Toàn bộ 1,1 triệu viên thuốc Molnupiravir lần này đã được công ty DB bàn giao cho 17 tỉnh thành: Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hà Nội, Đăk Lăk.
Với hiệu quả đã được chứng minh trên thực tế, công ty DB kỳ vọng số thuốc này sẽ góp phần vào việc chữa trị cho lượng lớn bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng tại 17 tỉnh thành.
Đầu tháng 10 vừa qua, công ty DB đã tài trợ 1 triệu viên thuốc Molnupiravir và bàn giao cho 10 tỉnh, thành phố trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế. Như vậy đến nay, tổng số thuốc Molnupiravir công ty DB đã tài trợ cho chương trình lên tới hơn 2 triệu viên.
Trước đó, công ty DB cũng trao tặng hàng trăm nghìn lọ thuốc Remdesivir (điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thể nặng) cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như: TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hoà, Phú Yên, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội…
Ngoài số thuốc nói trên, đại diện công ty DB cho biết đang nỗ lực để tìm kiếm mua hoặc tài trợ kinh phí mua những loại thuốc mới đặc trị Covid-19 để trao tặng Bộ Y tế, nhằm góp phần kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị Covid-19 cho các bệnh nhân trên cả nước, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Từ tháng 8, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và một số địa phương, Bộ Y tế triển khai Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, không triệu chứng, điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung và tại nhà. Mục tiêu của chương trình là giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng.
Mới đây, Bộ Y tế công bố kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị... Tỷ lê bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.
Xuân Thạch