Trong đại hội đồng cổ đông công ty mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động không giấu ý định mở chuỗi mới nhằm bảo đảm đà tăng trưởng của tập đoàn.
Thời gian tới, Bách hoá Xanh vẫn là động lực tăng trưởng chính. Riêng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh sau khi chiếm phân nửa thị trường trong nước đang có ý định mở thêm sang nước khác (ngoài Campuchia).
“Năm năm tới thì biết đâu sẽ có chuỗi mới ra đời”, nhà đồng sáng lập chuỗi Thế Giới Di Động nói.
Hàng gia dụng bên trong siêu thị Điện máy Xanh. (Ảnh: Hải Đăng) |
Dự định này dường như đã được trao đổi trong nội bộ ban lãnh đạo tập đoàn bán lẻ công nghệ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Vì trong các cuộc nói chuyện gần đây, bên cạnh việc mở rộng ngành hàng, mở rộng chuỗi, mở rộng thị trường khu vực, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh - thường để ngỏ khả năng mở một thứ gì đó mới, miễn nó vẫn trong lĩnh vực bán lẻ.
Theo chu kỳ, đây đang là thời điểm Thế Giới Di Động sẽ có gì đó mới hoàn toàn. Các cửa hàng di động đầu tiên của công ty thành lập năm 2004, đến năm 2010 mở thêm Điện máy Xanh. Năm 2015 mở Bách hoá Xanh. Những mô hình lớn và mới mẻ của tập đoàn này nằm trong chu kỳ 5-6 năm.
Riêng chuỗi nhà thuốc An Khang được mua lại và đổi tên năm 2018, vẫn là một mảng nhỏ chưa được chú ý tới trong các báo cáo kinh doanh.
Trên thực tế, Thế Giới Di Động đang bận bịu với 3 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển Bách hoá Xanh, mở rộng Điện máy Xanh ra nước ngoài, đẩy mạnh kênh online. Do bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các nhiệm vụ trọng tâm này bị ảnh hưởng, vì thế việc mở thêm một chuỗi mới có thể giúp giữ đà tăng trưởng cho tập đoàn trong dài hạn.
Dịch Covid-19 khiến nhiều nước trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội, di chuyển giữa các quốc gia gặp khó khăn, ngành bán lẻ bị ảnh hưởng, do đó kế hoạch mở rộng thị trường nước ngoài của Thế Giới Di Động bị ảnh hưởng.
Ngay tại Campuchia, chuỗi Bluetronics nhiều lần phải đóng cửa tạm thời để phòng dịch. Tới thời điểm này tổng số cửa hàng đạt 51, với doanh thu hàng năm đạt 5,5 triệu USD. Kinh nghiệm hoạt động tại quốc gia này đã đủ để Thế Giới Di Động tự tin nhảy sang nước khác trong ASEAN.
“Xin phép đầu tư ra nước ngoài, rồi nhận giấy phép đầu tư ở nước sở tại mất khoảng 1 năm”, ông Hiểu Em nói với ICTnews. Do đó, ngay từ thời điểm này phía Thế Giới Di Động đã thực hiện các thủ tục, để ngay khi hết dịch có thể mở rộng ra quốc gia khác.
Trong đại hội cổ đông mới đây, Indonesia được nhắc đến như một quốc gia tiềm năng mà chuỗi do ông Hiểu Em dẫn đầu sẽ nhắm đến.
Mảng quan trọng thứ hai đang được xây dựng là thương mại điện tử. Website Thế Giới Di Động mới đây đã được thiết kế lại, nhằm tối ưu hoá cho bán hàng online.
Hiện tại, mảng bán hàng trực tuyến của hai chuỗi công nghệ chiếm khoảng 9% tổng doanh thu, trong khi hàng tiêu dùng đạt 3%. Với đặc thù hàng hoá giá trị cao, tổng doanh thu online năm 2020 của Thế Giới Di Động đạt hơn 9.000 tỷ đồng, dẫn đầu toàn ngành thương mại điện tử tại Việt Nam (theo công bố của công ty). Website Thế Giới Di Động cũng nằm trong top 5 trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam.
Với những cơ sở này, ông Tài tuyên bố sẽ giành vị trí số 1 ở mảng online, song ông không nói rõ có mở rộng các ngành hàng khác bên cạnh hai mặt hàng công nghệ và hàng tiêu dùng nhanh hiện có hay không.
Chuỗi Bách hoá Xanh giờ mới mở tới Khánh Hoà, với hơn 1.800 cửa hàng, trong khi đối thủ VinMart+ (và VinMart) đã có mặt trên toàn quốc với hơn 2.500 cửa hàng.
Như vậy, trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tập đoàn này, mảng Bách hoá Xanh và online có thể dồn lực phát triển, ít phụ thuộc dịch bệnh. Riêng chuỗi điện máy muốn mở ra Đông Nam Á phải tuỳ tình hình dịch bệnh có kiểm soát được hay không.
Nếu phải phát triển cùng lúc ba mũi nhọn nói trên, khả năng mở chuỗi mới của Thế Giới Di Động khó diễn ra trong ngắn hạn, dù đã tới đúng mốc chu kỳ 5 năm. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó một trong ba hướng kinh doanh chủ đạo kia ngưng lại, chẳng hạn việc mở ra nước ngoài, thì khả năng tập đoàn này có thể tính phương án mở chuỗi mới để giữ mức doanh thu tăng hàng năm.
Hải Đăng
Chủ tịch Thế Giới Di Động: "Sẽ lấy lại ngành bán lẻ về cho Việt Nam trong 5-7 năm tới"
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động khẳng định sẽ lấy lại ngành bán lẻ về cho Việt Nam trong 5-7 năm tới, không để rơi vào tay đối thủ ngoại.