Giả sử tôi có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, không gì thiết thực và tốt đẹp hơn là thay đổi nhận thức của toàn xã hội, cải thiện môi trường giáo dục của thế hệ trẻ.

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Mỹ Duyên, Lê Chân, Hải Phòng.

“Tất cả các vĩ nhân đều đã từng là một đứa trẻ…”

Chúng ta vẫn thường nói rằng trẻ em là những mầm xanh tương lai của đất nước, rằng “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, những thế hệ người trẻ tuổi nối tiếp nhau trưởng thành và lớn lên sẽ là những tia hi vọng mới song hành với công cuộc dựng xây và phát triển đất nước. Một quốc gia mạnh hay yếu, phồn vinh hoặc suy tàn, phần lớn phụ thuộc vào cách mà thế hệ trẻ ngày nay suy nghĩ và hành động.


Ảnh minh họa
Mỗi ngày, ở một đất nước hơn 80 triệu dân này có biết bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ diễn ra, nhưng trong hai ngày đầu năm 2011, một trong số những sự kiện khiến chúng ta cần lưu tâm đó chính là Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh lắng nghe nguyện vọng của 80 em thiếu nhi đại diện cho hơn 1,2 triệu trẻ em của thành phố. Những điều các em mong muốn đều hết sức giản dị, hồn nhiên, trong sáng và cũng chính là những đòi hỏi của chất lượng sống đô thị. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại về môi trường sống của trẻ em Việt Nam, để thấy rằng QUYỀN TRẺ EM đã thực sự được tôn trọng và thực thi một cách có hiệu quả hay chưa.

Việt Nam là nước Châu Á đầu tiên và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990 và tích cực kí các công ước bảo vệ trẻ em sau này. Ngoài ra còn rất nhiều trung tâm và các tổ chức thành lập với mục đích lắng nghe và chia sẻ ý kiến của trẻ em hoặc ngăn chặn những hành vi có hại tới sự phát triển của trẻ em nhưng nếu nhìn thẳng vào vấn đề, ta sẽ thấy rằng những điều ấy đã thực sự có hiệu quả hay chưa? Tiếng nói của trẻ em có thực sự được tôn trọng? Tại sao hàng loạt những vấn đề về quyền lợi và cuộc sống của trẻ em hiện nay vẫn liên tiếp xảy ra mà vẫn chưa tìm được hướng giải quyết triệt để?


Ảnh minh họa
Chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước Việt Nam đã hơn 30 năm, thế hệ trẻ ngày hôm nay may mắn hơn rất nhiều so với tầng lớp nhân dân Việt Nam những năm 75 trở về trước, vì được hưởng một cuộc sống hòa bình, không còn bóng đen của áp bức, bóc lột hay cái mù mịt của tiếng súng, tiếng bom. Việt Nam đã hoàn thành công cuộc hàn gắn những đổ vỡ của chiến tranh từ rất lâu rồi và đang trên đà phát triển về mọi lĩnh vực những mong được ‘sánh vai với các cường quốc năm châu’, hi vọng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trẻ em không còn phải đối mặt với những đau thương của chiến tranh nhưng hiện tại đang phải chịu đựng rất nhiều những hậu quả xuất phát từ nhiều khía cạnh của xã hội, từ một môi trường sống còn quá nhiều hỗn loạn chưa được nhìn nhận và giải quyết.

Có thể nói chưa bao giờ trẻ em phải sống trong cảnh mất an toàn như hiện nay. Giao thông hỗn loạn, khói xăng dày đặc, đồ ăn thức uống độc hại. Gần đây nhất là vụ phát hiện ra một số sản phẩm sữa có chứa độc tố melamine gây hại cho thận của trẻ, gây ra tử vong cho 6 trẻ em và hơn 1200 trẻ nhiễm độc ở Trung Quốc. Vẫn còn đó những tại nạn đáng tiếc xảy ra đến với trẻ em ở vùng sông nước như chết đuối, chơi đùa ở những nơi nguy hiểm nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu sân chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ em. Người ta sẵn sàng bỏ bạc tỉ để đầu tư các dự án sân golf, sân tennis cho người lớn mà “quên” việc xây dựng những khu công viên nho nhỏ, những rạp chiếu phim dành cho trẻ em.

Không có chỗ chơi, số đông trẻ em ít được giáo dục và thiếu sự quan tâm chỉ bảo của bố mẹ, đã tìm thấy niềm vui ở thế giới “ảo”, ở những trò chơi điện tử hiện đại, hấp dẫn và kích thích trí tò mò thường có ở trẻ em, nó giống như một thứ thuốc phiện tinh thần, khiến các em say sưa và thích thú đến quên cả cuộc sống hiện tại. Những quán net, điện tử, game online thi nhau mọc lên ở các hè phố, đặc biệt là gần trường học. Những nơi như công viên, sở thú thiếu bóng trẻ con. Những trò chơi ấy khiến các em luôn sống trong trạng thái ảo giác, thay vì hành động yêu thương chúng sẽ hành động bạo lực, thay vì lời hay ý đẹp, nhiều trẻ cứ mở miệng là đòi “chém", "giết", cứ tưởng trò chơi ảo mà đôi khi lại là thật. Vì muốn có tiền, vì lòng ham thích và để thỏa mãn thú vui đó, nhiều em đã gây ra những cái chết thương tâm cho chính người thân trong gia đình. Nhiều người tỏ ra hết sức ngỡ ngàng như không tin rằng, ở độ tuổi ấy trẻ em có thể hành động mất ý thức đến như vậy Tệ nạn nghiện game và những hậu quả của nó đã để lại nhiều bàng hoàng, xót xa và cảnh tỉnh cho xã hội về cách giáo dục thế hệ trẻ. Thêm vào đó những bước phát triển hiện đại và mới mẻ của công nghệ thông tin vô tình đã hủy hoại tuổi thơ, làm nhàu nát tâm hồn của những đứa trẻ mà đang ở độ tuổi hồn nhiên, trong sáng, cần sự che chở và yêu thương từ gia đình và xã hội.

Có lẽ không có nỗi đau nào day dứt và khó có thể bù đắp hơn cả nỗi đau về tinh thần.

Sự đổ vỡ trong hôn nhân, những rạn nứt trong cuộc sống gia đình và những bất đồng giữa cha mẹ đôi khi vô tình gây tổn thương và ảnh hưởng không nhỏ tới tâm hồn của trẻ thơ. Phải chứng kiến những cảnh bạo lực trong gia đình, những lời chửi bới, đánh đập khi cha mẹ bất hòa nhiều khi sẽ trở thành những vết sẹo trong lòng trẻ nhỏ, chúng sẽ nhớ rất lâu và sẽ rất buồn khi chẳng may ai đó vô tình gợi cái quá khứ đau buồn ấy. Cũng vì điều này mà không ít trẻ em rơi vào trạng thái trầm cảm, có xu hướng thu mình lại, sống vô cảm trước cuộc sống hoặc mặc cảm, tự ti với bạn bè. Hiện nay, hội chứng tự kỷ ở trẻ em đang ngày càng phổ biến. Ở Mỹ tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỉ khoảng 1/100. Ở Việt Nam chưa có con số thống kê chính xác nhưng số trẻ mắc chứng này ngày một tăng. Thay vì “bơi ra biển lớn”, chúng lại lặng lẽ đi vào thế giới của “người buồn”.

Nếu bạn bớt chút thời gian để tới viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Tâm thần bệnh viện Nhi Trung ương và được tận mắt chứng kiến hình ảnh những người trẻ đi lại với khuôn mặt vô cảm, những cuộc đời chẳng còn màu xanh và những tâm hồn đã lụi tàn quá sớm… Tôi bỗng nghe như có cái gì thắt lại ở trong tim khi tận mắt chứng kiến những ánh nhìn non nớt, ngây dại, tự lấy dao rạch vào cổ tay và thích thú khi ngắm nhìn dòng máu tươi chảy ra từ đó… Bóng tối vẫn cứ âm thầm bao trùm lấy cuộc đời các em mặc dù ngoài kia bầu trời vẫn sáng, vẫn tràn đầy nắng ấm, tương lai và những điều tốt đẹp đang chờ đón các em ở phía trước…

Đó quả là một điều đáng buồn, một thực trạng làm thức tỉnh suy nghĩ của nhiều người về cuộc sống, về môi trường sống của trẻ em hiện nay.

Rất nhiều trẻ em dưới tuổi vị thành niên bị buôn bán qua biên giới, bị lạm dụng về thể xác ở những “tổ quỷ”, nhà chứa… hầu hết các em đều xuất thân ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều khi còn rơi vào cảnh túng quẫn. Người ta sẽ kết án tù giam để trừng phạt những kẻ có hành vi đồi bại với trẻ em, các em sẽ được bồi thường những khoản tiền để bù đắp những nỗi đau về thể xác nhưng liệu có khoản tiền nào đủ lớn để bồi thường cho những nỗi đau về tinh thần và tương lai của các em? Làm thế nào để xóa đi những mất mát, những kí ức kinh hoàng về một tuổi thơ đau đớn như thế?

Nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất khiến hầu hết các em không được tiếp xúc với ánh sáng của tri thức, không được giáo dục một cách hoàn thiện. Đa số bỏ học từ cấp tiểu học. Những bé gái có cơ hội đến trường nhờ vào quyền bình đẳng giới nhưng cũng sớm từ bỏ việc học hành vì vô số lí do: đường sá giao thông không thuận lợi, hoang vắng, nhiều nguy hiểm phương tiện đi lại không có, gia đình khó khăn, đến cơm ăn áo mặc còn chẳng đủ, bỏ công sức, thời gian, tiền bạc để học lấy cái chữ đối với các em là quá xa xỉ rồi.

Có thể nói rằng giáo dục Việt Nam đang từng bước hoàn thiện nhưng vẫn chưa đến với tất cả trẻ em trên khắp đất nước. Sự quản lí thiếu chặt chẽ ở những vùng sâu, vùng xa, những chính sách của Nhà nước về bảo vệ trẻ em vẫn chưa được phổ biến một cách có hiệu quả.

Gần đây báo chí và các phương tiện truyền thông không ít lần đăng tải các vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp ở các nhà trẻ tư thục. Không biết tình trạng này sẽ còn tiếp tục đến khi nào nếu không có ngày tất cả được đưa ra ánh sáng. Hình ảnh những đứa trẻ còn quá non nớt, mới chỉ 3, 4 tuổi bị dọa nạt, đánh đập một cách không thương tiếc bởi bàn tay của những “cô nuôi dạy hổ” đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Thiết nghĩ đó mới chỉ là một số vụ việc may mắn được xử lí kịp thời, đó đây còn biết bao sự việc tương tự, còn bao nhiêu đứa trẻ không may mắn phải gánh chịu cách hành xử vô lương tâm của người lớn? Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Phần lớn ý kiến cho rằng nguyên nhân là do sự quản lí không chặt chẽ đối với các cơ sở mầm non tư thục của các cơ quan nhà nước, người trông trẻ không được đào tạo về trình độ sư phạm mà chủ yếu là tự do trong việc mở nhà trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người lao động không đủ thời gian chăm sóc con của mình. Nhưng các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương lại cho rằng những nhà trẻ tư thục đó mở ra không có giấy phép, không được sự đồng ý của cơ quan giáo dục cho nên không thuộc thẩm quyền trách nhiệm của họ, không thuộc sự quản lí của họ.

Thiết nghĩ trách nhiệm thuộc về ai đâu hẳn đã là điều quan trọng nhất, cái quan trọng là chúng ta đã giải quyết vấn đề đó như thế nào. Trong các clip đăng tải sự việc, ai cũng thấy rõ và nghe rõ tiếng khóc tội nghiệp của những đứa bé, khóc theo bản năng thông thường của trẻ con khi chúng đau và không có sự giúp đỡ. Liệu rằng những tiếng khóc như thế sẽ còn kéo dài đến bao giờ, sẽ còn bao đứa trẻ như thế? Trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta, hướng giải quyết cũng cũng cần sự đồng lòng của cả cộng đồng. Tình yêu thương giữa đồng loại, lòng nhân hậu, ý thức cá nhân về tầm quan trọng của thế hệ trẻ, trong mọi hoàn cảnh và ở nơi nào cũng vậy sẽ mang lại cho thế giới những nụ cười tươi tắn nhất, những sự việc đáng tiếc như thế có lẽ sẽ không xảy ra nữa.

Đã bao giờ bạn bỏ một ít thời giờ trong cái quỹ thời gian ngắn ngủi của mình để ngắm nhìn cuộc sống xung quanh và nghĩ về những số phận xung quanh hay chưa? Đã bao giờ bạn nhìn ngắm đôi giầy da sạch bóng của mình và nghĩ về đôi tay của đứa bé lem luốc vừa cầm tờ bạc lẻ mà bạn đã trả cho chúng?

Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn những đôi mắt ngây thơ, tội nghiệp, những khuôn mặt méo mó, tái nhợt vì đói, những bàn chân tím ngắt vì cái lạnh, cái rét… Cả ngày chúng lang thang khắp phố, ăn và ngủ tạm bợ ở những nơi ẩm thấp và tăm tối như góc chợ, vỉa hè… Có những đứa trẻ đến tận xế chiều mới ra bòn mót, nhặt nhạnh những thứ bỏ đi sau một buổi chợ tàn… Cả ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cầm cự từng giờ giữa sự sống và cái chết, cái mà chúng kiếm được chỉ là vài đồng bạc lẻ đổi lại từ việc đánh mấy đôi giày, bán mấy tờ vé số…Tôi không hình dung được cuộc đời và số phận của những đứa trẻ đó sau này sẽ ra sao? 5 năm nữa? 10 năm nữa? Không lẽ cứ mãi buồn, cứ mãi nghèo khổ, sự sống cứ mỏng manh, yếu ớt đến tội nghiệp như thế sao? Không kể cuộc sống mưu sinh, sự va chạm quá sớm với cạm bẫy của cuộc đời sẽ khiến không ít trẻ em lạc lối, bị dẫn dắt vào con đường tội lỗi, nguy hiểm hơn hết chính là “cái chết trắng” mà cái giá cuối cùng các em phải trả đó chính là cái chết.

Một khoảng thời gian khá lâu trước đây rất nhiều người đã xúc động trước hình ảnh của cậu bé Sao, cậu bé đánh giày dù bị bệnh tim nhưng vẫn tiếp tục dệt những ước mơ trên hè phố. Dù khuôn mặt có lấm lem, đôi bàn tay sớm chai sạn bởi những nắng gió của cuộc đời nhưng tôi vẫn thấy ở em một đôi mắt sáng, một niềm tin vào cuộc sống đáng trân trọng.

Tôi đã không kìm được nước mắt khi vô tình đọc được bài báo về một bé gái vùng cao mới chỉ có 3 tuổi và đang mang trong mình virus HIV, căn bệnh thế kỉ vô phương cứu chữa. Cuộc sống của em, không có tiếng cười, không có niềm vui chỉ có cái lầm lì, cái mặc cảm với xã hội. Mặc dù còn rất nhỏ tuổi em đã phải tự lo cho cuộc sống của mình bởi xung quanh em chẳng còn ai, bố mẹ em đều đã chết do nhiễm HIV. Hình ảnh một bé gái gầy gò với cái ánh nhìn ảm đạm tự ra suối giặt quần áo mặc cho cái rét cắt thịt của vùng núi cao có lẽ sẽ trở thành nỗi ám ảnh, gây xúc động với nhiều trái tim có lòng yêu thương và nhân hậu. Cái “trưởng thành” quá sớm ấy là hậu quả của những người bố, người mẹ trót mang trong mình căn bệnh được coi là án tử hình với những ai mắc phải, dù chỉ là vô tình ra đi quá sớm, bỏ mặc những số phận non nớt giữa cuộc đời vốn vẫn nhiều phong ba. Những em nhỏ ấy thực sự rất đáng thương…Đó không phải lỗi của các em. Điều các em thực sự trông mong ở cuộc đời, ở xã hội đó chính là sự quan tâm, chia sẻ từ phía cộng đồng, xin đừng là ánh nhìn khinh miệt, là sự xa lánh bởi với chúng ta, những em bé đó là đồng loại, là những sinh linh, biết yêu thương và cần được yêu thương.

Giả sử tôi có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam với mục đích hướng tới lợi ích tốt nhất cho trẻ em Việt Nam, thiết nghĩ không gì thiết thực và tốt đẹp hơn là thay đổi nhận thức của toàn xã hội, cải thiện môi trường giáo dục của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trẻ em Việt Nam đang chịu một sự giáo dục chưa hoàn thiện từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Tôi cho rằng phần lớn trẻ con khi sinh ra đều là những đứa trẻ tốt, chúng không có “bản năng “cãi lại người lớn, hư hỏng, hoặc tự gây ra những cái xấu có hại cho bản thân và ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Sự hình thành nên tính cách và số phận của các em chính là hoàn cảnh, là môi trường sống và sự giáo dục đã đúng đắn hay chưa. Tôi đã xem qua không ít bài báo về những đứa con có cha mẹ là “tướng cướp”, là những người buôn bán ma túy… bản thân các em đã hình thành thói côn đồ, hư hỏng như những kẻ “hậu duệ’’ từ rất sớm. Thế nên muốn cho cây mọc thẳng thì phải uốn nắn, muốn sau trẻ con này thành người có ích thì phải giáo dục đúng đắn, người làm cha mẹ phải quan tâm đến con cái, không được để mặc con mình chống chọi với gian khổ, muốn lớn lên thế nào tùy ý.

Những ông bố, bà mẹ, những người đang từng ngày hoàn thiện trách nhiệm cao cả của đấng sinh thành, hãy biết cân nhắc trong mọi suy nghĩ và hành động, biết sống đúng đắn và tốt đẹp làm tấm gương cho thế hệ con trẻ. Đừng quên là chúng còn nhỏ và cần được yêu thương….

Đừng quên vật chất không thể “mua” được tinh thần. Trẻ con đôi khi không cần những món đồ chơi đẹp, đắt tiền mà cần vòng tay cha mẹ, cần nghe những câu chuyện cổ tích giản dị để chìm vào giấc ngủ ngon mà mơ ước về một tương lai với những điều tốt đẹp…..

Đừng đánh cắp tuổi thơ của các em, quãng thời gian đẹp nhất của mỗi đời người bởi hàng tá những áp lực học hành thi cử…..sách vở cứ ngày càng nhiều lên, đến nỗi các em quên mất mình mới chỉ là một đứa trẻ lên tám…

Đừng để trường học là nỗi ám ảnh của trẻ nhỏ mà mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui….

Tất cả trẻ em Việt Nam, kể cả những bạn vùng sâu, vùng xa, những trẻ có hoàn cảnh khó khăn đều có thể được hưởng một nền giáo dục toàn diện. Trường học với các em, sẽ luôn là một một nơi an toàn, luôn là một sân chơi trí thức……

Đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ con còn quá nhỏ để nhận thức mọi việc mà sẵn sàng hành xử tàn nhẫn và thiếu ý thức. Những nỗi đau của quá khứ xảy ra càng sớm sẽ để lại hậu quả lâu dài và thời gian để hàn gắn vết thương đó sẽ càng lâu hơn, đôi khi không gì hàn gắn được….nếu hiểu được những điều này thì những người bảo mẫu ‘tắm đòn’, “bón cơm tát’…hẳn sẽ không hành xử một cách vô lương tâm và mất tình người như thế…

Sự hiểu biết, đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng cũng là liều thuốc tốt giúp người mắc chứng tự kỷ, mắc những căn bệnh hiểm nghèo hoà nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống… Cuộc mít tinh và đi bộ với khẩu hiệu “Cùng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng” tại Hà Nội không nằm ngoài mục đích tuyên truyền, tăng cường sự hiểu biết đúng đắn của cộng đồng về hội chứng tự kỷ, tránh để những người tự kỷ không bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử…

Mong rằng trong tương lai tiếng nói của trẻ em sẽ được lắng nghe và lắng nghe một cách thực sự sâu sắc….

Trẻ em cần được bảo vệ một cách đúng đắn, không chỉ là những lời nói mà thực sự là những hành động… theo tinh thần “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim - Chăm sóc trẻ em bằng hành động”.

Mỗi cá nhân trong số chúng ta hãy góp một phần bé nhỏ của mình để xây dựng một thế giới màu xanh cho trẻ thơ, một thế giới của nụ cười và tình yêu thương. Xây dựng một thế giới tốt đẹp cho trẻ thơ cũng là tạo dựng một xã hộ,một tương lai tốt đẹp cho chính chúng ta, cho loài người, cho toàn nhân loại. Tôi bỗng hình dung trước mắt hình ảnh yên bình của một miền quê Việt Nam xa xôi, thơ mộng, trong trẻo giữa tiếng cười hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Đêm về khua nước ven sông…….

Bài viết trên của tôi chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Nhưng những gì mà tôi muốn gửi gắm qua bài viết này chỉ đơn giản là những gì tôi chứng kiến và cảm nhận, những ước vọng và suy nghĩ của một người trẻ tuổi về sự phát triển của thế hệ trẻ tuổi.

Cuộc thi Viết về Quyền trẻ em Việt Nam

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".
Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi
Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn
Hạn nộp bài dự thi: 15/5/2011
Giải thưởng: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011