Lời chúc mừng Tết cổ truyền bằng hàng chục thứ tiếng của những đồng nghiệp trong lực lượng "mũ nồi xanh" LHQ của đại úy Nguyễn Đức Thắng đến từ khắp mọi miền trên thế giới và vỡ oà niềm vui trong thời khắc giao thừa.

Sĩ quan 3 nước cùng ngồi gói nem

Đại úy Nguyễn Đức Thắng (SN 1982, thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng) làm sĩ quan liên lạc ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan từ tháng 7-2015 đến tháng 7-2016.

Trước cái Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Đại úy Thắng bồi hồi nhớ lại thời gian này cách đây 1 năm, anh đã ăn Tết tại đất nước ở Đông Phi xa xôi, nơi ngày ngày vẫn không yên tiếng súng bởi các cuộc xung đột giữa các phe phái, sắc tộc.

Nội chiến kéo dài giữa chính quyền và chính quyền ly khai (của Phó Tổng thống), xung đột sắc tộc giữa 2 dân tộc chủ yếu của Nam Sudan là Dinka và Nuer khiến người dân chìm trong tình trạng đói khát, cướp bóc, nghi kỵ lẫn nhau. Người dân phải chạy đi nơi khác lánh nạn, hoặc chạy vào các trại tị nạn của Phái bộ.

Cuộc sống của sĩ quan liên lạc tại Phái bộ đương nhiên không thể so sánh với ở Việt Nam vì cái gì cũng thiếu. Đầu tiên là nước sinh hoạt. Hàng ngày nhân viên Phái bộ phải đi lấy nước ở sông Nile Trắng về rồi lọc qua hệ thống lọc nước. Toàn bộ nhân viên LHQ phải dùng nước này, phải rất tiết kiệm, vì nếu hệ thống lọc nước của Phái bộ hỏng thì sẽ rất khó khăn về nước.

{keywords}

Đại úy Nguyễn Đức Thắng (đứng thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp và các em nhỏ người địa phương

Thời tiết khá khắc nghiệt. Mùa mưa thì dai dẳng, liên tục, mùa khô thì nắng, độ ẩm thấp nên rất khô. Nhiệt độ có thể trên 50 độ C. Do đó, nếu điều hoà trong container nhà ở hoặc ở văn phòng bị hỏng thì đó là một vấn đề khá khó khăn. Dịch bệnh, đặc biệt là sốt rét, cũng là một khó khăn. Ngay cạnh căn cứ địa bàn của Phái bộ là các trại tị nạn với những lều trại bằng nilon, gần đó là khu dân cư nên các nguy cơ bệnh dịch như tả, thương hàn,… khá cao.

Tết Bính Thân năm 2016 là một thời khắc không quên. Lúc này, Đại úy Thắng mới sang làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ vài tháng song anh đã có khá nhiều bạn bè thân thiết, nhiệt tình giúp đỡ trong công việc. Trong đơn vị anh vào thời điểm cao điểm có sĩ quan đến từ 22 quốc gia như Kenya, Ghana, Uganda, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Na Uy, Anh, Đức, Campuchia, Thái Lan…

Các anh thường nói vui một trong những nhiệm vụ tại đây là kết bạn và duy trì tình bạn, bởi quãng thời gian công tác tại Phái bộ không phải là dài, và mọi thứ có thể mất đi theo thời gian nhưng tình bạn sẽ vẫn tồn tại. Đại úy Thắng đã học được nhiều từ phong cách làm việc, tới tính chuyên nghiệp, chuyên môn, chỉ huy... của các đồng nghiệp, nhất là các bạn đến từ châu Âu, Úc. 

Đặc biệt, có một sĩ quan người Ghana là Appianing Boateng thường chỉ bảo tận tình, bảo vệ, giúp đỡ và chia sẻ những câu chuyện về gia đình với anh từ khi mới sang làm nhiệm vụ. Sĩ quan này trước đây khi mới đến Phái bộ của LHQ đã được người tiền nhiệm của Đại úy Thắng là Thượng tá Trần Nam Ngạn giúp đỡ nhiều.

Nam Sudan chênh Việt Nam 4 giờ đồng hồ. Do đó, thời điểm giao thừa ở Việt Nam là vào 8 giờ tối giờ Nam Sudan. Đại úy Thắng đã chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ và mời một số người bạn trong đơn vị đến dự.

Để giúp anh chuẩn bị tiệc giao thừa, đơn vị cảnh sát Campuchia làm nhiệm vụ bảo vệ tại Phái bộ đã tới hỗ trợ. Sĩ quan Appianing Boateng cùng một sĩ quan người Đức giúp anh nấu nướng những món ăn của Việt Nam phục vụ cho bữa tiệc. 3 sĩ quan đến từ 3 châu lục khác nhau: Á, Phi, Âu cùng nhau ngồi gói món nem truyền thống Việt Nam hẳn là một cảnh tượng hết sức thú vị.

Cuộc điện thoại bất ngờ lúc giao thừa

Bữa “cỗ Tết“ ở nơi đất khách quê người của Đại uý Thắng diễn ra rất vui vẻ. Dù ở xa nhà nhưng anh vẫn có bạn bè, đồng nghiệp xung quanh cùng chia sẻ. Có tới 50 khách từ các lực lượng khác trong Phái bộ tham dự bữa tiệc. Mọi người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người nói lời chúc mừng năm mới với anh bằng ngôn ngữ của nước mình.

{keywords}

Đại úy Nguyễn Đức Thắng (bìa phải) và các đồng nghiệp

Đại uý Thắng đã mượn được máy tính, máy chiếu từ văn phòng của Phái bộ để giới thiệu một cách sinh động về đất nước, con người, văn hoá truyền thống và ngày tết cổ truyền của Việt Nam. Những khách mời tỏ ra rất hào hứng, đặt nhiều câu hỏi về truyền thống, đạo hiếu, cách ăn uống của người Việt Nam, những món ăn truyền thống trong ngày Tết, về pháo, phong tục sum họp gia đình trong ngày tết, tôn trọng người già, đạo hiếu… Mọi người vừa ăn uống, vừa trò chuyện vui vẻ.

Một điều bất ngờ thú vị với cả Đại uý Thắng là do chiếc máy mượn được của Phái bộ có kết nối Internet đường truyền tốt nên vào thời khắc giao thừa, anh có thể gọi điện qua mạng để nói chuyện với gia đình, nhìn thấy những người thân trong gia đình đang sum họp bên nhau. Anh có thể hỏi thăm, chúc tết gia đình, nói chuyện với vợ, con, cha mẹ trong thời khắc thiêng liêng đó. Mọi người tại bữa tiệc bất ngờ khi nhìn thấy vợ con, người nhà anh bên mâm cỗ giao thừa, cùng chia sẻ niềm vui với anh và gửi lời chúc mừng năm mới tới những người thân của anh.

Đại uý Thắng chia sẻ điều này với anh như một giấc mơ vì bình thường, tuy anh vẫn có thể liên lạc với gia đình bằng 3G nhưng sóng ở đây rất yếu, lúc có lúc không, có lúc mất mạng 2 tuần. Đặc biệt, những lúc anh đi công tác địa bàn thì không thể liên lạc với gia đình, mà điều này thì diễn ra liên tục (đi tuần tra nắm tình hình, hộ tống đoàn của LHQ, hộ tống hàng cứu trợ…). Những chuyến đi này thường kéo dài từ vài ngày đến 1-2 tuần, trung bình mỗi tháng đi tuần tra dài ngày 2 lần, trong tình trạng có thể đối mặt với súng đạn, xung đột, bất ổn bất cứ lúc nào… Nói thế để thấy với anh, cuộc điện thoại lúc giao thừa đó quý giá đến như thế nào.

{keywords}

Sau đêm giao thừa đáng nhớ, đại úy Nguyễn Đức Thắng lại tiếp tục lên đường tuần tra

Với mỗi người bạn đến từ những quốc gia khác nhau, anh đã cũng với nhiều đồng nghiệp của mình ăn tết từ nhiều nền văn hóa thuộc châu Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc. 

Mỗi ngày tết đó là một dịp để mọi người cùng giao lưu, chia sẻ những câu chuyện thú vị về văn hóa, cuộc sống, con người đất nước mình, từ đó những người đồng nghiệp xích lại gần nhau hơn, hiểu hơn, thân thiết và giúp đỡ nhau nhiều hơn trong công việc hết sức khó khăn và nguy hiểm tại Phái bộ, hoàn thành nhiệm vụ là những sĩ quan gìn giữ hòa bình.

Theo Người lao động