Trong khoảng hơn một thập kỷ về trước, các máy console luôn là thứ được các game thủ săn đón nhiều nhất. Chúng ta vẫn còn đó cả một bầu trời tuổi thơ với các hệ máy NES, X-box, Playstation đời đầu. Thời gian trôi qua và công nghệ liên tục phát triển. PC gaming và mobile gaming liên tục xuất hiện trên thị trường. Cho đến nay, lượng người chơi game sử dụng console còn rất hạn chế, vì bản thân các máy console rất kén người dùng. Chúng ta chỉ thấy những game thủ chuyên nghiệp hay bán chuyên mới sử dụng console trên thị trường. Vậy thời oanh liệt của máy console gaming nay còn đâu?
PC đang ngày càng phát triển theo thời gian. Từ những cỗ máy to đùng và thô kệch, ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu một dàn PC gọn, mạnh mẽ và còn đẹp nữa. Sự tối ưu hóa cực kỳ tốt của các nhà phát triển phần cứng đã giúp những dàn máy PC hay laptop gaming dần đứng vững trên thị trường.
Hơn nữa, các hệ máy PC ngày nay phần lớn đều có một lối kiến trúc mở. Có nghĩa là người dùng nay có thể tự do sáng tạo những gì mà họ thích cho phần cứng của PC. Dần dà nó cũng trở thành một trào lưu mạnh mẽ, game thủ ngày nay còn coi việc trang trí hoặc “độ” dàn gear của mình là một thú vui, một sự đam mê đầy tự hào. Điều này mang lại sự phát triển không ngừng của PC gaming.
Nhưng điều đó cũng vô tình mang lại sự phiền toái cho một cơ số game thủ khó tính. Với việc can thiệp sâu vào phần cứng, lẽ dĩ nhiên có lúc chúng cũng sẽ phát sinh vấn đề. Và họ không biết làm gì ngoài việc rút phích cắm và mang ra tiệm để nhân viên hãng bảo trì và sữa chữa.
Đó cũng là một trong những lý do khiến các hệ máy console còn tồn tại cho đến ngày nay. Hầu hết, các hệ máy console trên thị trường hiện nay đều có những thiết kế đóng. Bạn chỉ cần ra tiệm, mua chúng về, mở lên và chơi tựa game mình yêu thích. Cuộc sống lúc này đối với bạn rất đơn giản. Nhưng vấn đề là ở chỗ, các hệ máy console thường hay lạm dụng điều này để thu phí cho các nhà phát hành game mỗi khi muốn phát triển sản phẩm trên nền tảng của họ. Đây chính là chiếc móc làm cản trở sự phát triển của console.
Và không dừng lại ở đó, vào năm 2008, một cơn sốt khác đã nổ ra khi Apple ra mắt Iphone - smartphone cao cấp đánh dấu sự phát triển của mobile game. Giờ đây, người dùng đã có thêm một thứ có thể chơi game trên một màn hình cảm ứng tuyệt vời. Thậm chí trong một khoảng thời gian ngắn, người ta còn tưởng chừng như PC và console gaming đã chết. Nhưng với nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất, họ đã lấy lại thị trường của mình bằng cách tận dụng tối đa những ưu điểm mà mình có.
Rõ ràng, PC luôn là một sự lựa chọn tối ưu để chơi game hay thậm chí là để thực hiện các tác vụ văn phòng. Với bàn phím và chuột, PC có ưu điểm vượt bậc giúp người dùng có thể nhanh chóng làm quen và thao tác một cách chính xác nhất. Console thì luôn tuyệt vời khi chơi các tựa game đòi hỏi nhiều thao tác cùng lúc như vừa chạy vừa xoay người và ngắm bắn. Một khi đã thuần thục các thao tác trên máy console, bạn là một con quái vật thật sự. Nhưng cả hai loại này đều có một nhược điểm, đó chính là tính di động không cao. Lần cuối bạn rút dây chiếc máy console ra khỏi màn hình TV là bao lâu rồi?
Đó chính là cái mà mobile gaming hướng đến, tính di động. Bạn có thể chơi game ở bất kỳ nơi nào mình thích, miễn là chiếc điện thoại vẫn còn pin. Tất nhiên, nó sẽ không bao giờ chơi được những tựa game hạng nặng chỉ có thể chơi được trên PC và console (Skyrim, God of War,…). Hơn nữa, giá thành cho một chiếc điện thoại gaming cũng không phải rẻ. Dành một số tiền lớn để chơi những tựa game làng nhàng có phải là một sự lựa chọn hoàn hảo?
Mấu chốt ở đây là, mỗi nền tảng chơi game đều có điểm mạnh và yếu riêng của mình. Sẽ không ai chắc chắn được trong tương lai nền tảng nào sẽ chiếm lĩnh trên thị trường và nền tảng nào sẽ phải dừng lại. Chỉ chắc chắn một điều là người dùng sẽ luôn luôn lựa chọn cho mình một sản phẩm tối ưu nhất với giá thành hợp lý nhất. Mobile ,PC hay console gaming, bất cứ nền tảng nào đáp ứng được nhu cầu người sử dụng đều xứng đáng với vị thế mà mình sẽ có được.
Theo GameK