Đóng góp tích cực của người cao tuổi

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 405.000 người cao tuổi, chiếm 21,5% dân số. Người cao tuổi tại địa phương vẫn tích cực tham gia lao động, sản xuất, truyền dạy cho con cháu kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Nhiều tấm gương người cao tuổi đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, xây dựng làng quê được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. 

Bà Hoa nhấn mạnh người cao tuổi là cánh tay nối dài, mối liên hệ mật thiết của các cấp ủy, chính quyền với nhân dân. 

Trong tỉnh có hơn 31.000 người cao tuổi là đại biểu của Hội đồng nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc, ban chấp hành các đoàn thể, trưởng thôn, phó trưởng thôn, thành viên ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, tự quản…

Các cấp hội người cao tuổi luôn đoàn kết, thực hiện tốt các chương trình, công tác được giao, phát huy tinh thần tuổi cao gương sáng, trở thành tấm gương cho con cháu học tập, noi theo.

nguoi cao tuoi.png
Người cao tuổi tại Thái Bình ngày càng nâng cao sức khỏe, tuổi thọ.

Ưu tiên chất lượng sống

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách bảo trợ xã hội với người cao tuổi được thực hiện thường xuyên, đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Những năm qua, Hội Người cao tuổi tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình tổ chức các hoạt động hỗ trợ, quan tâm, bảo vệ và phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi trong các chương trình vận động toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi. 

Các cấp hội người cao tuổi trong địa phương tích cực tuyên truyền, trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe hội viên người cao tuổi, đặc biệt về các nhóm bệnh nguy hiểm hay gặp như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp. 

Các địa phương từ thôn, xã đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi như đi bộ, dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông, xe đạp, cờ tướng, yoga, dân vũ, sinh hoạt các câu lạc bộ thơ, văn nghệ, sinh vật cảnh. Tỉnh có 166 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 1.135 mô hình câu lạc bộ phụ nữ cao tuổi, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tổ phụ nữ cao tuổi.

Theo nghiên cứu năm 2022 của tác giả Ngô Văn Mạnh và cộng sự tại trường Đại Học Y Dược tỉnh Thái Bình về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trên địa bàn huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho thấy, người cao tuổi luôn là tấm gương đi đầu trong những phong trào ở địa phương đặc biệt trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe. 

Nghiên cứu này cũng cho thấy người cao tuổi là nam giới tại Thái Bình có 66,5% sức khỏe khá và 18% sức khỏe tốt. Nữ giới có tỷ lệ 65,2% sức khỏe khá và 9,05% sức khỏe tốt. Nam giới có điểm sức khỏe thể chất và tâm lý cao hơn so với người cao tuổi là nữ giới. 

Theo nhóm nghiên cứu, điều này là đặc trưng chung của người cao tuổi Việt Nam, do phụ nữ thường chịu nhiều áp lực về vật chất, tinh thần và cả sinh học so với nam giới khiến sức khỏe suy giảm nhanh hơn. 

Ở tuổi xế chiều, phụ nữ cao tuổi vẫn tất bật công việc gia đình, phụ giúp cháu con, trồng cấy ngoài đồng. Còn nam giới thường hướng tới nhóm bạn bè như hội người cao tuổi, hội cây cảnh, hội thơ... để vui hưởng tuổi già. 

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất toàn cầu, ước tính đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Tỷ lệ người cao tuổi tăng khiến nhu cầu về các dịch vụ xã hội của họ tăng theo, trong đó có các vấn đề về an sinh xã hội. Việc thành lập các câu lạc bộ góp phần giải quyết những thách thức về già hóa dân số giai đoạn hiện nay, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại cộng đồng.