- Philippines không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; Trung, Nhật, Hàn ra tuyên bố chung nhưng không nhắc tới tham vọng hạt nhân của Triều Tiên... là những tin nóng trong ngày.

Nổi bật trong ngày


Hôm qua (14/5), Philippines đã tuyên bố một cách cứng rắn rằng, nước này sẽ không công nhận lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông do chính quyền Trung Quốc đưa ra một ngày trước đó.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bác lệnh cấm hoạt động đánh bắt cá của Bắc Kinh trong vòng hai tháng rưỡi bắt đầu từ 16/5 ở các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. (Ảnh: Getty)

Ông cho biết, đây là sự xâm phạm chủ quyền của Philippines. “Philippines không công nhận lệnh cấm đánh cá vì đó là sự xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines", ông Del Rosario nói.

“Philippines sẽ thực hiện quyền hợp pháp, đặc quyền của mình trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển", Ngoại trưởng Philippines nói thêm.

Trước đó, hôm 13/5, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc sắp áp lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 16/5, bao gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).

Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra đúng thời điểm nước này và Philippines đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền khu vực bãi cạn Scarborough.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ tiến hành tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được của người vi phạm lệnh cấm này. Ngư dân Trung Quốc nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền và rút giấy phép đánh cá.

Thông tin về lệnh cấm còn nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc là "lặp lại lệnh cấm đánh cá mùa hè được công bố hàng năm kể từ 1999 ở những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền".

Tin vắn đọc nhanh

- Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đến Myanmar, bắt đầu chuyến thăm hai ngày mang tính bước ngoặt tới quốc gia Đông Nam Á này.

- Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 14/5 đã bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên trong vòng ba tháng qua giữa hai bên.

- Giao tranh dữ dội giữa quân đội Syria và phiến quân có vũ trang tại Rastan, thuộc tỉnh Homs, đã làm ít nhất 23 binh sỹ nước này bị thiệt mạng.

- Lầu Năm Góc có kế hoạch thay hầu hết hạm đội máy bay chiến đấu của không quân, hải quân và thủy quân lục chiến bằng loại máy bay F-35.

- Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ không tham dự Hội nghị APEC được coi là phản ứng lại việc Tổng thống Putin không tham dự Hội nghị G8.

- Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ra tuyên bố chung gồm 50 điều, nhưng không nhắc đến sự tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

- Thủ tướng Italy Mario Monti tuyên bố có thể dùng quân đội để đối phó với biểu tình bạo lực trong nước chống chính sách kinh tế của chính phủ.

- Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định kế hoạch của Mỹ tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược tại Hàn Quốc là thiếu tính khả thi, đài KBS cho hay.

- Lãnh đạo Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) họp hôm 14/5 đã thảo luận lập liên minh giống mô hình Liên minh châu Âu với 6 nước thành viên.

- Chính phủ Nhật Bản chấp nhận việc tăng giá máy bay chiến đấu tối tân F-35 mà nước này chọn mua làm máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ mới.

- Giới chức hải quân Hàn Quốc cho hay nước này và Australia đã nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung hải quân thường xuyên kể từ năm nay.

- Từ 15/5, Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử, giúp nhà chức trách nước này tăng cường hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Bức ảnh trong ngày

Người dân lội trong làn nước đầy tro và mảnh vụn ngập đến cổ cố vớt tài sản. (Ảnh: Getty)

Hôm 11/5, một vụ hỏa hoạn kinh hoảng đã xảy ra ở khu ổ chuột Tondo, ngoại ô Manila (Philippines). Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm bơi trong làn nước đầy tro đen ngòm để cứu vớt số tài sản còn lại.

Tuyên bố ấn tượng

Ông Saeed Jalili. (Ảnh: AP)

Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Saeed Jalili hôm 13/5 tuyên bố Tehran sẽ không lùi bước trước áp lực của phương Tây với chương trình hạt nhân của nước này.

Theo truyền thông Iran, ông Jalili đã lên tiếng cảnh báo các cường quốc phương Tây không được gây sức ép lên Iran, khi cho rằng "thời của chiến lược gây sức ép đã kết thúc".

Ngày này năm xưa

Ngày 15/5/1943, Quốc tế Cộng sản tuyên bố tự giải tán sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Ngày 8/6/1943, hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra nghị quyết từ 10/6/1943, tất cả các hoạt động của Quốc tế Cộng sản kết thúc.

Thanh Vân (Tổng hợp)