- Tòa án trung cấp thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy miền đông Trung Quốc hôm qua (20/8) đã tuyên án tử hình đối với bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai vì tội sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood.

Tin nổi bật

Bà Cốc Khai Lai tại tòa án tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)


Bà Cốc Khai Lai tại tòa án tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)

“Tòa án quyết định bị cáo Cốc Khai Lai phạm tội giết người và tuyên án tử hình. Bản án được hoãn thi hành trong hai năm, tất cả các quyền chính trị của bị cáo bị thu hồi cho đến hết đời," Phó chánh án Tòa Hợp Phì Tang Yigan phát biểu trước báo giới.

Điều này đồng nghĩa với việc bà Cốc có thể chỉ phải chịu án chung thân thậm chí ngồi tù 15 năm nếu không phạm thêm tội gì trong vòng hai năm tới.

Tuy nhiên, một số cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng đối với bản án dành cho phu nhân cựu bí thư Trùng Khánh.

"Tôi có một câu hỏi về mặt pháp lý: Liệu án tử hình hoãn thi hành có thể trở thành án chung thân nếu biểu hiện tốt trong quá trình bị giam không? Và nếu cải tạo tốt, án chung thân có thể giảm xuống còn tại ngoại hoặc được tha hay không?" Hong Huang, một blogger với hơn 5 triệu người theo dõi, tỏ ý nghi ngờ.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vào hôm 9/8, bà Cốc Khai Lai đã thừa nhận hành vi giết hại Neil Heywood với mục đích bảo vệ cậu con trai duy nhất Bạc Qua Qua trước những lời đe dọa của thương nhân người Anh này.

Neil Heywood từng là bạn bè thân thiết của gia đình Bạc Hy Lai sau khi giúp xúc tiến đầu tư cho thành phố Đại Liên, phía bắc Trung Quốc khi ông Bạc là thị trưởng.

Theo lời khai của bà Cốc, Neil Heywood đã bị dụ tới khách sạn Lucky Holiday ở quận Nam Ngạn, thành phố Trùng Khánh. Hôm đó, bà Cốc cùng người quản gia Trương Hiểu Quân đã chuẩn bị sẵn một lọ thuốc độc cyanide và lén đổ vào miệng Neil khi ông này đã say mèm.

Với tội danh đồng lõa, Trương Hiểu Quân bị tuyên án 9 năm tù, trong khi đó bốn cảnh sát Trùng Khánh đã tìm cách che chắn cho bà Cốc khỏi cuộc điều tra vụ đầu độc ông Heywood cũng bị kết án từ 5-11 năm tù.

Tin đọc 30 giây

- Cơ quan Đăng ký và giám sát báo chí Myanmar (PRSD) ngày 20-8 tuyên bố bãi bỏ việc kiểm duyệt trực tiếp truyền thông, vốn được bắt đầu từ ngày 6/8/1964. Đây là hành động mới nhất trong hàng loạt biện pháp cải cách ở Myanmar gần đây.

- Hơn 30.000 binh sĩ Mỹ của hai căn cứ quân sự đóng tại Hàn Quốc và khoảng 3.000 binh sĩ từ nước ngoài đã tham gia cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Người Bảo vệ tự do Ulchi“ dự kiến kéo dài tới ngày 31/8 nhằm kiểm nghiệm khả năng phòng thủ trước Triều Tiên

- Hãng tin Kyodo cho biết hàng ngàn người tại các tỉnh, thành của Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Đông, Chiết Giang... đã xuống đường biểu tình và tuần hành phản đối Nhật Bản sau khi Tokyo bắt giữ và trục xuất 14 công dân nước này vì đã đặt chân lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

- Theo The Times of India ngày 20/8, Ấn Độ sẽ bỏ ra khoảng 35 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để mua loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có khả năng tàng hình của Nga.

- Thượng nghị sỹ Park Geun Hye, con gái của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành ứng cử viên của đảng Saenuri cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới.

- Ngoại trưởng Nga Ghennady Gatilov đã lên tiếng chỉ trích phương Tây cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria thông qua các nước thứ ba, trong đó có Lebanon, Libya, Qatar và Arập Xêút.

- Một vụ bạo động xảy ra tại nhà tù Yare I, phía nam thủ đô Caracas, Venezuela đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.

Thông tin qua ảnh



Một đội bay nhào lộn trên không trình diễn trước mái vòm của tòa nhà quốc hội trong một chương trình kỷ niệm Ngày lễ St Stephen (20/8) tại Budapest, Hungary. (Ảnh: Zsolt Szigetvary / EPA)

Phát ngôn ấn tượng

Ông Osamu Fujimura (Ảnh: (The Asahi Shimbun)

"Cả hai nước đều không muốn vấn đề Senkaku làm ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương. Quan hệ Trung-Nhật là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Nhật Bản và Trung Quốc đóng vai trò không thể thiếu cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương," Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura phát biểu tại một cuộc họp báo.

Ngày này năm xưa


Vào lúc 7 giờ tối ngày 20/8/1911, văn phòng của Thời báo New York đã gửi bức điện tín đầu tiên đi khắp thế giới thông qua cáp điện báo. Sau khi bức điện tín di chuyển được 44.800km, được chuyển tiếp bởi 16 nhà khai thác khác nhau, qua San Francisco, Philippines, Hồng Kông, Sài Gòn, Singapore, Bombay, Malta, Lisbon và Azores, Thời báo New York đã nhận được tín hiệu trả lời 16,5 phút sau đó. Đó là thời gian nhận nhanh nhất thông qua cáp điện báo kể từ khi hệ thống cáp Thái Bình Dương đi vào hoạt động từ năm 1900.

  • Sầm Hoa (tổng hợp)