- Giọng hát nữ diva sâu u hoài mà thênh thênh như không vướng bận bụi trần gian khiến nhạc Trịnh trở nên ấn tượng hơn trong đêm nhạc tưởng nhớ 14 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tối 30/5.

Hà Nội mấy ngày qua nắng nóng khủng khiếp nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 42 độ C. Dù vậy hàng ngàn khán giả vẫn có mặt tại không gian thanh bình và lãng mạn của khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội tối 30/5 để được lắng nghe những tình bất hủ nhạc Trịnh.

Đã từng có ý kiến không hài lòng khi cho rằng Thanh Lam "phá nhạc Trịnh" nhưng ở đêm nhạc "Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn'' nữ diva đã tiết chế giọng hát để màn thể hiện Hạ trắng, Diễm xưa... trở nên ấn tượng. Giọng hát nữ diva sâu u hoài mà thênh thênh như không vướng bận bụi trần gian.

{keywords}
Diva Thanh Lam với Diễm xưa.

Có người từng cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn. Ca từ trong các ca khúc của ông là những lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Để hát hay nhạc Trịnh, người ca sĩ còn cần phải có một vốn sống, vốn trải nghiệm sâu sắc. 30 tuổi, Tùng Dương dường như có đủ những yếu tố này.

Nghe Tùng Dương hát Hành hương trên đồi cao, Xin mặt trời ngủ yên, Ru đời đi nhé người nghe cảm thấy như anh đã sống nhiều hơn tuổi trẻ của mình. Tài sản quý ấy Tùng Dương có được vì anh là người chịu đọc, chịu suy ngẫm, lại được học hành bài bản.

{keywords}
{keywords}
Tùng Dương và Thanh Lam trên sân khấu "Trịnh Công Sơn - Nối vòng tay lớn".

Những bài hát của Trịnh từ nhiều năm nay không phải chỉ để trình diễn với công chúng mà đó là những lời của trái tim, của tình cảm, xoa dịu và an ủi, dẫn dắt người nghệ sĩ vượt qua những thăng trầm của cuộc đời để an lòng trong nghệ thuật mà yêu thương cống hiến.

Cẩm Vân là nữ ca sĩ đã quá quen thuộc với khán giả qua nhiều ca khúc nhạc Trịnh. Với chất giọng trữ tình, giàu tự sự, Cẩm Vân hát Ru ta ngậm ngùi, Sóng về đâu bằng cả nỗi lòng của một người đã trải nghiệm cuộc đời sâu sắc.

{keywords}
Ca sĩ Cẩm Vân với "Sóng về đâu".


Sự xuất hiện của NSƯT Việt Hoàn và NSƯT Quang Lý là nét mới trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Không rườm rà, thậm chí là tiết chế, giản dị, hát như kể chuyện là cách Việt Hoàn và Quang Lý thể hiện trong hai ca khúc Tình yêu tìm thấy và Em đi bỏ lại con đường.

Với tuổi trẻ của mình, Hoàng Quyên thổi vào ca khúc Đêm thấy ta là thác đổ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một tinh thần mới. Nhẹ hơn, an nhiên hơn, bình thản hơn, không làm người nghe nặng nề hay mệt mỏi. Một sự vỗ về an ủi đủ làm người nghe thấy yêu thêm cuộc đời này.

{keywords}
Ca sĩ Hoàng Quyên với "Đêm thấy ta là thác đổ".

Nét nổi bật nhất trong đêm nhạc là lần đầu tiên khán giả Hà Nội được thưởng thức những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải bằng ca từ mà bằng âm thanh của saxophone đầy ngẫu hứng, cuốn hút của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái Anh Trần (mới 11 tuổi).

{keywords}
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và con gái.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã về với cát bụi, hình hài của ông đã lẫn vào cây cỏ. Nhưng âm nhạc của ông, trải qua thời gian, chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc đời, trong lòng người. Những ca khúc như vỗ về an ủi con người để vượt qua những gian nan, thương khó vẫn luôn được cất lên âm thầm, như mạch nguồn trong trẻo.

Một số hình ảnh trong đêm nhạc:

{keywords}
Ca sĩ Mỹ Linh với "Huyền thoại mẹ".

{keywords}
NSƯT Việt Hoàn và Đức Tuấn trong liên khúc nhạc Trịnh.

{keywords}
Đức Tuấn với "Ra đồng giữa ngọ".

{keywords}
Nghệ sĩ Quang Lý với "Em đi bỏ lại con đường".

Sơn Hà
Ảnh: Tuấn Đào