Đêm 30 bên lửa trại, kể chuyện xưa

Ngày cuối năm, ông Trần Kim Sơn (62 tuổi, TP.HCM) lặng lẽ chuẩn bị lều, lửa trại để đón Tết Nguyên đán 2022 giữa bồng bềnh mây phủ của núi rừng LangBiang, tỉnh Lâm Đồng.

Tự nhận mình là "dân du mục" chính hiệu, ông sống với những chuyến đi và đón Tết trên các hành trình của mình.

Năm nay, ông quyết định đón Tết trên đỉnh núi Langbiang sau khi đã dành 4 tháng “ẩn cư” tại nơi này. Từ thuở nhỏ, ông đã được dạy cách yêu và sống với thiên nhiên.

{keywords}
Năm nay, ông Sơn sẽ đón Tết Nguyên đán tại đỉnh Langbiang bồng bềnh mây phủ.

Lớn lên, ông chọn cách sống du mục để có thể rong ruổi với những chuyến đi đến miền đất lạ. Ông nói: “Tôi vẫn thường xuyên đi và đón Tết xa nhà. Với tôi, Tết ở phố thị đơn điệu và ngắn ngủi lắm”.

“Trong khi đó, ở những miền xa, đặc biệt là các vùng cao nguyên, Tết kéo dài cả tháng. Hơn thế, thiên nhiên đẹp nhất vào mùa Tết. Thế là tôi đi, trải nghiệm Tết giữa thiên nhiên, rừng núi”, ông nói thêm.

Những năm trước, ông Sơn đón Tết khắp nơi trên đất nước như: Sa Pa, Côn Đảo, đảo Nam Du, núi Bạch Mã... Năm nay, ông quyết định trải nghiệm đón Tết trên đỉnh Langbiang vì cho rằng “đêm 30 trên ngọn Langbiang là đêm tuyệt vời nhất trong năm”.

{keywords}
Ông đã sống ở núi này trong 4 tháng liền.

Đón Tết ở miền xa, hành trang của “kẻ du mục” chỉ là vài bộ quần áo, chút ít thực phẩm và đôi ba lon bia hoặc chai rượu vang. Năm nay, ngoài một tâm hồn lắng đọng, ông Sơn chuẩn bị cho mình một con gà thả vườn, ít sô cô la, cà phê, trà và mì gói.

Để chống lại cái lạnh giữa núi rừng Langbiang, ông gia cố lại căn lều cũ, tìm thêm ít củi khô làm lửa trại. Ông gọi hai thứ này là “linh hồn của những cuộc rong chơi” của mình.

Ông chia sẻ: “Đêm 30, tôi và những người chung sở thích sẽ ngồi bên lửa trại uống rượu ấm, kể chuyện xưa. Rồi tôi nướng gà vườn, nấu cháo, pha trà, cà phê. Ăn uống xong là đến giao thừa.

Chúng tôi đón nhận thời khắc giao thừa bằng cách kể cho nhau nghe những câu chuyện du hành độc đáo và đẹp nhất. Chúng tôi kể suốt đêm, cho đến khi đưa nhau vào những giấc mơ của năm mới”.

{keywords}
Lều và lửa trại được ông Sơn xem là linh hồn của những chuyến rong chơi của mình. 

Tận hưởng trọn vẹn cảnh đẹp tự nhiên

Mùng 1 Tết Nguyên đán sẽ là ngày ông tận hưởng vẻ đẹp “không tả nổi” của thiên nhiên hoang dã. Ông luôn khẳng định, không đâu đẹp bằng thiên nhiên hoang dã. Và khi vắng bóng người, trong sự tĩnh lặng, phong cảnh ấy lại càng tuyệt vời hơn.

Thế nên ông thức dậy thật sớm, bước ra khỏi lều khi cây cỏ vẫn đọng sương mai, núi non vẫn bồng bềnh trong sương sớm. Pha một tách trà, hướng về phía mặt trời, ông ngồi chiêm nghiệm cuộc đời, chờ những tia nắng xuân đầu tiên xuyên qua kẽ lá.

Sau khi tự nấu cho mình bữa ăn đúng chất dân du mục, ông gói gém hành lý rồi hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc tuyệt đẹp của đầu năm mới.

Những ngày này, cái lạnh của núi rừng Langbiang khiến ông nhớ đến lần du xuân tại Sa Pa (Lào Cai) cách đây mười mấy năm.

{keywords}
Trước đó, ông cũng thường xuyên đón Tết xa nhà.

Ông nói: “Đó là năm Sa Pa lạnh nhất sau mấy mươi năm ấm áp. Quanh thị trấn Sa Pa, vạn vật đều đóng băng. Nhưng đẹp nhất là cảnh vật trên đường lên ngọn Phan Xi Păng. Giữa lưng chừng trời, tôi phóng tầm mắt, ghi lại một màu trắng của băng giá”.

“Hôm ấy, mọi loài thực vật đều được bọc trong băng đá. Tôi ngất ngây cả ngày dài trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên. Năm đó, tôi không ở trọ trong nhà người dân địa phương mà di chuyển liên tục để tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên”, ông chia sẻ.

Một lần khác, ông chọn cách đón chào năm mới bằng việc đi một vòng quanh quần đảo Nam Du (Kiên Giang) xuyên đêm. Lần ấy, cuộc “rong chơi” của ông cũng bắt đầu từ chiều 30 Tết.

{keywords}
Vào những ngày Tết, nếu không ở trong lều, ông chọn cách ở trọ trong nhà của người dân bản địa.

Chiều cuối cùng của năm cũ, ông và những người đi cùng thả bộ đúng một vòng quanh đảo. Ông đi trên cung đường chính bọc quanh đảo dài khoảng 12km .

Vừa đi, ông vừa ngắm nhìn toàn cảnh đảo vừa cảm nhận từng thời khắc cuối cùng của năm cũ đang chầm chậm trôi qua. Khi về đến phòng, nhìn đồng hồ, ông phát hiện chỉ còn 5 phút nữa thôi là đến giao thừa.

Mọi người dừng cuộc trò chuyện, đợi đến thời thắc giao thừa để bật nắp chai rượu vang, rót đầy rồi nâng ly chúc mừng năm mới. Những lúc như thế, tâm hồn ông như lắng đọng giữa không gian tĩnh mịch của đêm.

{keywords}
Tuy vậy, ngay sau khi mặt trời mọc, ông thường chọn cách ra ngoài, hòa vào thiên nhiên để tận hưởng vẻ đẹp của núi rừng. 

Ông trải lòng với cảnh vật và thu hết vào tâm hồn mình những hương sắc của tự nhiên trong thời khắc giao mùa. Không gian ấy cũng mang lại cho ông phút giây hồi tưởng về quá khứ buồn vui, những chuyến đi với biết bao kỷ niệm.

“Du xuân theo cách này gợi nhắc trong tôi nhiều kỷ niệm. Đó là những chuyến đi, những bạn đường đã cùng tôi chia sẻ dặm trường bên kia biên giới. Những ngày này cũng giúp tôi thắp lên ước vọng thực hiện các chuyến đi ngày càng xa hơn, cao hơn tại Tây Tạng”, ông nói.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bài cúng mùng 1 Tết Nhâm Dần theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Bài cúng mùng 1 Tết Nhâm Dần theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Bài cúng mồng 1 Tết Nguyên đán - Văn khấn mồng 1 Tết được VietNamNet tổng hợp theo đúng văn khấn cổ truyền Việt Nam.

Tết này tôi không dám về quê

Tết này tôi không dám về quê

Tôi đã từng mường tượng ra một cái Tết sum vầy với bố mẹ nhưng tình hình thay đổi, cả nhà quyết định Tết này không về quê.