòa nhập/ hội nhập với xã hội đấy.
Nhưng giữa Palestine và Việt Nam có một nét tương đồng rất lớn về văn hóa, như là quan niệm về sinh con, xin cưới, thăm họ hàng, mừng tuổi cho trẻ con, mừng thọ cho người lớn, các bữa cơm thân mật với bạn bè".
Còn với riêng ông, là một người Palestine, ông cảm thấy rất dễ dàng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam.
Bức ảnh gia đình Đại sứ Saadi Salama |
Đại sứ chia sẻ thêm, ông biết ăn bánh chưng từ năm 1981, nhưng với mọi người nước ngoài thì hình như họ hợp khẩu vị với bánh chưng rán hơn là bánh chưng luộc. Đại sứ cho rằng bánh chưng là món ăn độc đáo và thể hiện rõ bản sắc của người Việt Nam.
Dưới cành đào to trong căn phòng khách nhà Đại sứ là một hộp mứt Tết truyền thống |
"Việt Nam cũng cần phải giữ gìn được những truyền thống gia đình để Việt Nam luôn có những đặc trưng riêng, nét riêng để người ta biết rằng "À, đây là dân tộc Việt Nam" chứ không phải là quốc gia khác" - Đại sứ Palestine nói.
Đại sứ nói thêm: Với người Việt Nam, năm con rồng là năm có ý nghĩa để họ thể hiện sức mạnh, nỗ lực của mình để đạt được mục tiêu nào đó. Người Việt cho rằng năm rồng là năm thi đua, lập thành tích, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của cá nhân, gia đình, cả xã hội.
Điều khác biệt trong các món đồ mứt Tết ở nhà Đại sứ là sự có mặt của món chà là Palestine |
Cũng trong dịp đầu xuân Nhâm Thìn, Đại sứ Saadi Salama có những tâm tình, gần như một lời chúc xuân với người dân Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng vào năm nay, các tầng lớp, nhân dân Việt Nam sẽ thể hiện vai trò của mình để cho dân tộc Việt Nam phát triển hơn, giải quyết các vấn đề lạm phát kinh tế. Những nội lực của Việt Nam có được trong năm rồng, họ sẽ vượt qua khó khăn và đưa kinh tế phát triển, có được điều kiện sinh sống khá hơn, giàu mạnh hơn, đất nước tiến lên thành một nước công nghiệp phát triển".
- Lê Thu (ghi)