Những ngày gần đây, trào lưu “vạch áo khoe ngực” xuất hiện trên TikTok nhận nhiều ý kiến chỉ trích vì dung tục, phản cảm.
Giống như hầu hết clip 15 giây khác trên nền tảng, các đoạn video hưởng ứng trào lưu này bắt đầu bằng hình ảnh các cô gái trẻ nhún nhảy, hát nhép trên nền nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, đến gần cuối video, những người này bất ngờ vạch áo để lộ ngực trần trước camera.
Chứng kiến loạt video này lan truyền nhanh chóng trên ứng dụng cho phép trẻ từ 12-13 tuổi sử dụng, nhiều người không khỏi bức xúc.
Khâu kiểm duyệt nội dung của TikTok tiếp tục bị đặt dấu hỏi.
Trào lưu "vạch áo khoe ngực" trên TikTok bị chỉ trích phản cảm. |
Khoe thân để nổi tiếng
Nhiều video hưởng ứng trào lưu “vạch áo khoe ngực” còn được gắn hashtag #nobra, #byebra hay #freethenipple. Những cụm từ này đều xuất phát từ các phong trào nữ quyền.
Với mục đích giải thoát nữ giới khỏi những chiếc áo ngực hay nêu quan điểm về bình đẳng giới, tự do cá nhân, những phong trào này đã phổ biến trên khắp thế giới trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, khi các video khoe thân phản cảm trên TikTok được gắn mác phong trào nữ quyền, nhiều người không đồng tình vì cho rằng đây là sự so sánh khập khiễng.
Không chỉ khác nhau về phương thức, mục đích của trào lưu khoe thân trên TikTok và phong trào no bra là hoàn toàn khác nhau. Các cô gái chia sẻ những clip vạch áo khoe ngực chỉ với mục đích duy nhất là câu like, kiếm view.
Trào lưu no bra phổ biến trên TikTok. |
Trang Distractify dẫn lời các nhà hoạt động nữ quyền: “Những người chạy theo xu hướng gọi hành động của họ là trao quyền cho phụ nữ hơn là thu hút nam giới. Tuy nhiên, những gì người xem thấy chỉ là thứ rẻ tiền, gợi dục để có thêm người theo dõi”.
Phản ứng của người xem có thể được chứng thực bằng những dòng bình luận của họ bên dưới video. Không gì khác ngoài những lời miệt thị, chửi bới và nhận xét thô tục. “Nổi tiếng bằng cách rẻ tiền thì thứ bạn nhận được cũng không thể khá hơn”, một người dùng bình luận.
Theo nhiều chuyên gia, ngay chính người thực hiện, đăng tải các clip khoe thân lên mạng xã hội, không ít người thậm chí dưới 18 tuổi, cũng không lường trước được những hậu quả, nguy hại sau đó.
“Việc để lộ những hình ảnh nhạy cảm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho bản thân. Các clip nhạy cảm còn có thể bị kẻ xấu sử dụng để tống tiền, tống tình thậm chí ráo bán trên các trang web người lớn, ấu dâm”, Distractify cảnh báo.
Tràn ngập nội dung khiêu dâm
Tháng 3 vừa qua, trang The Tab cảnh báo về trào lưu “naked challenge” bắt nguồn và phổ biến trên TikTok. Thử thách cho thấy nhiều cô gái quay phim cảnh lột đồ, khỏa thân trước mặt người yêu, bạn bè hoặc người thân để ghi lại phản ứng của họ.
Chỉ sau vài ngày, “naked challenge” có hơn 5.000 video và thu hút 4 triệu lượt xem. “Hành động kỳ lạ và bất thường này lại đang trở thành một xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm”, tác giả bài viết Tom Haynes nhận xét.
TikTok sau đó đã sử dụng các thuật toán để loại bỏ những nội dung có gắn hashtag #naked. Tuy nhiên, các video thực hiện thử thách này vẫn có mặt ở khắp mọi nơi khi người dùng cố tình “lách luật” bằng cách sử dụng các từ khác như: “n4k3d”, “nakid” hoặc “nakey”.
Tháng 6 vừa qua, 365 Days, bộ phim bị ví như thảm họa vì nhiều cảnh quay khiêu dâm, được phát hành trên Netflix. Nhận nhiều chê bai, chỉ trích từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả, bộ phim này lại mở ra một trào lưu mới trên TikTok, có tên #365dayschallenge.
Nhiều video tái hiện lại cảnh tình dục thô bạo giống trên phim. Các chàng trai túm tóc, mắng chửi người yêu, còn các cô gái giả vờ là nạn nhân với những vết bầm tím trên cơ thể. Những clip mô tả cảnh cưỡng bức, bạo lực, giết người đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem.
Trào lưu #365dayschallenge tái hiện cảnh cưỡng bức, bạo lực, giết người trong phim 365 Days thu hút 20 triệu lượt xem. |
Theo Independent, TikTok hiện có hơn 800 triệu người dùng tích cực trên toàn thế giới, trong đó 60% từ 16-24 tuổi, có cả người dưới 13 tuổi.
Khi các video khiêu dâm nhan nhản trên nền tảng, trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận và trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục, ấu dâm...
Tại thị trấn Stockport thuộc Greater Manchester, các bậc phụ huynh từng được cảnh báo về thử thách #takeitoff, trong đó các thiếu nữ được xúi giục quay lại cảnh mình cởi áo sơ mi.
Tháng 9 năm ngoái, cảnh sát Mỹ bắt một người ở bang New Jersey với cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em trên ứng dụng này.
Hiệp hội Phòng chống Tội ác đối với Trẻ em quốc gia (NSPCC, có trụ sở ở Vương quốc Anh) từng báo cáo trên các trang web phát trực tiếp, cứ 20 trẻ lại có một em bị người lạ gạ lột đồ.
Trong khi đó, một cuộc điều tra của BBC vào năm 2019 phát hiện TikTok không thể loại bỏ tài khoản của những người gửi tin nhắn tình dục cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Trong 3 tháng, BBC đã thu thập hàng trăm bình luận đề cập tới vấn đề tình dục được để lại dưới các video do thanh thiếu niên và trẻ em tải lên. Ngôn ngữ được sử dụng từ khêu gợi tình dục đến tục tĩu.
Dù đội ngũ kiểm duyệt đã xóa phần lớn bình luận phản cảm này khi được báo cáo, hầu hết người dùng đăng tải chúng vẫn không bị khóa tài khoản, bất chấp các quy định của TikTok đối với tin nhắn khiêu dâm nhắm vào trẻ em.
(Theo Zing)
Trào lưu nguy hiểm trên TikTok
Các tổ chức y tế Anh cảnh báo những mẹo làm đẹp phản khoa học có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn.