Những ý kiến gây rối tràn ngập internet thông tin rởm và tuyên truyền đến mức chưa từng thấy.

Đại cử tri và tiến trình dân chủ

Hệ thống bầu cử theo phiếu đại cử tri được những người cha đẻ của nước Mỹ viết trong hiến pháp Mỹ từ năm 1787, như một sự đảm bảo chống lại tình trạng những khu vực bầu cử không được thông tin nên chọn ra tổng thống là người muốn là nhà độc tài, dân túy, quân chủ hay mị dân.

Từ năm 1788, trải qua 58 cuộc bầu cử, nước Mỹ chưa bao giờ dựa trên đại cử tri để đảo ngược quyết định của các cử tri khi chọn lựa tổng thống. Những người chỉ trích nhiều lần kêu gọi bãi bỏ chế độ đại cử tri để thay bằng một cuộc bầu cử phổ thông, nhưng đều không thành công. Phe Dân chủ của bà Hillary Clinton sẽ đề xuất dự luật, khởi động các kiến nghị, bắt đầu các vụ kiện và chiến dịch phản đối trên đường phố chống lại chế độ đại cử tri nhằm bày tỏ không ủng hộ ông Donald Trump.

Vậy phải chăng hệ thống đại cử tri đang tác động tiêu cực đến tiến trình dân chủ? Hệ thống này có phải đang bị các ứng cử viên và các đảng phái chính trị thao túng? Câu trả lời là “có” đối với cả hai câu hỏi trên. Sau đây là lý do.

Người Dân chủ vẫn bị ám ảnh

Trong 58 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có 5 ứng cử viên tổng thống giành nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng lại thua trong cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn.

{keywords}

Trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã tranh cử tăng cường ở các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Năm 2000, trường hợp có lẽ gây tranh cãi nhất đã xảy ra khi ông Al Gore – ứng cử viên Dân chủ thắng về phiếu phổ thông với khoảng 51 triệu phiếu ủng hộ, trong khi ông George W. Bush – ứng cử viên Cộng hòa đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri với 271-266 phiếu dù thua tới 540.000 phiếu phổ thông. Trường hợp Bush – Gore đã phải cần tới bang Florida và các tòa án tối cao Mỹ giải quyết vì gian lận hoặc lỗi kỹ thuật ở chỉ một hạt trong một bang, đó là Florida. Người Dân chủ vẫn bị ám ảnh về kết quả này.

Trường hợp thứ hai là trường hợp hiện nay. Jill Stein – đảng Xanh sẽ đề nghị kiểm phiếu lại tại bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania nhằm lật ngược chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump. Bà cho rằng người Nga đã tấn công các máy móc bỏ phiếu nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Bà làm việc này không phải để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, vì bà chỉ nhận được 1% phiếu bầu và không thắng ở bang nào cả. Nhưng động lực để bà làm vậy là bà đã quyên góp được 5 triệu USD từ những cử tri bất bình và ghét ông Trump.

Hillary Clinton – ứng cử viên Dân chủ đã thất bại vì chính ba bang này, với tổng cộng 100.000 phiếu phổ thông, nên đã hợp tác với Stein hòng ngăn cản chiến thắng của ông Trump. Trên thực tế, bà Clinton không có cơ hội đảo ngược kết quả bầu cử. Như với kết quả của ông Gore, người Dân chủ sẽ lại bị ám ảnh trong nhiều năm tới.

Cả trường hợp của ông Gore và bà Clinton có xu hướng gây tranh cãi về nền dân chủ Mỹ, đặc biệt trong số những người chỉ trích và những người thua trận.

Chiến lược bang do dự

Các đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tạo dựng sự ủng hộ mạnh mẽ tại một số bang. Phe Dân chủ mạnh ở các bang bờ Đông (như New York) và bờ Tây (như California), trong khi phe Cộng hòa làm chủ tại các bang ở miền giữa miền Tây và Nam (như Texas). Tùy vào từng cuộc bầu cử, các bang “còn do dự” xuất hiện và có thể nghiêng về đảng này hay đảng kia. Đây là nơi các đảng phái chính trị tập trung vào chiến dịch quảng cáo, thực hiện các chuyến thăm của ứng cử viên, gây quỹ và thành lập các tổ chức “dân thường” mạnh.

Bà Clinton đã tranh cử tăng cường tại nơi bà cho là các bang còn do dự, trong khi tin rằng các căn cứ truyền thống của mình là ở các bang duyên hải và một số bang ở miền Bắc và giữa miền Tây.

Ông Trump đã tranh cử tăng cường ở các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Bà Clinton đã sai lầm lớn khi cho rằng ba bang này sẽ nghiễm nhiên bỏ phiếu cho bà vì họ đã bỏ phiếu cho ông Obama trong cuộc bầu cử trước.

Khác với giới truyền thông, các học giả chính trị và một số thành viên của các đảng phái chính trị, ông Trump thấy rằng cử tri Dân chủ truyền thống đã bất bình với bà Clinton cũng như các cử tri thuộc tầng lớp lao động và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ba bang này cùng với bang Florida, đã thêm vào các thành trì truyền thống của đảng Cộng hòa ở giữa miền Tây, đủ để ông Trump giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn dù không thắng về tổng số phiếu phổ thông.

Như vậy các cuộc bầu cử không phải là việc tranh cử tăng cường ở 50 bang, mà là tác động một cách có chiến lược vào các cử tri ở một số ít bang còn do dự. Một số rất ít bang đếm trên đầu ngón tay này cũng thay đổi trong từng cuộc bầu cử, tùy thuộc vào ứng cử viên và các vấn đề. Vì chỉ có một số ít bang (thường khoảng 10) có tính cạnh tranh, nên các bang này có tầm ảnh hưởng lớn đến các ứng cử viên tổng thống.

Ông Trump đã thắng ở Pennsylvania với việc hứa hẹn với những người thợ mỏ than rằng ông sẽ lấy lại việc làm mà Tổng thống Obama đã đánh mất; và ông hứa hoãn lại một nửa số quy định về môi trường, vốn bị cho là đã làm sập cửa ngành công nghiệp non trẻ của bang Ohio.

Ngược lại, bà Clinton hứa tập trung vào các cử tri gốc Mỹ Latinh và da đen, với những lợi ích chưa từng thấy. Chiến lược sai lầm của bà ở một số bang còn do dự đã làm bà thất bại chung cuộc, cho thấy một số nhỏ cử tri có thể quyết định cuộc bầu cử như thế nào. Một cuộc bầu cử trực tiếp không qua đại cử tri sẽ ít khả năng xảy ra kết quả này.

Còn tiếp

Terry Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên Hội đồng quốc gia Mỹ.