Mời quý độc giả theo dõi video:
Thanh Ba là huyện trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhờ những cách làm mang tính sáng tạo, đột phá.
Hiện 18/18 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã Thanh Hà và Đồng Xuân được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận xã nông thôn mới nâng cao từ năm 2022.
Tại các vùng nông thôn Thanh Ba, giờ đây, các tuyến đường đều đáp ứng tiêu chí: sáng - xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa, sạch sẽ tinh tươm, không ứ đọng rác thải nhờ thường xuyên được chính quyền và nhân dân chung tay cùng làm. Sự đồng thuận, đồng lòng đã góp phần đưa vùng quê Thanh Ba ngày càng đổi mới, trù phú, văn minh.
Thấu hiểu đúc kết “lộ thông, tài thông”, trong hành trình xây dựng nông thôn mới, huyện tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn để tạo ra sức bật thông thương, thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng…
Trên tinh thần đó, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp tích cực, ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ. Trong năm 2022, các xã đã tiếp nhận 3.145 tấn xi măng làm đường giao thông, đưa tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%.
Bên cạnh đó, huyện xác định trọng tâm của hành trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao mức sống, chất lượng cho người dân, cả vật chất và tinh thần. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, huyện đã có các mô hình tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp: Hệ thống trồng cây trong nhà màng, sử dụng công nghệ tưới thông minh ở mô hình trồng bưởi tại xã Đông Thành.
Các sản phẩm nông nghiệp của Thanh Ba cũng được chú trọng tiêu chí OCOP. Tới nay, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao đang trình Trung ương chấm hạng 5 sao là chè búp tím - sản phẩm đặc trưng, độc đáo và quý hiếm.
Chất lượng nguồn nhân lực và công tác đảm bảo an sinh xã hội cũng được huyện Thanh Ba quan tâm khi xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu mới nhất, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 45,5 triệu đồng/người, giá trị sản phẩm bình quân/1 ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 110 triệu đồng. Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao trên địa bàn tỉnh, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 5%.
Vừa qua, công tác chuyển đổi số, hướng đến tiêu chí xây dựng mỗi xã có một thôn nông thôn mới thông minh được đẩy mạnh nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là chuyển đổi số gắn với Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính với bước đầu triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.
Trong tương lai, huyện Thanh Ba hướng tới xây dựng một trung tâm dịch vụ hành chính công hiện đại, thông minh, qua đó sẽ chia sẻ các dữ liệu về dân cư, camera an ninh, thủ tục hành chính liên thông, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính toàn trình.
Thanh Ba cũng quan tâm đầu tư hệ thống đài truyền thanh thông minh, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện.
Năm nay, huyện Thanh Ba sẽ có thêm hai xã (Đông Thành, Chí Tiên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Những chuyển biến tích cực ở huyện trung du Thanh Ba trong thời gian qua là động lực để huyện quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới bền vững trong một ngày gần đây.