Có rất nhiều điều để nói cùng con trong dịp Tết. Ví dụ, với chị Thu Trang (quận Gò Vấp, TP.HCM): “Tôi thường nói về tập tục đón Tết ở quê ngoại cho các con mình. Đó là vùng quê miền Tây. Tết nhà ai cũng có nồi thịt kho, mứt dừa và cây mai vàng trước ngõ”.

Kết nối tinh thần

Chị Trang cho biết, ký ức Tết tuổi thơ là ký ức đẹp nhất của chị. Nhờ trải qua những ngày Tết quê cùng ba mẹ mà chị có thêm tình yêu với Sóc Trăng, nơi ông bà tổ tiên nhiều đời của chị sinh sống, lập nghiệp.

{keywords}
Lì xì Tết là nét đẹp đầu năm, người lớn có thể nói cho con về chiếc bao đỏ mừng tuổi, là lời chúc tốt lành dành cho trẻ, không quan trọng số tiền lớn nhỏ bên trong.

“Tình yêu quê hương cần được vun bồi cho con nhỏ từ nét văn hóa Tết của dân tộc. Ai đó nói, khi chúng ta hiểu hết văn hóa dân tộc thì mình không mất gốc, tự dưng thấy yêu quê như máu thịt”, chị Trang bày tỏ.

Còn anh Quốc Tuấn (Quảng Nam) thì cho biết, mỗi dịp Tết đến Xuân về, hai vợ chồng anh xem đây là khoảng thời gian để con cái trải nghiệm những việc bếp núc, lau dọn nhà cửa. Những việc chân tay này, theo anh Tuấn, rất cần cho các con, để qua đó con hiểu hơn ẩm thực đặc biệt trong những ngày Tết.

“Vợ tôi dạy con làm nêm, thịt kho hột vịt, mứt dừa, mứt tắc… Các con của tôi rất thích thú khi cùng làm với ba mẹ. Qua đó, tôi trò chuyện về việc học, các mối quan hệ xung quanh của con cũng như nghe con chia sẻ nhiều điều mà bình thường các con không nói”, anh Quốc Tuấn kể. Do vậy, với anh, Tết, ngoài dịp để các con thêm yêu gian bếp của gia đình, học vài món mới, thì đây là lúc gắn kết cả nhà.

Anh kể, cậu con trai lớn vẫn thường theo anh lau dọn bàn thờ, bao sái nhà cửa, làm sạch từng góc bàn học hay phòng khách quen thuộc. Khi con lau tấm kính, anh dạy về cách giữ lòng mình trong sáng để nhìn mọi thứ tỏ hơn như cách lau kính thật sạch thì sẽ thấy rõ hàng cây ngoài cửa sổ. “Bài học về dọn dẹp ngăn nắp không gian sống tương ứng với dọn dẹp tâm mình bớt bề bộn cũng được tôi nhắc mình và các con. Vì thế, dọn dẹp dịp Tết cũng đâu khác chi giờ học về lối sống?”, anh Quốc Tuấn nói.

Còn theo chị Nguyễn Thị Kim Hoa (Đà Nẵng), nói với con về những giá trị truyền thống trong ngày Tết là rất cần thiết. Có nhiều người không còn giữ được truyền thống - mất gốc vì không được người lớn truyền dạy, chẳng hạn việc sắp xếp mâm ngũ quả hay bày biện mâm cúng tiễn ông Táo, cúng rước ông bà, ngũ quả bao gồm thứ gì và ý nghĩa ra sao… Nếu người lớn chỉ bày cho con những chuyện đó sẽ giúp trẻ tiếp thu và tiếp nối.

{keywords}
Nếu có nhiều tiền lì xì, có thể hướng con chia sẻ với các chương trình giúp bạn vượt khó gần gũi quanh mình.

Theo chị Hoa, “nghi lễ là một phần quan trọng giúp kết nối tâm linh, tinh thần giữa các thế hệ, giữa con cháu hiện tại với tiền nhân”. Nếu không có ông bà tổ tiên thì làm sao có mình. Vì thế, chị Hoa tâm nguyện rằng, nuôi dưỡng lòng tri ân, báo ân cho con cái qua các nghi lễ cúng kính ngày Tết là một trong những cách giúp con sống có trước có sau, có nghĩa có tình.

Để lì xì Tết giữ “gốc xưa”

Lì xì Tết là một điều trăn trở của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Anh Tuấn lo lắng rằng, những gia đình có nhiều mối quan hệ lớn thường xem Tết là “cơ hội” để trả ơn, để “biết điều” với sếp. Họ biến chiếc bao lì xì, mừng tuổi thành phương tiện… thăng tiến của người lớn. Từ đây, các bạn trẻ trong những gia đình ấy hình thành thói quen trọng vật chất thông qua các phong bao nhiều hoặc ít.

“Không hiếm trẻ con bây giờ nhận lì xì liền xé bao kiểm đếm và báo cáo cho ba mẹ, khiến người trao cảm thấy ngượng ngùng. Thế nhưng nhiều phụ huynh lại không nhắc nhở hoặc ngăn con làm điều đó, đây là điều đáng tiếc”, chị Kim Hoa nhận xét về thái độ của người lớn.

{keywords}
ThS Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng, điều quan trọng phụ huynh nên định hướng cho con về ý nghĩa của việc trao và nhận lì xì hay tiền mừng tuổi. Hãy nói cho con biết rằng “của cho không bằng cách cho” và mọi điều nhận được từ người khác dù lớn hay bé đều đáng trân quý.

“Với quan điểm dạy con thông qua các hoạt động tương tác, tôi cho rằng Tết là dịp để bố mẹ có thể dạy bảo con của mình rất nhiều điều hay. Ví dụ, nhân lúc dọn dẹp nhà cửa để đón Tết cùng nhau, con có thể học được tính gọn gàng, ngăn nắp. Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con tự viết câu chúc Tết ông bà, họ hàng và học cách trình bày các câu chúc thật ý nghĩa và chân thành nhất”.

Thạc sĩ Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM

Nguyên Minh

Người Việt ở châu Phi, Á, Âu đón Tết: Nâng niu lọ dưa hành, chiếc bánh tét

Người Việt ở châu Phi, Á, Âu đón Tết: Nâng niu lọ dưa hành, chiếc bánh tét

Dù đang sinh sống ở nơi đâu trên thế giới, người Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về Tết như một hương vị không thể thay thế.