Hàn Quốc nghi ngờ Triều Tiên sẵn sàng thử hạt nhân lần thứ tư; Lòng tin của người Philippines đối với Trung Quốc đã xấu đi kể từ năm 2012... là những tin đáng chú ý.

Nổi bật

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời bộ trưởng quốc phòng nước này hôm 10/2 cho biết, Triều Tiên có vẻ sẵn sàng tiến hành thử hạt nhân lần 4, song không có dấu hiệu cho thấy vụ thử được tiến hành ngay lập tức.

Theo lời ông Kim Kwan-jin, Bình Nhưỡng vừa chuẩn bị cho một cuộc thử hạt nhân dưới lòng đất tại bãi Punggye-ri, và có những bước ban đầu cho một vụ phóng tên lửa tại bãi thử ở Tongchang-ri, tây bắc Triều Tiên.

{keywords}
Binh sỹ Mỹ, Hàn trong một cuộc tập trận. (Ảnh: News)

"Vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa phụ thuộc vào quyết định của giới lãnh đạo Triều Tiên. Như từng thấy trong quá khứ vụ thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân có liên hệ với nhau", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Phát biểu trong phiên chất vấn trước quốc hội nước này, ông Kim Kwan-jin khẳng định, "chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ động thái của quân đội triều Tiên, nhằm chuẩn bị chống lại bất kỳ một hành động gây hấn nào".

Trong một diễn biến khác, hôm 10/2, bộ chỉ huy quân đội của Hàn Quốc và Mỹ chính thức phê duyệt kế hoạch tiến hành hai cuộc tập trận chung thường niên, bao gồm tập trận "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non".

Đáng chú ý là, thông báo về các cuộc tập trận nói trên được công bố đúng vào thời điểm Hàn Quốc, Triều Tiên đang đàm phán sắp xếp cuộc đoàn tụ của các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trước đó, Triều Tiên liên tục kêu gọi, Seoul và Washington hủy các cuộc tập trận diễn ra trong năm nay, đồng thời cảnh báo đáp trả mang tính hủy diệt, nếu hai nước đồng minh này tiếp tục xúc tiến việc tập trận chung.

Tin vắn

- Bộ Ngoại giao Philippines công bố kết quả khảo sát của Cơ quan Thăm dò dư luận các vấn đề xã hội cho thấy, lòng tin của người Philippines đối với Trung Quốc đã xấu đi từ 2012.

- Dự kiến trong chuyến công du từ ngày 13 đến 18/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

- Với tỷ lệ 50,3%, cử tri Thụy Sỹ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã đồng tình với đề nghị của đảng SVP, hạn chế số công dân các nước Liên minh châu Âu di cư sang nước này.

- Báo chí Thụy Sỹ hôm 10/2 lên tiếng cảnh báo rằng, cuộc bỏ phiếu nhằm hạn chế người nhập cư là “cú đánh vào chính phủ liên bang”, khiến cho nước này bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

- Một nguồn tin từ Cơ quan Điều tra đặc biệt Thái Lan cho biết rằng, một trong những thủ lĩnh của lực lượng biểu tình chống chính phủ, là Sonthiyan Chuenruthainaitham, đã bị bắt giữ.

- Tính đến 10/2, bạo lực ở thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi giữa những người theo đạo Kito và Hồi giáo, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người, trong đó có một nhà lập pháp.

- Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đạt được thỏa thuận hợp tác về 7 điểm trong lĩnh vực hạt nhân, và những biện pháp này sẽ được áp dụng từ nay tới 15/5.

- Ngày 10/2, đoàn biểu tình đông đảo của nông dân Thái Lan đã tới bộ quốc phòng, đòi gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra để đòi nợ tiền gạo 110 tỷ Baht theo chương trình trợ giá.

- Chánh án Tòa án Tối cao tại Tây Ban Nha Ismael Moreno ngày 10/2 đã tìm kiếm lệnh bắt giữ quốc tế đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng.

- Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 10/1 đề cập đến sự cần thiết của việc ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Trung Quốc nhằm tăng cường lòng tin giữa hai nước.

Tin ảnh

{keywords}
Tuyết trắng xóa tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Phát ngôn

Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương hôm 10/2 đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines cần nỗ lực xoa dịu căng thẳng.

Theo tướng Herbert J. Carlisle, "việc hạ nhiệt căng thẳng phải được thực hiện từ tất cả các bên, trách nhiệm không thể thuộc về một nước được".

Sự kiện

Ông Hosni Mubarak trở thành Tổng thống Ai Cập từ ngày 6/10/1981. Đến ngày 11/2/2011, dưới sức ép của người biểu tình, ông phải từ chức sau gần 30 năm cầm quyền.

Thanh Vân (tổng hợp)