Hình ảnh nam thanh nữ tú về quê ăn Tết, lột bỏ những bộ đồ bóng bẩy, diện quần áo chân phương đã lan nhanh truyền chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc.

CNN kể về trường hợp Stone Liu, 25 tuổi, mặc bộ đồ tây sành điệu khi làm công việc kinh doanh tại tỉnh Hunan.

Tết này, Liu bất ngờ lột xác khi về quê với gia đình. Cậu chụp ảnh ‘tự sướng’ khi mặc chiếc áo bông cũ của bà, quần của ông, và đi đôi giày của ông chú.

“Bộ quần áo này mặc rất thoải mái” – CNN dẫn lời Liu.

Liu không phải người duy nhất làm vậy.

Trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày Tết Nguyên đán rộ lên làn sóng chụp ảnh ‘trước’ và ‘sau’ khi về quê.

{keywords}
Stone Liu trong trang phục đi làm (ảnh trái) và khi về quê, mặc đồ của ông bà (ảnh phải).

Những thanh niên ngoại tỉnh đăng tải các bức ảnh chụp họ trước và sau khi về quê ăn Tết với sự khác biệt hoàn toàn về phong cách.

Trước Tết, họ khoác lên mình những bộ đồ hợp mốt, sành điệu. Nhưng khi về quê, họ chọn phong cách mà họ gọi là ‘bí ngô quê mùa’.

Nhiều người trong số họ cảm thấy rất thư thái khi để lộ ‘con người thật’ của mình trong khoảng thời gian dễ chịu, bình yên nhất trong năm.

Xu Lin là một người mẫu làm việc ở Bắc Kinh. Cô đăng những bức ảnh chụp cô ‘tự sướng’ trong bộ đồ xuề xòa, cho gà ăn và nấu cơm với mẹ ở quê, trong một ngôi làng ở tỉnh Jilin.

“Khi về nhà, tôi vẫn là con của bố mẹ mình, bất kể tôi mặc cái gì. Nhưng sẽ chẳng có khách hàng nào chịu làm việc với tôi nếu tôi ăn mặc kiểu này ở Bắc Kinh” – Lin nói.

{keywords}
Xu Lin là người mẫu làm việc ở Bắc Kinh (trái) và khi về quê, cho bò ăn (phải)

“Tôi nghĩ, sự tương phản giữa các bức ảnh ở thành phố và quê nhà phản ánh sự khác nhau giữa điều kiện làm việc cực kỳ căng thẳng và sự thư giãn khi tôi về nhà” – Lin giải thích.

Qin Yemei, 23 tuổi, cũng đồng tình với Lin.

Qin Yemei đang làm cho một công ty luật ở Nanjing. Yemei nói rằng nếu cô ăn mặc bảnh chọe quá thì người dân làng sẽ thấy cô dị hợm.

“Tôi tự hào vì lớn lên ở quê. Người thành phố không trải nghiệm rất nhiều thứ như chúng tôi sống ở đây, chúng tôi chăn bò, lấy củi và làm nhiều việc khác nữa” – Yemei nói.

{keywords}
Qin Yemei làm việc ở công ty luật (trái) trông hoàn toàn khác khi về nhà ăn Tết (phải)

{keywords}
Chen Fei thấy rất hào hứng với việc chụp ảnh ghi lại sự khác biệt hoàn toàn giữa phong cách thời trang thành thị và bộ đồ dân dã.

Yemei nghĩ những bức ảnh này đã cho thấy phần nào sự khác biệt rất lớn giữa đời sống ở nông thôn và thành thị tại Trung Quốc.

“Ở quê không có internet, không có truyền hình, không có các quầy bán thức ăn đường phố, không nhà hàng. Hầu hết thanh niên đều phải tới thành phố để lập nghiệp, rời bỏ gia đình, ông bà ở quê”.

  • Lê Thu