Cây gậy thần là vở diễn đặt hàng của Bộ VHTT&DL đối với hai đơn vị nghệ thuật: Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn tái hiện mối tình giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Câu chuyện đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, một câu chuyện thấm đẫm chất thơ và nhiều những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh.

{keywords}
Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam để dựng vở (ảnh minh hoạ).

Trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Việt Nam đã từng có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và nghệ thuật xiếc như những màn đua ngựa, đu bay, phóng dao phun lửa... từng xuất hiện trên sân khấu cải lương từ đầu thế kỷ XX. Nhưng với vở Cây gậy thần, đây là lần kết hợp toàn diện nhất giữa cải lương và xiếc.

Cây gậy thần là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật chung của hai đơn vị mang tên Huyền sử Việt. Dự án sẽ gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thành bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam là: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh Tản Viên Sơn Thánh và Thánh Gióng. Huyền Sử Việt được xây dựng để thêm một lần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một lần sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.

{keywords}
Các nghệ sĩ tại Đền Chử Đồng Tử ở Hưng Yên để nghe những huyền sử từ người dân. 

Đồng đạo diễn của vở, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng tất cả xác định sẽ phải vượt qua, mục đích là làm sao lôi kéo người xem đến rạp bằng việc phải đổi mới. Trong khi cải lương đi sâu vào khai thác nội tâm nhân vật, tiết tấu chậm rãi thì xiếc lại thiên về giải trí, bùng nổ. Sau nhiều lần bàn luận, lãnh đạo 2 nhà hát đã quyết định đề xuất lãnh đạo Bộ cho phép thực hiện dự án này. Bằng niềm say mê, các nghệ sĩ của 2 nhà hát tin tưởng, vở diễn sẽ thành công.

Để làm rõ hơn khi xiếc kết hợp với cải lương sẽ như thế nào, đồng đạo diễn của vở - NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết những lúc nghệ sĩ ca vọng cổ, điểm rơi của câu hát sẽ là hành động của xiếc. Các nghệ sĩ xiếc không thoại mà chỉ bằng hành động. Ví dụ như các diễn viên xiếc phi ngựa, đu dây để minh họa cho cặp cải lương đang biểu diễn trên sân khấu. Những kỹ xảo của xiếc luôn minh họa, và đồng diễn cùng các nghệ sĩ cải lương, thậm chí tạo ra những khoảng lặng để khán giả tập trung hơn.

{keywords}
Thanh Thanh Hiền

Là người thể hiện ca khúc trong vở xiếc kết hợp cùng cải lương Cây gậy thần, NSƯT Thanh Thanh Hiền cho biết chị chưa hình dung ra công việc của mình trong tác phẩm nhưng ở đâu có cải lương là chị có mặt. Càng lạ, chị càng háo hức và muốn khám phá. Đặc biệt, Cây gậy thần lại là vở diễn đầu tiên kết hợp 2 loại hình dường như không có mối hệ nào với nhau-xiếc và cải lương.

NSƯT Thanh Thanh Hiền đã có chuyến bay cuối cùng trong ngày hôm qua (17/9) để kịp có mặt trong Lễ khởi công vở diễn Cây gậy thần diễn ra tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam sáng 18/9. Chị vui vì nhận được lời mời tham dự với tư cách là người thể hiện ca khúc trong tác phẩm. Vốn xuất thân là nghệ sĩ cải lương nên khi được trở lại đúng với vai trò của mình, chị luôn sẵn lòng giúp ê kíp, để mang lại cho khán giả vở diễn mới lạ, hấp dẫn dành cho khán giả.

Dự kiến tháng 11, vở diễn sẽ ra mắt khán giả. 

Tình Lê

Các nhà hát 'bắt tay' đưa làn gió mới vào sân khấu

Các nhà hát 'bắt tay' đưa làn gió mới vào sân khấu

Ở Việt Nam, mỗi nhà hát đều có đặc thù riêng nhưng khi họ bắt tay kết hợp các loại hình nghệ thuật trên cùng một sân khấu lại là "món lạ" - "ngon, hay dở" còn tuỳ vào khán giả nhưng đó là sự chuyển mình đáng ghi nhận.