- Ngay khi có thông tin cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” bị tạm dừng phát hành, chúng tôi đã có cuộc gặp với những người đã xây dựng cuốn sách.


Nếu được làm lại, tôi sẽ vẫn làm nó…

-  Bạn đã tham gia như thế nào trong quá trình sản xuất cuốn sách?

- Có một nhóm biên tập mà tôi đã nói trong lời cảm ơn đầu tiên ở cuốn sách. Xuất phát từ sự cùng chung cảm hứng và quan điểm của hai bên, tôi đã phối hợp với Nhã Nam. Khi tiến hành, họ đưa cho tôi một cái danh sách các câu nói, tôi kiểm chứng bằng số lượng các kết quả tìm kiếm trên Google, sau đó lựa chọn và bổ sung, thống nhất rồi thì thể hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh.

- Trong 120 câu, có rất nhiều câu đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm xã hội, thậm chí là suồng sã mà nhiều người cho rằng không nên cổ vũ?

- Tôi không nghĩ rằng những  gì mà tôi đã vẽ ra là cổ vũ cho nó, mà thậm chí ngược lại, hoàn toàn là phê phán nó. Ví dụ như bức “Ác như con tê giác”, tất nhiên là tôi đâu có cổ vũ cho nạn săn bắt trộm thú quý.

Nhiều ý tưởng được Thành Phong thể hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh rất thông minh

Tôi nghĩ rằng điều mà mọi người đang rất lo lắng là cuốn sách gây ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ, thì tại sao không hỏi ý kiến chính giới trẻ về cuốn sách này. Tại sao ngay mới vài hôm nay thôi, các trang mạng được lập ra để ủng hộ cuốn sách đã có hàng ngàn người nhấn nút like.

Khi làm cuốn sách, chúng tôi đã ghi rõ trên đó là 15+, theo chúng tôi thì trên 15 tuổi là thanh niên đã có đủ nhận thức xã hội để tự mình có quan điểm về những vấn đề như thế này rồi. Chúng tôi tin độc giả trẻ hiểu được đâu là giải trí, đâu là phê phán.

- Có vẻ như ý đồ phê phán chưa được lột tả, chưa được thể hiện một cách rõ ràng?

- Thực ra quan điểm nghệ thuật của tôi là một sự việc đã xảy ra trong cuộc sống sẽ có người đánh giá nó như thế này và đánh giá nó như thế kia. Một ví dụ khác chẳng hạn như khi chiếc xe chở hàng bị lật ở quốc lộ, rất nhiều người đã nhảy vào hôi của.

Trước sự việc đó, tôi nhìn thấy sự ích kỷ, chỉ chăm chăm vào lợi ích của bản thân mà dẫm đạp lên lợi ích của người khác.

Nhìn nhận thực tế cuộc sống là một chuyện, còn khi thể hiện nó bằng ngôn ngữ nghệ thuật thì lại là chuyện khác. Sẽ không thể nào lý giải rõ ràng cho độc giả tới từng chi tiết được, vì nó còn liên quan đến hứng thú của người đọc, người xem, sự cảm nhận của họ.

Nếu tôi làm theo kiểu vẽ về đám đông hôi của này và lột tả quá rõ ý đồ phê phán nó thì chắc chắn là sẽ dễ làm hơn, nhưng cái “đã” và phần tự chiêm nghiệm của người đọc bị giảm sút đáng kể.

- Phải chăng bạn đã dùng cách diễn tả ngược để gửi đến độc giả cho cuốn sách, giống như cách tuyên truyền về an toàn giao thông như những clip ngắn đầy ý nghĩa ở nước ngoài hay những hình ảnh rùng rợn ở các cổng bệnh viện của Việt Nam?

Mục đích của nó là khác nhau, tôi không ủng hộ những kiểu gây sốc một cách phản văn hóa. Cuốn sách này mục đích của nó đơn giản chỉ để là vui, và trong đó có động chạm một chút đến các vấn đề của xã hội. Chứ tôi không nghĩ nó gây sốc đến mức như người ta nhìn thấy những hình ảnh máu thịt rùng rợn như các hình ảnh về tai nạn giao thông ở cổng bệnh viện. Cái đó nó tác động vào tâm lý ghê gớm!

Một tác phẩm khác của Thành Phong về ngày mưa Hà Nội

- Như vậy bạn đang đi trên một con đường chênh  vênh, nguy hiểm. Chệch sang bên này một tí thì còn trên đường, nghiêng sang bên kia một tí có thể xuống… vực. Bạn đã tự chuẩn bị cho mình một nền móng như thế nào cho “chuyến đi”?

- Nếu hiểu sự “chuẩn bị” ở đây là ô dù thì tôi không hề có. Tôi chỉ có một lòng tin rằng nếu mình làm một cách không vụ lợi và mình cố gắng hết sức để thể hiện nó tốt nhất thì dù chỉ có một bạn đọc chấp nhận nghĩa là tôi vẫn nhận sự đền đáp.

“Không thể vào quán trà đá gọi Cocktail”

- Rất nhiều độc giả cho rằng bạn là một người không phân biệt nổi đâu là văn nói, đâu là văn viết khi đưa một  số câu nói suồng sã vào cuốn sách?

- Tôi đã từng nói với nhiều người rằng: “Không thể vào một quán trà đá mà gọi một ly Cocktail”. Mỗi ấn phẩm nó có một mục đích riêng của nó. Khi một ấn phẩm giải trí mà áp đặt cho nó một tiêu chí như một cuốn sách giáo khoa thì nó là một điều hết sức vô lí ngay từ cách đặt vấn đề.

-  Phải chăng bạn đang muốn lên án sự áp đặt trong việc giáo dục ý thức?

- Tinh thần của cuốn sách không phải là như thế. Trong cuốn sách chỉ có một vài bức tranh mang tính chất đặt ngược vấn đề mà thôi. Tôi nghĩ nó chỉ là sự cân đối khi lật ngược lại một vấn đề để nhìn nhận.

Thực tế đã chứng minh là cách giáo dục một chiều, áp đặt không thể đạt được hiệu quả như người ta tưởng. Xã hội hiện nay đang ngày càng phát triển, và không thể nào mà chỉ sử dụng những phương pháp rắn để giáo dục được. Người trẻ hiện nay họ có rất nhiều lựa chọn, nếu không thu hút được họ thì làm sao giáo dục họ.

- Có ý kiến cho rằng cuốn sách của bạn làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt?

Họa sĩ trẻ Thành Phong trong cuộc trao đổi với VietNamNet sáng 26/11

- Tôi cảm giác chính bản thân những người phê phán lại vô tình trở thành rào cản của sự phát triển của ngôn ngữ. Ngôn ngữ theo tôi giống như một dòng nước, liên tục chảy, từ thời đại này sang thời đại kia, mỗi lần như thế nó lại chuyển sang các nhánh khác, rộng và phong phú hơn. Nếu cố tình chặn nó thì bản thân nó sẽ tù đọng và thậm chí còn tự mất đi.

- “Đứa con tinh thần” vừa ra đời và nhận được sự quan tâm của rất đông bạn đọc nhưng đã ngay lập tức bị tạm dừng phát hành, cảm giác của bạn  thế nào?

- Tôi hơi tiếc. Tôi không nghĩ là sự việc diễn ra nhanh như thế. Tôi rất cảm kích khi Nhã Nam dám mạnh dạn ủng hộ một tinh thần sáng tạo mới mẻ.

Trong thời gian tới, tôi tin là hội đồng thẩm định lại cuốn sách sẽ đưa ra một cách đánh giá khái quát hơn, đầy đủ hơn với nhiều góc nhìn khác nhau về cuốn sách. Và nếu có thể biên tập bớt những góc nhìn chủ quan, gây phản cảm với người đọc, tôi hy vọng cuốn sách được phép phát hành trở lại.

Thực hiện: Hòa Bình, Huy Hoàng