"Sáng 5/7, tôi nhận được tin nhắn từ hệ thống của Vietinbank thông báo rằng tài khoản ngân hàng của tôi đã bị khóa. Tin nhắn này cũng đi kèm một đường link liên kết và yêu cầu tôi truy cập để xác thực tài khoản. Tuy nhiên, sau khi làm theo những hướng dẫn này, tài khoản ngân hàng của tôi đã bị trừ khoản tiền hơn 7,5 triệu đồng", anh Vũ Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ với Dân trí.
Anh Hoàng nói thêm rằng tin nhắn này xuất hiện bên trong luồng tin cùng với các nội dung trước đó của Vietinbank, vì thế anh đã không có sự đề phòng và làm theo. Hiện tại, anh cho biết bản thân đã liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ.
Cũng trong chiều 5/7, trên trang web chính thức của Vietinbank, ngân hàng này đã đưa ra cảnh báo với người dùng về tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản liên tục diễn ra trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Vietinbank cũng thống kê hàng loạt trang web giả mạo từng được các đối tượng lừa đảo sử dụng.
Ngoài ra, Vietinbank cho biết rằng ngân hàng này không yêu cầu khách hàng cung cấp user, mật khẩu trong bất kỳ tình huống nào dưới bất kỳ hình thức nào (gọi điện, nhắn tin, chat hoặc email).
"Khách hàng không mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ và cảnh giác với những email chứa các nội dung liên quan đến Covid-19. Khách hàng không truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email. Khách hàng cần xem kỹ mục đích sử dụng của mã OTP được đề cập trong tin nhắn trước khi nhập thông tin", Vietinbank thông báo với khách hàng.
Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo này không hề mới và đã xuất hiện tại Việt Nam hơn nửa năm nay. Trước Vietinbank, một số khách hàng của Vietcombank, TPbank, ACB, Sacombank cũng đã phản ánh về tình trạng tương tự.
Theo đó, các nhóm tội phạm mạng sẽ mạo danh brandname (thương hiệu) của nhà mạng, ngân hàng hay thậm chí là nhà sản xuất thiết bị như Apple để gửi tin nhắn lừa đảo.
Những tin nhắn này thường sẽ chứa nội dung cảnh báo người dùng về tình trạng tài khoản cá nhân của họ bị đăng nhập trái phép. Để kiểm tra tình trạng tài khoản, khách hàng cần phải đăng nhập vào một đường link gửi kèm.
Tất nhiên, thông tin này hoàn toàn là giả mạo. Không hề có chuyện tài khoản của người dùng bị tấn công. Nói cách khác, đây chỉ là một thông báo giả, nhằm khiến "con mồi" hoang mang, đánh mất sự tỉnh táo.
Khi đã rơi vào tình trạng bối rối, người dùng sẽ rất dễ bị đánh lừa. Sau khi truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn, người dùng sẽ được đưa đến một trang web giả mạo nhưng có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng theo brandname mà đối tượng lừa đảo sử dụng.
Một khi người dùng đăng nhập tài khoản cá nhân vào các trang web giả mạo này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã "giao nộp" toàn bộ thông tin cho kẻ xấu.
(Theo Dân Trí)
Người dùng VietinBank lại nhận SMS lừa đảo từ đầu số ngân hàng
Những tin nhắn lừa đảo bằng đầu số SMS ngân hàng quay trở lại trong thời gian qua. Ngân hàng VietinBank đã lên tiếng cảnh báo người dùng.