Ấn Độ đang lên những kế hoạch đầy tham vọng nhằm gia tăng đáng kể số lượng sinh viên theo học các trường đại học, với mục tiêu đạt đến quy mô và vị thế của một siêu cường về giáo dục.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình minh họa học sinh tiểu học tại Ấn Độ. Nguồn ảnh: internet
Những con số đề ra hết sức đáng chú ý. Chính phủ Ấn Độ muốn nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông học tiếp lên đại học từ mức 12% hiện nay lên 30% vào năm 2025 – ngang bằng với nhiều nước phương Tây.

Ấn Độ sẽ mở rộng hệ thống đại học để đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo, mở rộng diện tiếp cận, và trở thành một “cường quốc tri thức”.

Điều đó có nghĩa, số sinh viên của nước này sẽ tăng từ 12 triệu người lên trên 30 triệu người, đưa Ấn Độ trở thành một trong những hệ thống giáo dục lớn nhất thế giới.

Pawan Agarwal - cựu công chức nhà nước và tác giả cuốn "Giáo dục đại học Ấn Độ:: Hình dung tương lai"- nhẩm tính: “Xét về số lượng, chúng tôi rất có thể sẽ đứng hàng thứ hai, nếu không nói là thứ nhất”.

Với việc tỷ lệ sinh viên đại học tại Mỹ không tăng và Anh giảm chỉ tiêu đại học, “sinh viên Ấn Độ sẽ trở nên đáng chú ý hơn trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật” - ông Agarwal dự đoán.

“Đại nhảy vọt”


KN Panikkar - phó chủ tịch Ủy ban giáo dục đại học Kerala - miêu tả chi tiêu cho giáo dục đại học của Ấn Độ là một bước đại nhảy vọt.

Ngân sách trung ương đầu tư cho giáo dục trong kế hoạch 5 năm (2010-2015) lớn gấp 9 lần giai đoạn 5 năm trước đó.

Nhưng con đường phía trước vẫn khá chông gai. Ủy ban tri thức quốc gia Ấn Độ dự báo nước này sẽ phải cần đến 1.500 trường đại học so với khoảng 370 trường như hiện nay.

Hàng trăm trường mới sẽ được thành lập, bao gồm cả các trường đại học công lớn ở mỗi bang. Số học viện công nghệ uy tín (IIT) và Quản trị (IIM) của Ấn Độ sẽ mở rộng từ 7 lên 15 trường.

Khu vực đại học tư của Ấn Độ cũng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong việc đào tạo công nghệ thông tin, kỹ thuật, y học và quản trị khi nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày một lớn hơn.

Nhưng như thế là chưa đủ. Để thu hẹp khoảng cách, chính phủ năm ngoái đã trình dự luật để thu hút các trường đại học nước ngoài mở chi nhánh tại Ấn Độ. Đạo luật Foreign Providers Bill hiện đang được xem xét thông qua tại Quốc hội.

Sức hút lớn

Năm ngoái, theo một số báo cáo, có tới 50 đại học nước ngoài muốn được mở trường tại Ấn Độ. Tình hình càng nhộn nhịp hơn trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phái đoàn gồm hiệu trưởng các trường đại học Mỹ.

Bộ trưởng Giáo dục đại học Anh David Willetts và phái đoàn lớn nhất từ trước đến nay của Canada cũng có mặt tại nước này để bàn bạc về vấn đề mở quan hệ đối tác giữa các trường đại học.

Hiện tại, ở Ấn Độ cũng đã có một số trường đại học nước ngoài đang hoạt động. Đại học Leeds của Anh đào tạo quản trị với khu học xá rộng 36 acre tại Bhopal, miền trung Ấn Độ.

Đại học Lancaster đặt cơ sở tại Viện Thế giới Giáo dục Goenka rộng 69 acre gần Delhi. Cả hai trường đều mở cửa năm 2009 với hình thức liên kết với các đối tác phi chính phủ Ấn Độ theo luật hiện hành.

Một số trường cử cả giảng viên và đội ngũ phục vụ từ trong nước sang, nhưng ngay cả những trường công uy tín nhất, bao gồm các trường IT, đều đang rất khó khăn trong việc giữ chân các giảng viên tốt nhất và tỷ lệ giáo viên/học sinh đang xấu đi.

Việc các trường ngoại “hút” hết giáo viên bằng lương cao và chế độ tốt sẽ khiến cho tình hình càng thêm rắc rối.

Ông Panikkar nói: các trường ngoại và trường tư không phải là câu trả lời. Nếu chỉ 1% dân số đủ điều kiện tài chính cho vấn đề học phí thì vấn đề bình đẳng sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng”.

Cơ hội bình đẳng


Tiếp cận đại học là vấn đề quan trọng đối với chính phủ khi mà lợi ích tăng trưởng kinh tế nhanh của Ấn Độ có vẻ chưa được chia sẻ đồng đều cho người nghèo.

Theo Ngân hàng thế giới, dù hơn 95% trẻ em Ấn Độ được học tiểu học, thì lại chỉ có 40% học tiếp trung học. Chỉ riêng vấn đề này cũng sẽ hạn chế rất lớn tăng trưởng số lượng sinh viên theo học đại học.

Ngân hàng thế giới còn nhận xét, thành quả kinh tế Ấn Độ sẽ khó bền vững nếu không đầu tư vào giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, và chi tiêu công cho lĩnh vực này vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước như Trung Quốc hay Brazil.

Nhưng có vẻ Ấn Độ vẫn chưa thực sự khẩn trương. Dự luật Foreign Providers Bill đang gặp bế tắc tại Quốc hội, cơ quan gần như cứng đờ sau vụ bê bối tham nhũng viễn thông phát hiện năm ngoái.

Chính phủ Ấn Độ quy định các công ty hoạt động vì lợi nhuận sẽ không được phép lợi dụng nhu cầu cấp thiết về giáo dục đại học của Ấn Độ.

Không giống như Singapore và Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ không muốn ưu đãi các trường nước ngoài bằng cách cung cấp tiền công hay cấp những khu đất lớn.

Đại học Duke, trụ sở tại North Carolina, Mỹ, muốn mở cơ sở đào tạo tại Ấn Độ từ cách đây một thời gian.

Gregory Jones - phó chủ tịch và phó hiệu trưởng phụ trách chiến lược toàn cầu của ĐH Duke -bày tỏ: “Chúng tôi muốn phát triển Duke thành một trường có mạng lưới toàn cầu”.

Hướng về phía Đông

Nhưng cơ sở tại Thượng Hải của trường sẽ đi vào họa động trước. “Họ (Thượng Hải) sẵn sàng bỏ kinh phí tài trợ và xây dựng giai đoạn đầu nên đây là một đề nghị khả thi về mặt tài chính đối với chúng tôi”, ông Jones nói.

“Chưa rõ chúng tôi sẽ phát triển ra sao tại Ấn Độ. Đó là một đạo luật cải tổ phức tạp”.
 
Sự chuyển dịch sang phía đông về địa khoa học và công nghệ là điều đáng chú ý khi các công ty quốc tế thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Giáo sư Pradeep Khosla - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật thuộc Đại học Carnegie Mellon -khẳng định: “Chúng tôi sẽ khai thác tiềm năng nghiên cứu của các quốc gia châu Á này”.

Trường đại học uy tín này của Mỹ vừa cùng phối hợp với Quỹ Shiv Nadar mở trường cao đẳng kỹ thuật tại bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ.

Nhưng theo ông Agarwal, các trường ngoại sẽ chỉ có thể phục vụ con số hàng trăm sinh viên chứ không thể đến hàng triệu.

Ông Panikkar -chuyên gia về vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục đại học, nói: Điều đó có nghĩa sẽ cần khoản ngân sách khổng lồ đổ vào những trường bên ngoài các thành phố. Theo ông, mục tiêu tuyển sinh có lẽ quá tham vọng khi mà tài nguyên công còn hạn chế trong khi tồn tại nhiều "nút thắt cổ chai" về vấn đề đội ngũ giảng dạy cũng như cơ sở hạ tầng.

  • Đình Ngân (Theo BBC)