SEA Games 31: Ngôi số 1 và chiến thắng của các môn Olympic

Kết thúc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, vượt chỉ tiêu đề ra (140 HCV); đồng thời phá vỡ kỷ lục nhiều HCV nhất trong một kỳ Đại hội mà Indonesia lập được năm 1997 (194 HCV). 

Đây là kỳ SEA Games khó khăn nhất trong lịch sử. Năm 2021, Việt Nam phải hoãn tổ chức Đại hội vì dịch bệnh. Nhưng khi giải thể thao số 1 khu vực diễn ra, chúng ta đã mang tới một kỳ Đại hội với nhiều ấn tượng về mọi mặt.

Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31

Về chuyên môn, TTVN để lại dấu ấn lớn khi cả hai đội bóng đá nam nữ đều đăng quang, cùng với đó là sự lên ngôi của nhiều môn Olympic. Đáng chú ý, quần vợt lần đầu tiên có chức vô địch đơn nam sau hơn nửa thế kỷ, điền kinh tiếp tục qua mặt cường quốc Thái Lan để nắm giữ vị trí số 1 khu vực, bơi có kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi Á quân khu vực, chỉ sau Singapore...

Theo thống kê, TTVN tại SEA Games 31 giành tổng cộng 119 HCV ở 17 bộ môn sẽ có mặt tại Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số HCV của cả đoàn. Đây chính là sự khẳng định TTVN đã và đang đi đúng hướng, có sự đầu tư cho các môn cơ bản của Olympic thay vì chạy theo thành tích ở các môn thể thao khu vực.

Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn, dù có 205 HCV nhưng TTVN vẫn phải nhìn nhận một cách thực tế rằng  không phải tấm HCV nào cũng vươn lên tầm châu Á và thế giới, đặc biệt là Olympic.

Chiến thắng của các môn Olympic

"Chúng ta không ngủ quên trên chiến thắng khi có số lượng huy chương lớn, mà cần phải biết rằng trình độ thể thao của nước ta rất thấp so với châu lục, cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể thi đấu và giành HCV ở những sân chơi như Asiad và Olympic", ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT), cho biết.

Bên cạnh những dấu ấn về chuyên môn, Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31 cũng để lại ấn tượng mạnh với bạn bè khu vực. Các địa điểm thi đấu đều chật kín khán giả, ngay cả với những môn không có chủ nhà. Trong khi đó, công tác tiếp đón các đoàn, khách sạn, y tế, an ninh... đều được Việt Nam làm rất tốt.

Nốt trầm doping

SEA Games 31 sẽ thành công trọn vẹn nếu như TTVN không có 5 trường hợp dính doping ở môn điền kinh. Việc các VĐV sử dụng chất cấm (vô tình hay cố tình) cũng đều bị tước huy chương và cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Điều quan trọng là việc các VĐV dính doping để lại hình ảnh xấu với mỗi nền thể thao.

Ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, cá nhân mình và ngành thể thao bị "sốc" khi có VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31. 

“Liên đoàn và bộ môn điền kinh đã có giải trình trong phiên điều trần. Đây là cảnh báo cho chúng ta trong việc sử dụng thực phẩm bổ sung cho VĐV thể thao”, ông Đặng Hà Việt nói.

Sự cố doping là bài học lớn cho thể thao Việt Nam

Trong khi đó, ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 31, chia sẻ: “Tôi dẫn đoàn TTVN đi thi đấu quốc tế 9 lần, không lần nào có VĐV dương tính với doping. Nhưng lần này SEA Games trên sân nhà lại có VĐV dương tính là điều đáng tiếc.

Trong số những VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31 có những VĐV hàng đầu, trọng điểm đầu tư cho Asiad. Đại hội thể thao quốc tế nào cũng có doping cả, từ Olympic, Asiad đến SEA Games. Trong những năm gần đây thể thao Việt Nam đã tìm nhiều giải pháp phòng, chống doping, dù vậy, chúng ta gặp nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí".