Báo cáo tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc thống nhất nhập 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ giảm số người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách.

Dự luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; các chức danh không phải là người hoạt động chuyên trách. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Do đó, khi hợp nhất 3 lực lượng thành lực lượng mới sẽ sẽ cắt giảm số người hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, dự luật chỉ quy định bỏ chi trả phụ cấp hàng tháng cho lực lượng này mà chỉ có mức hỗ trợ để giảm chi ngân sách nhà nước.

Nên chăng do quần chúng tự giới thiệu, lựa chọn?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng băn khoăn sau khi hợp nhất 3 lực lượng thì số nhân sự sẽ tăng lên khoảng 800.000 người so với hiện tại, dẫn đến nhu cầu ngân sách cần bổ sung rất lớn.

Dù dự thảo luật không không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, không tiếp tục duy trì đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp nhưng dự thảo luật cũng quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

“Thực chất, đây có thể chỉ là cách gọi khác, còn về tính chất như phụ cấp. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm. Trong khi dự án luật quy định ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này”, ông Tùng phân tích.

Ông Tùng cho biết, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy mới tinh giản khoảng 100 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trong khi nếu theo dự án luật này tăng thêm 800 nghìn người hưởng chế độ bồi dưỡng thường xuyên, chưa kể còn chế độ khác BHYT, BHXH tự nguyện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 3 lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này gồm bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã và thị trấn bán chuyên trách đã hết nhiệm vụ khi đưa công an chính quy về xã. “Có nghĩa là luật này đưa những anh hết nhiệm vụ vào...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo bà Ngân, có những mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng như các CLB phòng, chống tội phạm; hiệp sĩ đường phố; tổ tự quản an ninh trật tự; mô hình thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc… lẽ ra phải đánh giá tổng kết xem có cần thiết phải duy trì. Nếu cần thì phải sắp xếp đó là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì trong dự luật lại không nhắc tới.

“Nếu luật ban hành, phải đặt trong mối liên hệ với các tổ chức tự quản đã có mà thực sự hiệu quả”, bà Ngân nhấn mạnh phải rà soát để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phải làm rõ chức năng, phạm vi của lực lượng này tham gia phối hợp với lực lượng công an chứ không phải chịu trách nhiệm chính hay làm thay công an.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Về tổ chức lực lượng này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là hình thức tự quản của quần chúng thì nên chăng do quần chúng tự giới thiệu, lựa chọn. Công an chỉ hướng dẫn về tiêu chuẩn nghiệp vụ. Còn về kinh phí để lực lượng này hoạt động, việc thay phụ cấp hàng tháng bằng hỗ trợ hàng tháng cần ý kiến của Bộ Tài chính.

“Còn việc hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT khi lực lượng này không còn là công an xã bán chuyên trách nữa thì có phù hợp với tính khả thi của ngân sách hay không? Trong khi đi tiếp xúc cử tri, rất nhiều lực lượng ở địa phương yêu cầu được hỗ trợ BHYT, BHXH mà chúng ta cũng chưa giải quyết được”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Giảm 500 nghìn người, cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng ngân sách

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay quy định tại dự thảo “bám sát các chế độ của dân quân tự vệ”. Đây là lực lượng quan trọng, đồng hành cùng tham gia trong phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ tổ quốc, phong trào an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân.

Bộ trưởng Công an thông tin thêm, hiện cả nước hiện có gần 180.800 đơn vị cấp thôn. Theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), mỗi thôn phải thành lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người. Nếu thành lập hết theo quy định của Luật PCCC thì tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc phòng 1,8 triệu người.

Thực tế hiện nay mới thành lập được 23% trong số này do nhiều điều kiện chưa triển khai được theo đúng quy định của luật pháp.

Ngoài ra, hiện có khoảng 72 nghìn người bảo vệ dân phố ở các đô thị và trên 126 nghìn người là công an xã bán chuyên trách. Như vậy, tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người. "Đây là con số theo quy định của luật”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Với con số này, trung bình mỗi người hưởng mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/tháng thì ngân sách nhà nước phải chi khoảng 600 tỉ/tháng. Như vậy trung bình một tỉnh cần khoảng 10 tỉ đồng/tháng đối với lực lượng này.

“Đây là chi theo mức quy định của pháp luật chứ chúng tôi không tự xây dựng được con số này”, Bộ trưởng khẳng định.

Còn nếu nhập 3 lực lượng lại thành 1 và tính trung bình một thôn có một tổ từ 5 đến 10 người, toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Con số này so với con số theo các luật hiện hành quy định giảm 500 nghìn người. Bộ trưởng Tô Lâm cũng nói rõ, đây là con số ước tính theo quy định của luật thôi, còn con số thực tế triển khai thế nào còn có thể khác.

Về kinh phí, dự luật quy định bỏ chế độ chi trả phụ cấp hàng tháng thay vào đó, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng này khoảng 300 nghìn đồng từ ngân sách nhà nước. Như vậy, cần khoảng 450 tỉ để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người (trung bình mỗi tỉnh cần 7 tỉ đồng để bảo đảm chi trả).

“Như vậy theo quy định của dự thảo luật, hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng từ ngân sách ”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Thu Hằng

Bộ Công an cam kết số hóa dữ liệu để bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021

Bộ Công an cam kết số hóa dữ liệu để bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc cam kết, Bộ sẽ sắp xếp, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý cư trú bằng số hóa, bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1/7/2021.