Con đường nâng hạng
Việt Nam đã được nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB bởi S&P vào tháng 4 năm 2019. Đó là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Vào tháng 4 năm 2020, Fitch Ratings cũng quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, và điều chỉnh triển vọng từ “Tích cực” sang “Ổn định”. Sau đó, vào tháng 5/2020, S&P Global Ratings (“S&P”) cũng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức BB, triển vọng Ổn định.
Nhưng thứ hạng này vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực như Singapore (AAA), Malaysia (A-), Thái Lan và Philipines (BBB+) và thứ hạng BB này vẫn mang tính chất ‘đầu cơ’ thay vì ‘khuyến khích đầu tư’.
Việc cải thiện thứ hạng này sẽ mở ra nhiều con đường phát triển mới, cho Việt Nam cũng như khu vực doanh nghiệp trong nước. Dù không thể có bước ‘đại nhảy vọt’ lên hạng A trong một sớm một chiều, nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam có thể làm tốt hơn để tiệm cận bằng với mức xếp hạng của Thái Lan và Philippines (BBB+).
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Minh Tú - Giám đốc Khối dịch vụ Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings - cho rằng: Để tìm giải pháp cải thiện thứ hạng của Việt Nam thì điểm đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu xem các tổ chức xếp hạng quốc tế họ dùng các tiêu chí nào để đánh giá và xếp hạng mức độ tín nhiệm quốc gia như Việt Nam.
Hiện các yếu tố chính mà các tổ chức xếp hạng quốc tế sử dụng chính là: yếu tố kinh tế vĩ mô; cải thiện về thể chế và chính sách; sức mạnh về tài khóa bao gồm nguồn thu và chi tiêu của Chính phủ; sự ổn định của thị trường tài chính - tiền tệ; sức mạnh và hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp; và sức mạnh về cán cân thanh toán trong đó đặc biệt là dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Chuyên gia của FiinRatings nhận xét: "Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã cải thiện khá tốt về các chỉ số trên và chúng tôi tin rằng tốc độ cải thiện sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, kết quả nâng hạng tiếp ra sao sẽ phụ thuộc lớn vào việc so sánh trong mối tương quan với các quốc gia có mức độ phát triển tương đồng và đó là điều mà chúng ta cần đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn. Khi đó, mới đưa ra được những giải pháp cụ thể để có thể nâng hạng quốc gia. Qua đó góp phần vào việc giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường nợ quốc tế.
Thực tế, Việt Nam đã được nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB bởi S&P vào tháng 4 năm 2019 sau một thời gian dài theo dõi và chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam, nhất là các chỉ số về đánh giá năng lực trả nợ quốc tế như mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức 107 tỷ USD, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước. Đây là mức cao kỷ lục. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một quốc gia được xem là đủ dự trữ ngoại hối nếu quy mô dự trữ ngoại hối tương đương 12-14 tuần nhập khẩu. Ví dụ cả năm 2021, tổng giá trị nhập của Việt Nam là 332 tỷ USD, mỗi tuần sẽ là 6,4 tỷ USD.
“Như vậy, số dư dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay ở mức lên tới khoảng 16 tuần nhập khẩu. Đây là mức cao so với các nước khu vực ASEAN”, ông Nguyễn Minh Tú phân tích.
“Tuy nhiên, phải thành thực là cơ hội để nâng hạng của Việt Nam lên mức cao hơn là một quá trình dài nhiều năm và sẽ gần như không thể để chứng kiến một ngày nào đó, mức xếp hạng của Việt Nam sẽ tiệm cận mức AAA của Mỹ hoặc Nhật. Bởi đó là việc so sánh tương quan chứ không mang tính tuyệt đối. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì Việt Nam có thể làm tốt hơn để tiệm cận bằng với mức xếp hạng của Thái Lan và Philippines (BBB+)”, chuyên gia FiinRatings chia sẻ.
Điều này sẽ rất có lợi cho việc tiếp tục giảm chi phí huy động vốn quốc tế của các DN Việt Nam.
Thứ hạng càng cao, lãi suất vay càng rẻ
Dù ở thứ hạng BB, nhưng các chuyên gia cho rằng, điểm xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức trên vẫn là một trong những yếu tố cản trở cho việc các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn quốc tế. Điều này làm cho chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn một cách tương đối so với DN của các nước có mức xếp hạng quốc gia tốt hơn Việt Nam, như Singapore (AAA), Malaysia (A-), Thái Lan và Philipines (BBB+).
Việc tham gia thị trường vốn quốc tế đại trà và nhanh chóng chỉ có thể thực hiện khi rating quốc gia của Việt Nam vượt qua hạng B.
Ông Hoàng Phương, chuyên gia thu xếp vốn quốc tế chia sẻ: Rating là câu chuyện liên quan chặt chẽ đến thị trường vốn quốc tế. Trên thế giới, họ sử dụng công cụ đánh giá tín nhiệm để xem xét việc cấp vốn. Phổ biến trên thị trường có 3 tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cũng như quốc gia là S&P, Moody, Fitch.
Trong hệ thống rating đó sẽ chia thành hạng A - Investment grade (an toàn để đầu tư), và các hạng dưới chuẩn đầu tư từ hạng B, hạng C, hạng D (càng xuống thấp thì càng rủi ro). Khi nhìn các thứ hạng rating đó, người ta sẽ biết nên đầu tư vào cái gì và mức độ rủi ro của một tổ chức, quốc gia ra sao.
Nếu muốn an toàn thì đầu tư/cho vay các doanh nghiệp/quốc gia có rating hạng A, còn nếu muốn đầu tư kinh doanh rủi ro thì sẽ xuống các hạng thấp hơn. Khi rủi ro tăng lên, lãi suất cho vay cũng phải tăng để bù đắp những nguy cơ mất vốn có thể xảy ra ở các doanh nghiệp/quốc gia có rating dưới chuẩn đầu tư.
“Với cách đánh giá như vậy, các doanh nghiệp, quốc gia muốn vốn rẻ thì phải có rating ở hạng A. Tất nhiên, với rating thấp hơn A vẫn có thể vay được, tuy nhiên chi phí lãi suất cao hơn. Ngoài ra, quá trình thẩm định trước khi cho vay của các tổ chức quốc tế cũng ngặt nghèo hơn, làm chậm quá trình tiếp cận vốn vay”, ông Hoàng Phương chia sẻ.
Về dài hạn, chuyên gia này cho rằng việc tham gia vào thị trường vốn quốc tế sẽ cần rất nhiều cải cách quan trọng của Chính phủ, từ đó nâng hạng rating của quốc gia. “Cá nhân tôi khi nhìn nhận những việc Chính phủ đang thực hiện, tôi tin rằng rating của Việt Nam sẽ sớm nâng hạng và mở cơ hội cho các doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp Nhà nước mà cả các doanh nghiệp tư nhân, được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ nước ngoài”, ông Phương kỳ vọng.
Lương Bằng
Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao từ 2023
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ khởi sắc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP ở mức 5,5% nhờ chính sách tài khóa được nới lỏng hơn.