Năm nay, một năm kinh tế buồn, lương giảm, thưởng không, lo tết cho mình còn khó, biết lấy gì mà Tết sếp đây là lời than vãn của hầu hết các nhân viên công sở.

Không... đi Tết không được

Đấy là câu khẳng định chắc nịch của chị Lan – nhân viên hành chính của một cơ quan lớn ở Hà Nội trong cuộc giao ban nước chè đầu tuần. Công ty của chị là có biệt danh vui là “nhà trẻ VIP”. Lý do là nhân viên ở đây toàn xuất phát ở những chỗ gửi gắm thân tình để học hỏi kinh nghiệm trong thời gian chờ đợi chỗ VIP hơn hoặc đi làm cho vui là chính. 

Điểm danh quanh phòng hành chính của chị Lan phần lớn là các cậu ấm cô chiêu. Bởi vậy dù đến Tết lương thưởng bao nhiêu không cần biết, các nhân viên vẫn nhiệt liệt ủng hộ phong trao săn quà “sang, độc, đẹp” để biếu các sếp lớn nhỏ. 

Từ hoa cảnh, cây cảnh đến các đặc sản vùng miền đều có cả. Thêm vào đó là những phong bao lì xì với độ dày bất chấp thời tiết đóng băng của nền kinh tế. “Mọi người đua thì mình cũng phải theo thôi” – đó chính là kinh nghiệm đầu tiên của tất cả các nhân viên mới vào công ty.

{keywords}
Dù lương bị nợ, thưởng bị cắt, nhiều người vẫn phải gánh thêm khoản tiền biếu sếp - (Ảnh minh họa)

Còn ở công ty của Ngân thì khác. Chỗ cô là đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại. Năm nay hàng tiêu thụ chậm, doanh thu kém, nhân viên thiếu việc làm. Giữa năm đã có một đợt cắt giảm nhân sự, Ngân may mắn không bị vào danh sách đen. Nhưng cuối năm nay theo luồng thông tin vỉa hè thì lại sắp có đợt tinh chế tiếp. Là nhân viên lâu năm có nhiều thành tích tốt, Ngân tuy vẫn tự tin nhưng cũng không khỏi lo lắng. 

Được biết mấy anh chị em trong phòng đã đánh lẻ đến nhà sếp để được sếp “nhớ mặt, đặt chỗ”, Ngân cũng gọi điện về cho bà ngoại trong miền Trung gửi ra thùng hải sản tươi sống ngon sạch làm quà biếu sếp bà ăn Tết vừa rẻ mà sếp cũng “khó quên”. Chưa biết ra Tết sẽ thế nào, nhưng nhìn vẻ mặt tươi rói của sếp bà khi nhận thùng hải sản sạch, Ngân cũng đôi phần yên tâm.

Quà biếu là chuyện nhỏ, tình cảm mới đáng nói

Đó chính là câu cửa miệng của mấy anh chị em trong văn phòng một công ty thiết kế kiến trúc tại Hà Nội. Năm nay kinh tế khó khăn, xây dựng càng khó, công ty ít việc, lương lại chậm nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng đến Tết có khoản thưởng nho nhỏ cho anh em gọi là chia sẻ khó khăn, không khí cuối năm tuy nhiều lo âu nhưng vẫn “vui như Tết”. Sếp có tình thì nhân viên cũng không phụ. 

Mấy chị em tranh thủ khoản nội trợ khéo tay biếu sếp mấy món “thực phẩm sạch tự làm” như mứt tết, giò xào. Còn mấy anh em góp chung mua cành đào rừng tặng sếp chơi tết, do đặt hàng quen từ trước khá lâu nên vừa rẻ vừa đẹp. Và năm nay cả văn phòng vẫn hẹn nhau tất cả cùng đến tất niên nhà sếp đợi sếp lì xì.

Nhưng lương thưởng không có thì lấy gì Tết sếp?

Thật ngạc nhiên nhưng đây lại là tâm lý chung của đại đa số nhân viên các công ty. Chị Huệ - nhân viên kinh doanh của một hãng thiết bị y tế ngao ngán thở dài : “Tình hình kinh tế như thế này, doanh thu lao dốc chóng mặt, sang năm sau đến sếp vẫn còn chưa biết sẽ ở đâu nữa là nhân viên chúng mình. Thôi bây giờ cứ được đồng nào giữ chặt đồng đấy. Mình biếu sếp một tí chẳng là gì so với sếp mà lại lẹm vào khoản tiền chi tiêu còm của cả gia đình!”.

{keywords}
Nhiều người kiên quyết lấy lời chúc làm quà biếu sếp - (Ảnh minh họa)

Một số đồng nghiệp đồng quan điểm với chị Huệ nên án binh bất động, xuân về Tết đến gặp sếp chỉ cười trừ, hỏi thăm suông. Vài đồng nghiệp lo xa khác vẫn nghiến răng xách túi lớn túi bé đến nhà sếp với tâm thế có quan tâm thì sẽ có ưu tiên.

Nghe các đồng nghiệp tron phòng xôn xao bàn tán “Năm nay Tết hay không Tết?” hay “Tết sếp thì mua món gì cho ngon, bổ, rẻ?”, Thu - cấp dưới "đặc biệt" của sếp khẽ mỉm cười, ngón tay vẫn lướt đều trên bàn phím điện thoại. Sếp đang nhắn tin hỏi cô “Tết năm nay em thích quà gì?” cô còn chưa nghĩ ra món gì cho xứng đáng. 

Ai mải lo biếu sếp thì mặc kệ, riêng cô đã mấy năm nay, cứ Tết đến xuân về sếp lại phải đau đầu để nghĩ ra mua món quà gì cho xứng đáng với "công việc" vất vả suốt năm của cô. Thế mới xứng là nhân viên gương mẫu!

(Theo Tri thức trẻ)