- Những dự cảm về cục diện thế giới trong năm 2016 được nhà báo Yên Ba chia sẻ trên Góc nhìn thẳng.
Nhà báo Ngân Phương: Kính chào quý vị và các bạn,
Thế giới có nhiều biến động khó lường trong năm 2015. Cục diện này sẽ vận động thế nào trong năm 2016? Những vấn đề gì lớn sẽ xảy ra trong năm tới mà chúng ta có thể dự cảm được. Góc Nhìn Thẳng xin mời nhà báo Yên Ba, Trưởng phòng Thời sự Quốc tế báo Quân đội Nhân dân để cùng dự báo, phân tích về những vận động trong năm mới.
Xin cảm ơn Nhà báo Yên Ba đã tham dự chương trình cùng với chúng tôi.
Nhà báo Yên Ba: Tôi cho rằng bất cứ một vận động nào trong đời sống quốc tế của thế giới đều dựa trên căn bản là sự vận động của các cường quốc. Ở đây, ta tạm coi có 2 cường quốc ở phạm vi toàn cầu, đó là Liên bang Nga và Mỹ.
Về Mỹ, dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama, chúng ta thấy có sự biến đổi khá rõ rệt trong những năm qua và đặc biệt trong năm 2015. Nước Mỹ giờ đây không còn đứng trên tuyến đầu trong các vấn đề nóng, trong các cuộc xung đột lớn, với việc nước Mỹ đã rút chân ra khỏi hai cuộc chiến hao người, tốn của ở Iraq và Afghanistan. Nước Mỹ của Tổng thống Barack Obama thực hiện một số chỉ dấu cho thấy càng ngày càng muốn tránh né những điểm nóng xung đột, đồng thời mở ra những đột phá ngoại giao khiến thế giới ngỡ ngàng. Điển hình nhất là tuyên bố lịch sử vào cuối năm 2014 của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba, tuyên bố nối lại, bình thường hóa ngoại giao sau hơn nửa thế kỷ căng thẳng và xung đột. Mỹ cũng đóng một vai trò phải nói là khá tích cực và thậm chí rất quan trọng trong việc đạt được thỏa ước về hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran. Và kết quả là có một thỏa ước giữa Iran với nhóm P5+1, mang lại cho thế giới niềm tin về việc những ý chí chính trị tỉnh táo có thể giải quyết được những hồ sơ gai góc trong đời sống quốc tế.
Mỹ cũng không hăng hái đi đầu trong các cuộc chiến, các cuộc xung đột như ở Libya, Syria và nhiều điểm nóng khác, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ hoàn toàn mất đi vai trò của một siêu cường số 1 thế giới, mà nước Mỹ trong năm 2015, ở nơi này nơi khác, vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế.
Cùng với chiều hướng như vậy của Mỹ, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, một nước Nga đã vượt ra khỏi những khó khăn về kinh tế. Do một thời gian dài hưởng lợi từ giá dầu tăng cao trên thị trường quốc tế, nước Nga đã có một tiềm lực kinh tế tương đối vững vàng và vượt ra được khỏi những thách thức về kinh tế.
Và nước Nga 2015 đã thể hiện là một trong những bước quyết đoán và gây kinh ngạc cho thế giới với việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Syria, với những chiến dịch không kích, phóng tên lửa vào các mục tiêu IS bắt đầu từ năm 2015. Nó cho thấy nước Nga dưới chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin không còn là một nước Nga yếu kém và dễ bị tổn thương như sau thời kỳ Liên Xô, và dần chiếm lại được vị trí siêu cường trên thế giới, tuy rằng vấn đề Crưm, khủng hoảng Ukraina nên nước Nga bị Mỹ và phương Tây liên tục bao vây và sử dụng các biện pháp trừng phạt gây suy yếu cho Liên bang Nga. Và trong suốt năm 2015, nước Nga phải đối mặt với một thực trạng, một thực tế cực kỳ nan giải, đó là tình trạng giá dầu trên thế giới suy giảm đáng kể, khiến cho nền kinh tế Nga vốn dựa khá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ đã phải chịu đòn đánh nặng nề, cùng với hậu quả của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Và ở đây cũng không thể không đề cập đến vai trò của một siêu cường thứ 3, đó là Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng không hài lòng với vị trí của một siêu cường khu vực, và trong năm đã có nhiều biểu hiện rằng Trung Quốc muốn đóng một vai trò lớn hơn, trở thành một siêu cường ở phạm vi toàn cầu.
Nhà báo Ngân Phương: Vậy theo ông, trong năm tới, sự vận động giữa các cường quốc lớn trên thế giới sẽ theo chiều hướng như thế nào?
Nhà báo Yên Ba: Chắc chắn năm 2016 nước Mỹ sẽ bận rộn với cuộc bầu cử, do đó các vấn đề đối ngoại sẽ được đặt ở vị trí thứ yếu. Họ sẽ hướng chủ yếu vào các vấn đề đối nội với một cuộc bầu cử, thực ra là cuộc chạy đua để dẫn tới cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm 2016. Do vậy tôi nghĩ là các vấn đề đối ngoại sẽ được đặt vào vị trí thứ yếu so với các vấn đề trong nước.
Liên bang Nga sẽ còn phải đối mặt với thực tế giá dầu mỏ tiếp tục giảm. Cho đến nay, nhiều lần giá dầu trên thị trường thế giới phá đáy nhưng tôi nghĩ đây vẫn chưa phải là mức thấp nhất, mà sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2016.
Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn trong các bước đi của họ để thực hiện tham vọng trở thành một siêu cường ở phạm vi toàn cầu.
Nhà báo Ngân Phương: Như ông vừa đề cập, năm 2016 nước Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống. Vậy ông có thể dự đoán ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ và quan hệ quốc tế sau khi nước Mỹ có tổng thống mới sẽ thay đổi như thế nào?
Nhà báo Yên Ba: Dự đoán ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016 trước thời điểm diễn ra bầu cử một năm thì cũng rủi ro không kém gì việc dự đoán đội bóng nào sẽ vô địch thế giới năm 2018. Có nghĩa là chúng ta rất khó có thể đưa ra được một cái tên có thể xác quyết trở thành Tổng thống sau Barack Obama. Chúng ta chỉ có thể đưa ra các lựa chọn.
Rõ ràng cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ còn phải trải qua rất nhiều vòng đấu và cuộc đua trong nội bộ hai đảng này trước đã, rồi sau đó mới là cuộc đua chính thức giữa hai ứng cử viên của hai đảng.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta thấy nổi lên là ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa, hai ứng viên được cho là có nhiều sự ủng hộ nhất. Nhưng từ giờ cho đến cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng cũng như cuộc bầu cử chung kết thì còn quá nhiều tham số để đưa ra lựa chọn ai có thể sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Chúng ta chỉ có thể phân tích được rằng, khả năng bà Hillary có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là ưu điểm về chính sách đối ngoại, một người đã lăn lộn trên chính trường và có nhiều năm làm Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama thì rõ ràng bà Hillary Clinton là người rất có lợi thế.
Trong khi đó, tỷ phú Donald Trump thì rõ ràng, nhìn ở đây như một người có các ý kiến phải nói là khá lạ, khá khác biệt, thậm chí gây tranh cãi. Điển hình nhất là tuyên bố của ông này về vấn đề người Hồi giáo ở Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ sau hai kỳ Tổng thống là người của Đảng Dân chủ thì tôi tin rằng, cũng như ở bất kỳ chính trường nào, họ đều mong muốn có một sự thay đổi. Đó cũng có thể là một lợi thế của Donald Trump hoặc một ứng viên nào đó của Đảng Cộng hòa, không loại trừ. Do đó, hiện tại chúng ta mới chỉ nhìn nhận đó là các ứng viên tiềm tàng cho chức vụ Tổng thống.
Nhà báo Ngân Phương: Thế còn với Trung Quốc, ông hình dung thế nào về sự phát triển và những bước đi của cường quốc này trong năm tới?
Nhà báo Yên Ba: Như tôi đã nói lúc trước thì Trung Quốc không hài lòng với vị thế, với chính sách náu mình chờ thời của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, kiên quyết không tiến lên hàng đầu. Mà giờ đây Trung Quốc có lẽ đã muốn tiến lên hàng đầu trong một số vấn đề an ninh của khu vực và thế giới.
Tôi nghĩ rằng, vấn đề đặt ra ở đây là những bước đi của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào con mắt nhìn của thế giới. Thế giới sẽ chăm chú nhìn một Trung Quốc sẽ trỗi dậy trong hòa bình như cách họ thường tuyên bố, hay là một Trung Quốc hung hăng, gây hấn và có thể tiến hành những hành động gây quan ngại cho các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông hay Biển Đông.
Do đó, những bước tiến, những bước đi của Trung Quốc có thể đi xa đến đâu phụ thuộc không chỉ vào tiềm lực, tham vọng của Trung Quốc mà còn phụ thuộc vào cách nhìn, sức ép của thế giới nhìn vào Trung Quốc với tư cách là một cường quốc và họ có trách nhiệm hay không trong việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới cũng như là việc họ có thể tiến hành một sự trỗi dậy hòa bình, và làm sao cho giấc mộng Trung Hoa như cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường tuyên bố không biến thành ác mộng của các nước láng giềng. Đó mới là điều quan trọng.
Nhà báo Ngân Phương: Trong năm vừa qua, sự tham chiến của Nga vào cuộc chiến chống IS ở Syria đóng vai trò quyết định. Vậy theo ông, trong năm tới, cuộc chiến chống IS có đạt được bước tiến?
Nhà báo Yên Ba: Tôi nghĩ chắc chắn có những bước biến chuyển. Còn quan niệm đó có là bước tiến hay không thì tùy theo góc nhìn của người quan sát.
Trong năm vừa qua, sự tham chiến của Nga vào cuộc chiến chống IS ở Syria đóng vai trò khá quyết định. Thế giới đã nhìn nhận đây là một mối đe dọa lớn nhất không chỉ với Trung Đông mà còn với toàn cầu. Và việc Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các đường tiếp vận, dầu mỏ, các cơ sở hậu cần của IS cho thấy một phương thức hiệu quả để đánh vào tổ chức khủng bố này. Chúng ta cần phân biệt rõ, IS như nhiều người quan niệm đây chỉ là một nhóm khủng bố tiến hành các cuộc chiến tranh du kích, nhưng thực tế là tổ chức này đã tiến hành các hoạt động khủng bố ở Paris, hoặc các tổ chức khủng bố khác được gây cảm hứng từ IS cũng tiến hành các cuộc khủng bố độc lập, ví dụ như các cuộc tấn công trong năm vừa qua ở Mali, Kenya.
Tuy nhiên, tôi tin rằng IS trong năm 2016 sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn lớn hơn nữa so với năm 2015. Tôi tin rằng trọng điểm của các hoạt động chống IS không chỉ giới hạn ở việc tấn công không kích các mục tiêu của IS trên mặt đất, nhằm vào các chỉ huy đầu não. Và một trong phương hướng mà tôi nghĩ chủ đạo trong thời gian tới nhằm vào IS chính là nhằm vào nguồn tài chính của IS thì mới có thể đánh một đòn chí mạng vào các nguồn cung cấp giúp tổ chức này hoạt động.
Nhà báo Ngân Phương: Xin cảm ơn nhà báo Yên Ba về cuộc trao đổi rất thú vị. Xin cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình Góc Nhìn Thẳng số tiếp theo.
- VietNamNet