Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên ước tính có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đưa huyện Đại Từ và huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã, đạt 93,65%; 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,67%.

Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng phát huy hiệu quả, bền vững, đi vào chiều sâu, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của chương trình; đảm bảo khách quan, trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan thẩm quyền xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn công tác kiểm tra, giám sát thông qua công tác kiểm tra giám sát.

03-29-9-2023-1.jpg
Đoàn kiểm tra tham quan một mô hình trồng hoa lan ở huyện Đại Từ. 

Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ tập trung vào việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý chỉ đạo, điều hành chương trình của cấp trên; ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện xây dựng tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình; công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình... Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc chương trình.

Tình hình thực hiện kế hoạch nguồn vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: Kết quả huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng xây dựng cơ bản...).

Năng lực tổ chức, việc chấp hành các quy định về quản lý chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có). Việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá chương trình của các nội dung thành phần, các chương trình chuyên đề.

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngày 26/9/2023, Đoàn thẩm tra nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên tiến hành thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện các điều kiện và tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới đối với huyện Đại Từ năm 2023. Đoàn cũng đã kiểm tra thực tế một số công trình kết cấu hạ tầng, mô hình phát triển kinh tế, môi trường, cảnh quan, không gian nổi bật của huyện Đại Từ.

Diện mạo nông thôn huyện Đại Từ có nhiều đổi thay vượt bậc, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức khá. Sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao. Các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa không ngừng được gìn giữ, phát huy và phát triển.

Chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện. An ninh trật tự được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của người được nâng cao. 100% đường huyện, đường trục xã liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 97,61km đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn.

100% các trường học đạt chuẩn quốc gia; 27/27 xã có nhà văn hoá, sân thể thao đạt chuẩn theo quy định; 398/398 xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá xóm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân...

Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu tăng bình quân 6%/năm, trong đó ngành nông, lâm, nghiệp thủy sản tăng 4%/năm. Diện tích, sản lượng các cây trồng chủ lực hàng năm của huyện, đều đạt và vượt so với kế hoạch. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 77.000 tấn, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 70.000 tấn, giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt đạt trên 132,8 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,71%, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,2 triệu đồng/người/năm.

Các thành viên Đoàn thẩm tra nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên đã góp ý kiến vào báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Từ để tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, tiêu chí và hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Các ý kiến đề nghị huyện Đại Từ cần tiếp tục hoàn thiện bổ sung, chỉnh sửa lại báo cáo, hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của huyện. Làm rõ, thống nhất số liệu, khắc phục hạn chế trong việc thực hiện các điều kiện, chỉ tiêu, tiêu chí, như tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ km đường huyện được trồng cây xanh; khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường... Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đáp ứng tiêu chí đô thị trong tương lai...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Nguyễn Đăng Minh đã tiếp thu ý kiến của Đoàn thẩm tra và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện khẩn trương, chủ động, phối hợp, xin ý kiến các sở, ngành để rà soát, cập nhật số liệu, hoàn thiện báo cáo của UBND huyện và báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh theo quy định.

Để huyện Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, UBND huyện Đại Từ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ cũng như nâng cao chất lượng kết quả thực hiện các điều, tiêu chí theo góp ý của các sở, ngành. 

Cùng với đó, huyện cần quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng, tạo nhiều khu vực không gian mẫu về cảnh quan môi trường tại các tuyến đường, nhà văn hóa xóm, trung tâm văn hóa xã, các trường học… trên địa bàn huyện tạo diện mạo vượt trội của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Đoàn thẩm tra của tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND huyện Đại Từ bám sát các quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện báo cáo và hồ sơ liên quan tham mưu báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên trình Trung ương xét, công nhận huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV