An Giang có 29 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc đông dân số, gồm: Kinh, Khmer, Hoa và Chăm. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, còn 28 dân tộc, với hơn 119.219 người. Đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp an sinh xã hội, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Tỉnh An Giang có 8 xóm Chăm, với tổng số 17.571 người. Đồng bào DTTS Chăm An Giang chủ yếu theo đạo Hồi giáo Islam, có nguồn gốc từ Saudi Arabia, sinh hoạt tôn giáo ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường.

Đời sống văn hóa DTTS Chăm mang đặc điểm tôn giáo thông qua các lễ hội truyền thống, như: Tết Haji, lễ Asura, lễ Tahplah, lễ Moulod... và đặc biệt Tháng Ramadal (tháng nhịn ăn).

Đối với đồng bào Chăm, Ramadan là nghi lễ linh thiêng, là sự kiện quan trọng, nên dù làm ăn buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình. Trước lễ, họ đến các nghĩa trang (bên cạnh các thánh đường) để tảo mộ người thân. Trong suốt tháng Ramadan, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, các tín đồ từ 15 tuổi trở lên phải nhịn ăn uống, hút thuốc… nhằm thể hiện ý nghĩa chia sẻ cùng những người nghèo và rèn luyện khả năng tiết chế những cám dỗ vật chất.

Thành phần được miễn nhịn ăn uống là những người già yếu, bệnh tật, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú...

Năm nay, tháng nhịn ăn Ramadan (tức 1444 Hồi lịch) từ ngày 23/3 đến 22/4/2023.

Đồng bào Chăm xã Châu Phong thực hiện nghi thức đón lễ Ramadan

Tại tỉnh An Giang, cộng đồng người Chăm theo tôn giáo Islam hằng năm long trọng đón mừng tháng thánh lễ này, góp phần tạo nên sự phong phú cho diện mạo văn hóa địa phương.

Chiều 18/3, tại Tiểu Thánh đường Jamadul Islam, xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tổ chức Lễ đón mừng Tháng Ramadan 2023 của đồng bào Chăm.

Phát biểu tại buổi lễ ông Haji Jacky, Trưởng Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết, Tháng Ramadan là tháng yêu thương, tháng mà các tín đồ Hồi giáo Islam đến tuổi trưởng thành đều phải nhịn ăn, nhịn uống ban ngày để tu tâm, dưỡng tánh, để đo lường, thẩm định sự đói khát của mình, mà biết yêu thương hơn, giúp đỡ hơn nữa đối với người nghèo khổ. Đây cũng là tháng mà các tín đồ Hồi giáo (Islam) tự rèn luyện bản thân một cách thiết thực hơn nữa, để trở thành một tín đồ tốt, một công dân tốt của dân tộc Việt Nam.

Trong năm 2022, các ban quản trị Thánh đường, tiểu Thánh đường vẫn đang tiếp tục xây mới hoặc mở rộng. Tất cả công trình trên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Bằng nhiều cách làm khác nhau, Ban đại diện An Giang luôn cố gắng hỗ trợ cho cộng đồng người Chăm trong tỉnh sửa chữa, cất nhà Đại Đoàn Kết, Nhà Tình Thương, hỗ trợ học bổng cho các em sinh viên Đại Học, Hỗ trợ dụng cụ học tập như sách vở, cặp, cho các trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo, mua bảo hiểm y tế cho cụ già neo đơn...Đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023 đã vận động được gần 6 tỷ đồng để tặng quà và trợ xây dựng Thánh đường Tỉnh Tây Ninh... 

“Được sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp chính quyền. Hôm nay Ban Đại diện chúng tôi tổ chức lễ đón mừng Tháng Ramadan trong cộng đồng dân tộc Chăm của tỉnh An Giang, với mục đích tạo không khí vui tươi lành mạnh nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Bà con người Chăm sống hòa đồng, đoàn kết với các dân tộc khác trong tỉnh An Giang, cùng chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp”. - ông Haji Jacky chia sẻ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Men Pho Ly - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang đã chúc mừng đến các vị giáo cả, cùng toàn thể đồng bào tín đồ cộng đồng Chăm trên địa bàn nhân Tháng Ramadan 2023. Đồng thời, ông Men Pho Ly mong muốn, trong thời gian tới các vị giáo cả, các vị trong Ban Quản trị các Thánh đường, Tiểu Thánh đường và đồng bào Chăm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục cùng với chính quyền địa phương giữ vững an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội để chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thu Huyền và nhóm PV, BTV