Ăn thịt lợn và các nội tạng lợn (nơi tích lũy rất nhiều) có dư lượng Clenbuterol, người sử dụng có thể ngộ độc cấp với triệu chứng sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy... tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và có thể tử vong. Tích lũy lâu dài dẫn đến ung thư.

>>Thần dược "thổi" lợn nạc: Nấu chín vẫn tồn dư
Sử dụng lợn siêu nạc có thể dẫn tới ngộ độc và thậm chí tử vong. Ảnh minh họa.
1. Tạo ra thịt siêu nạc xưa nay là khuynh hướng phát triển của ngành công nghiệp chăn nuôi. Ngày bao cấp, khi đi mua thịt người ta thường ưu tiên chọn mỡ vì tem phiếu có hạn, ai cũng muốn có lọ mỡ trong nhà để ăn dần, nhưng ngày nay chẳng ai còn thích mỡ nữa. Người ta sợ béo - căn bệnh vốn là “kẻ thù” của phái đẹp - vì nó kéo theo biết bao nhiêu bệnh tật khác. Người ta lo “mỡ máu” nguyên nhân của các bệnh tim mạch, nhổi máu cơ tim, huyết áp cao và đột quỵ.

Không những thế giới mà cả ở nước ta cũng hướng ngành chăn nuôi vào các gia súc gia cầm nhiều thịt nạc, siêu nạc càng tốt. Đi khắp đất nước ta thường thấy nhưng cửa hàng, đánh vào thị hiếu người tiêu dùng, trưng biển lợn mường, lợn mán, gà đồi…  Chẳng qua đó là những con vật cho thịt siêu nạc, do chăn thả tự do, phải đi lại nhiều, tự kiếm sống, nên chúng không được “ăn no ngủ kỹ” để tích lũy mỡ trong thịt.

Trong thực tế ngành chăn nuôi nước ta với kinh nghiệm chọn giống, phát huy ưu thế di truyền của một số lợn nhập (ví dụ lợn Landrace của Anh, lợn  Duroc của Mỹ, của Pidu Thái...) cho lai với nội địa (qua hệ thống cung cấp tinh đông lạnh) nên đã tạo ra được “đàn lợn siêu nạc Việt Nam” chất lượng tốt, với lượng nạc lên tới 60% (thay vì 40% như trước), lớp mỡ chỉ dày 1cm (thay vì 5 cm như trước). Thịt lợn siêu nạc từ lợn giống siêu nạc rất được ưa chuộng.

2. Hiểu được cơ chế của những quá trình sinh lý gia súc gia cầm, ngành hóa học tổng hợp được nhiều hóa chất hoạt động sinh học can thiệp vào nông nghiệp trong đó có ngành chăn nuôi. Cùng với thức ăn gia súc, các nhà hóa học còn sản xuất ra các thuốc thú y, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc kích thích sinh sản (làm gia súc, cá, gia cầm mắn đẻ hơn) và thuốc làm tăng tỷ lệ thịt nạc. Khi tìm ra những chất có tác dụng, người ta phải thử độc tính trên con vật qua nhiều thế hệ và kiểm tra dư lượng còn lại trong sản phẩm. Những gì có hại đối với con người lập tức bị cấm sử dụng.

Cũng cần phải nói rằng đã là hóa chất dù ít hay nhiều, việc sử dụng cũng là bất đắc dĩ và chắc chẳng có gì an toàn hơn những chất mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.

3. Tuy nhiên, nhiều khi trong quá trình thử nghiệm các loại hóa chất phục vụ trồng trọt và chăn nuôi đó lọt những thông tin ra ngoài, hoặc vô tình phát hiện ra một tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó có lợi cho mục đích sử dụng của mình, những người vô lương tâm đã sử dụng bừa bãi, vì lợi nhuận, bất chấp hậu quả rất có hại đối với người tiêu dùng.

Đó là trường hợp các chất tăng tỷ lệ thịt nạc trong chăn nuôi lợn, loại thịt quen thuộc và gần như không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Phổ biến và dễ kiếm nhất cũng như “đạt hiệu quả mong muốn” nhất trong các chất này là clenbuterol, ractopamin và sanbutamol.

4. Clenbuterol, ractopamin và sanbutamol là ba thành viên trong nhóm các hóa chất sinh học gọi chung là “β -agonist”. Đó là nhóm các hoócmôn tự nhiên, có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của chúng là kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Do vậy các vận động viên môn thể hình thiếu trung thực dùng chúng để tăng cơ bắp, các chỉ số cơ thể trong thi đấu, và các Liên đoàn thể dục thể thao trên thế giới đều trừng phạt rất nặng nếu phát hiện có sử dụng chất này.

Trong chăn nuôi, nếu pha trộn chúng vào thức ăn cho lợn chẳng hạn thì lợn sẽ tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc và biến thành thịt siêu nạc, có hình thức bắt mắt, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.

5. Đây là điều thiếu trung thực trong sản xuất kinh doanh, lừa dối người tiêu dùng rất đáng bị lên án. Song điều nghiêm trọng hơn nữa, đáng lên án hơn nữa, đúng ra tội phạm hình sự là ở chỗ: các chất β –agonist đã được sử dụng với liều lượng cao hơn rất nhiều so với liều lượng cho phép (những người sử dụng trái phép cho biết họ thường dùng với hàm lượng lên tới 1%) nên chúng đã trở thành một chất rất độc hại đối với người tiêu dùng. Họ đã vi phạm Luật an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho toàn xã hội.

Bản thân những con lợn, sau khi nở mông, vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc, đã trở nên không di chuyển được, dễ bị gãy chân, chỉ nằm một chỗ. Nhiều con bị lở loét toàn thân, cứ sụm xuồng dần, nếu không bán nhanh  trong vòng 10-15 ngày thì sẽ bị chết. Khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đến tay người tiêu dùng dư lượng “chất tăng nạc” trong thịt còn rất cao và khó phát hiện nên gây hại rất lớn.

Ăn thịt lợn và các nội tạng lợn (nơi tích lũy rất nhiều) có dư lượng Clenbuterol, người sử dụng có thể ngộ độc cấp với triệu chứng sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, tiêu chảy... tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và có thể tử vong. Tích lũy lâu dài dẫn đến ung thư

Salbutamol nguy hại không kém, có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng giống như uống thuốc này, lượng Salbutamol tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.

Chính vì lý do trên, các chất β –agonist bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở bất cứ nước nào trên thế giới (ở Việt Nam cũng bị cấm từ lâu). Việc vi phạm bị xử lý nghiêm khắc, có thể ở mức cao nhất là tử hình. Chẳng hạn, cách đây hơn nửa năm, ngày 25/7/2011, Trung Quốc xét xử những người sản xuất Clenbuterol làm thực phẩm chăn nuôi lợn siêu nạc. Kẻ chủ mưu bị kết án tử hình, đồng phạm lĩnh án chung thân, các bị cáo còn lại nhận mức án từ 9 đến 15 năm tù giam.

7. Điều đáng ngại là cách đây không lâu (tức trước khi vụ thịt siêu nạc bị phát hiện), “thuốc tạo nạc” được bán khá tự do tại nhiều của hàng bán thuốc thú y. Đa số không rõ nguồn gốc, không bao bì. Tuy nhiên, nhiều nơi “chất tạo nạc” còn công khai ghi nhãn như HT02, HT04 hoặc T01, Sumo, Pig-Moke với chú thích “tác dụng tạo nạc cho heo, giúp thịt có nạc đỏ, tăng tiết hormone tăng trưởng, cải thiện tăng trọng, giảm tiêu tốn thức ăn cho heo”.. Trên các bao bì còn có hướng dẫn tỉ lệ pha trộn làm thức ăn cho lợn.

Trên báo Thanh Niên (số73 5925), ngày 13/3/2012) đưa tin vừa “Phát hiện một lượng “khủng” chất tạo nạc tại Đồng Nai”. Đó là những “sơ xuất” không thể chấp nhận được của ngành quản lý an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra thịt lợn bán trên thị trường, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện số thịt có chứa “chất tạo nạc” tại các chợ là khá phổ biến.

Mặt khác, việc tuyên truyền , phổ biến những kiến thức trong quần chúng chưa đầy đủ. Người buôn bán thịt cũng như người tiêu dùng đa số còn chưa hiểu biết tảng thịt lợn rất “đẹp” mình đang kinh doanh, hoặc miếng thịt trông rất “ngon” mình mua về gia đình có chứa chất độc hại không, sự độc hại ra sao. Thậm chí, người chăn nuôi chỉ “rỉ tai” nhau sử dụng mà không biết việc làm của mình là phạm pháp.

Tuy chưa phát hiện hậu quả gì nghiêm trọng song các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao để ngăn chặn kịp thời. Thật đáng kinh ngạc là ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi khi trả lời báo chí cho biết: Cục chỉ có 5 người làm việc này (tức kiểm tra xem có những chất β –agonist và các chất “lạ” khác trong thịt lợn hay không) trên tòan quốc, một địa bàn rộng lớn như vậy với hàng chục nghìn con lợn giết mổ mỗi ngày.

Phải chăng chỉ riêng một chi tiết đó cũng đủ thấy là tình hình sẽ nghiêm trọng đến thế nào nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Tuấn Hà