- Sau Trung Quốc đại lục, đến lượt vùng lãnh thổ Đài Loan phản đối Nhật Bản đặt tên cho các đảo gần khu vực tranh chấp; Nhiều người Nga tin vào khả năng chiến thắng của ông Putin... là những tin nóng trong 24 giờ qua.

Nổi bật trong ngày

Hôm qua (31/1), Đài Loan đã phản đối việc Nhật Bản đặt tên cho 39 hòn đảo nằm gần quần đảo tranh chấp Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở vùng biển Hoa Đông.

Quan chức Đài Loan, ông Hoàng Minh Lãng, nói rằng, "chúng tôi hy vọng Chính phủ Nhật Bản sẽ kiềm chế, tránh gây ra xáo trộn cho quan hệ đang tốt đẹp hiện nay giữa hai bên".

Một ngày trước, hôm 30/1, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ Nhật Bản tiến hành đặt tên cho các đảo không người ở trên, để làm cơ sở xác định vùng đặc quyền kinh tế.

Vị trí quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. (Ảnh: Envoy Media)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân khẳng định, việc Nhật Bản đặt tên cho các hòn đảo gần quần đảo tranh chấp Senkaku hay Điếu Ngư là vi phạm pháp luật.

Ông Lưu Vi Dân cho biết, Điếu Ngư là một bộ phận của Trung Quốc và nước này có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Điếu Ngư cũng như các đảo nằm lân cận đó.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này có 99 đảo xa được sử dụng để làm cơ sở xác định vùng đặc quyền kinh tế, trong số này có tới 50 đảo hiện chưa được đặt tên.

Chính vì vậy, kể từ tháng 5/2011, Nhật Bản đã tiến hành đặt tên cho 10 đảo và hiện đặt tên tiếp cho 39 đảo còn lại. Trong số những đảo mới có tên, một số gần vùng tranh chấp.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ chính thức thông qua tên gọi cho các hòn đảo này và ghi tên chúng lên hệ thống bản đồ cũng như hải đồ của nước này từ tháng 3 năm nay.

Quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư nằm cách hòn đảo Ishigakijima thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản khoảng 150km về phía đông bắc và cách vùng lãnh thổ Đài Loan 185,2km.

Nhật đang kiểm soát Senkaku, song Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, bởi xung quanh khu vực này là những ngư trường dồi dào và mỏ khí thiên nhiên đầy hứa hẹn.

Tin đọc 30 giây

- Hôm qua, tàu chống tàu ngầm Đô đốc Pantelley, tàu chở dầu Boris Butoma và tàu cứu hộ Fotiv Krylov, đều của Nga đã cập cảng Manila của Philippines.

- Hàn Quốc đã mời thầu cung cấp máy bay chiến đấu trị giá 7,39 tỉ USD cho đến năm 2021, nhằm sẵn sàng ứng phó với biến động trên bán đảo Triều Tiên.

- 65% số người được hỏi tin chắc ông Putin sẽ đắc cử Tổng thống Nga ngay ở vòng 1, theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang.

- Tổng thống Myanmar Thein Sein ngày hôm qua đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, nước này đang cố gắng có được vũ khí hạt nhân từ phía Triều Tiên.

- Phát ngôn viên tòa án do Liên hợp quốc hậu thuẫn xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia cho biết cơ quan này đã cạn tiền để trả lương cho hàng trăm nhân viên.

- Giới chức quốc phòng Mỹ - Nhật - Hàn đã nhận định rằng, chế độ hiện nay ở Triều Tiên “ổn định” dưới sự cầm quyền của nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un.

- Chính quyền khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương sẽ tuyển dụng 8.000 cảnh sát và điều động số cảnh sát này xuống các làng để tăng cường an ninh khu vực.

- 7 quan chức của các nhà máy hóa chất Trung Quốc đã bị bắt vì bị cáo buộc xả chất thải gây ung thư ra sông, đe dọa đến môi trường và sức khỏe người dân.

- Hai tàu chiến của hải quân Mỹ, gồm tàu ngầm hạt nhân USS Annapolis và tàu khu trục USS Momsen đã băng qua kênh đào Suez vào biển Đỏ hôm 30/1.

- Bộ Ngoại giao Nga cho biết nhà cầm quyền ở Syria đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức tại Moscow với các đại diện của phe đối lập.

- Trong khi đó, lực lượng an ninh Syria đang cố đưa gia đình Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm cả người vợ sinh tại Anh và các con, ra khỏi đất nước.

- Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, tiến trình đàm phán sáu bên bàn về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có khả năng được nối lại vào nửa đầu năm nay.

- Ngày hôm qua (31/1), một đoàn dài gồm rất nhiều những chiếc xe tải chất đầy gạo viện trợ từ Trung Quốc đã tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

- Tuyết rơi dày khắp khu vực Trung và Đông Âu trong những ngày qua đã khiến ít nhất 36 người thiệt mạng, nhiều thị trấn bị cắt điện và giao thông hỗn loạn.

Thông tin trong ảnh

Những chú bé người Pakistan đang chơi ném bóng tuyết trên một công viên bị tuyết phủ kín. (Ảnh: THX)

Vùng Quetta, phía tây nam của Pakistan, đang phải trải qua một mùa đông lạnh giá, với tuyết rơi dày làm trắng xóa khắp nơi.

Phát ngôn ấn tượng

Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad tại Jerjenaz, Syria. (Ảnh: Reuters)

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói, việc thúc đẩy thông qua dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria do Liên đoàn Arập và phương Tây đưa ra là "con đường dẫn tới nội chiến".

Ngày này năm ấy

Ngày 1/2/1946, chính trị gia người Na Uy Trygve Halvdan Lie được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của tổ chức Liên hợp quốc.

Thanh Vân (Tổng hợp)