Sự nông nổi, bồng bột và hiếu thắng của tuổi trẻ khiến họ bất chấp tất cả, lừa gạt những người thân xung quanh mình để lao vào đa cấp như một con thiêu thân. Và rồi, họ bị biến thành những "con đỉa" được thả ngược về "hút máu" cộng đồng.

"Hạt giống đỏ" giá 10 triệu

Lê Thị Thu H. (22 tuổi, quê Bình Dương) vừa tốt nghiệp đại học ngành quản trị nhà hàng khách sạn là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây đa cấp. H. "bén duyên" với đa cấp trong một lần đi dự hội thảo về ngành chăm sóc sắc đẹp. Tại đây, H. đã bị các thủ lĩnh đa cấp vây ráp, tiếp cận và săn đón theo nghi thức đặc biệt.

Biết H. vừa ra trường, đang khao khát có một công việc và nguồn thu nhập ổn định nhưng vẫn nghi ngờ và dè chừng đa cấp, đặt nó ở giữa hai thái độ tốt xấu, đúng sai. 

Bằng những câu hỏi trừu tượng, sự hùng biện xuất sắc, lý lẽ thuyết phục, niềm tin của H. vào đa cấp đã đổi theo chiều hướng tích cực. H. bị dẫn dắt vào "mê cung" của đa cấp với những hình ảnh lung linh về một tương lai tươi đẹp cùng một vị trí chói sáng giữa muôn người. 

Sau khi "con mồi" gục ngã, thủ lĩnh đa cấp bắt đầu ngả sang vấn đề tài chính. Nếu H. gia nhập vào thành viên của công ty sẽ phải mua một combo (chuỗi sản phẩm) làm đẹp trị giá 10 triệu đồng. 

Trong túi H. chỉ có hơn 2 triệu, đang lưỡng lự thì một thủ lĩnh đoán ngay được tâm ý liền nhảy vào trấn an: "Nếu không đủ tiền thì em có thể để lại CMND hoặc cà vẹt xe máy, khi nào mang đủ tiền đến thì lấy giấy tờ về. Từ giờ phút này trở đi, em sẽ là một thành viên cốt cán của mạng lưới thủ lĩnh toàn cầu". 

Mặc dù bị vét sạch túi, cầm cố CMND nhưng H. sung sướng ngây dại, suốt đường về đầu óc như trên mây. Ngay hôm sau, H. gọi điện mượn nóng tiền của đứa bạn thân trả hết nợ.

{keywords}
Sinh viên làm đa cấp và bị đa cấp lừa diễn ra phổ biến.

H. trở thành thành viên của đường dây đa cấp xuyên Việt. Nhiệm vụ của H. là đi chào mời, lôi kéo, dụ dỗ, nói chung là không từ thủ đoạn nào để có được khách hàng mua sản phẩm. Mỗi người mua một sản phẩm là đương nhiên trở thành thành viên của mạng lưới. 

Cứ thế, H. càng kéo được nhiều thành viên thì điểm tích lũy sao của H. càng cao. Đến con số 100 người mua sản phẩm tức là H. đã trở thành "thủ lĩnh đỏ" của mạng lưới, được hưởng đặc quyền đặc lợi hay nói nôm na là được hoa hồng từ việc bán sản phẩm. Bắt tay vào nghề, H. mới vỡ lẽ mọi thứ. 

Thực chất, công việc của H. chỉ là nhân viên bán sản phẩm gắn mác hạt giống của một vườn ươm đa cấp. H. không thể bán được cho ai, khi sản phẩm không có thương hiệu, cũng chẳng rõ nguồn gốc xuất xứ mà giá thì "trên trời". Nếu bỏ cuộc coi như mất đứt 10 triệu đã mua mấy thứ mỹ phẩm rẻ rúm kia. 

Hơn nữa, cái mác hạt giống có khả năng trở thành thủ lĩnh cứ ám ảnh vào tâm trí của H. khiến cô bé vì tham vọng và sĩ diện hão đã không thể từ bỏ. H. đành phải lừa bố mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác mua sản phẩm. Chỉ trong vòng một tháng, gia đình H. mua tới 5 combo, tương đương 50 triệu đồng. 

Với con số thu về như thế, H. được lên sao hạng A, chỉ còn một nấc nữa là trở thành thủ lĩnh. H. vùng vẫy tìm cho ra "con mồi" lừa vào tròng. Ngay cả anh chàng người yêu, chỉ mới công khai được hơn một tháng H. cũng mồi chài mua hàng. Rồi H. gây áp lực lên người yêu, bắt anh ta phải thuyết phục bạn bè, gia đình mua sản phẩm. Cuối cùng, H. đủ doanh số để trở thành thủ lĩnh của mạng lưới.

Dưới trướng của H. là hàng chục em út đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Các đối tượng này từng là nạn nhân, là con mồi mua hàng của H. rồi mắc nghẹn lại đành phải theo lao đi lừa dối người khác. Trở thành thủ lĩnh, H. được hưởng hoa hồng từ hàng chục chi nhánh, ở dưới càng lừa được nhiều người thì H. càng có nhiều hoa hồng, có tháng H. kiếm vài chục triệu đồng.

{keywords}
Đa cấp hình thành dựa trên sự liên kết rộng khắp.

Mạng lưới liên kết rộng khắp

Bản chất của hình thức bán hàng là lừa đảo và chỉ những người trong cuộc mới biết nhưng khi họ thuyết trình, rao giảng, dụ dỗ người mua thì hoàn toàn là màu hồng, với những cam kết lợi nhuận đầy mê hoặc. Một ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân Mạnh Tuấn (21 tuổi) đi gặp khách hàng tại một quán cà phê sang trọng ở quận 1 (TP. Hồ Chí Minh). 

Tuấn cho biết, bán sản phẩm cao cấp thì phải gặp ở những nơi hào nhoáng mới xứng tầm. Mẫu sản phẩm Tuấn mang theo chỉ là những cuốn catalog lưu giữ hình ảnh của sản phẩm. 

Buổi nói chuyện hôm nay, vấn để bán sản phẩm chỉ là yếu tố phụ, cái quan trọng chính là làm sao thuyết phục được khách tới dự hội thảo của công ty. Sau màn giới thiệu bản thân, Tuấn bắt đầu ca tụng vị thế của hai vị khách cùng sự nhìn nhận chuẩn mực về nhan sắc của họ. Tuấn đánh vào tâm lý ưa nịnh bằng sự hùng biện thuyết phục. Hai vị khách trố mắt ngạc nhiên, tỏ rõ sự thán phục.  

Tuấn vừa nói chuyện vừa xét đoán và phân loại người đối diện thuộc tuýp người gì, làm sao tạo lòng tin và thuyết phục. Dân đa cấp được trang bị rất nhiều kiến thức về làm giàu và tự do tài chính. Biết hai vị khách làm trong lĩnh vực ngân hàng, Tuấn nói đúng chủ đề, nội dung, đánh thẳng vào tâm lý tiền. 

Tuấn biện luận: "Các chị có bạn bè, có người thân và có cả thế giới. Người thủ lĩnh của mạng lưới không đòi hỏi các chị phải có mặt ở bất cứ đâu hoặc phải làm bất cứ việc gì. Tiền đến với các chị ở nơi làm việc, quán cà phê và ở mọi nơi. Sự kết nối là điều chúng ta nên làm ngay lúc này". 

Sau cùng, để trở thành một mắt xích của đa cấp, mà nói theo ngôn từ "ngọt lịm" của Tuấn là "hạt giống ngày mai, thủ lĩnh tương lai": Cứ mua một bộ combo 10 triệu là trở thành hạt giống của mạng lưới và nghiễm nhiên có mặt trong buổi ra mắt thành viên mới trong cuộc họp tiếp theo. Hai chị cứ há hốc mồm nghe, hỏi câu nào là Tuấn trả lời nhuần nhuyễn câu đó. Cuối cùng, hai vị khách đồng ý ký vào thư mời tham gia chương trình "liên kết hạt giống".

{keywords}
Một trong những món hàng trong combo 10 triệu để được là hạt giống đỏ của mạng lưới.

Sau buổi nói chuyện, Tuấn thở phào nhẹ nhõm quay sang nói với chúng tôi: "Vậy là em hoàn thành nhiệm vụ, cứ mỗi khách tham gia chương trình em được nhận 200 ngàn đồng". Nhiệm vụ của Tuấn như vậy là kết thúc, ngày diễn ra chương trình, hai "con mồi" xuất hiện sẽ có ngay một dàn thủ lĩnh cao cấp hơn Tuấn ra tiếp chuyện. Những người này đóng vai trò quyết định việc có hay không thành viên trong mạng lưới.

Tuấn cho biết, cậu tham gia vào mạng lưới đa cấp theo hình thức liên kết, thuyết trình thuê và được trả công cho mỗi đầu việc. Tuấn mất một tháng theo học chương trình đào tạo, đóng học phí 5 triệu. Xong khóa học, Tuấn thực hiện bài thi và được cấp chứng chỉ "hành nghề". 

Những bài nói chuyện của Tuấn đều có trong giáo trình dạy, việc của cậu chỉ là học thuộc cộng thêm chút năng khiếu hoạt ngôn nữa là mồi chài, mê dụ được khách hàng. Đối tượng Tuấn ngắm tới là các anh chị làm trong ngân hàng, tiệm spa, mỹ viện và trường học. Đây là những người tương tác với mạng xã hội nhiều, hay bán hàng online nên rất mê lợi nhuận. Trong nội dung chiêu dụ, Tuấn không bao giờ nhắc đến từ đa cấp vì sợ mọi người dị nghị, nghĩ xấu.

Mạng lưới của Tuấn có thêm 5 thành viên nữa, đều là sinh viên do Tuấn đào tạo ngắn hạn. Những người này sẽ được Tuấn giao việc đi gặp gỡ đối tượng do Tuấn chỉ định, rồi thuyết phục được một người sẽ có 100 ngàn. Nói là mạng lưới gắn kết nhưng đầu mối chính là Tuấn, còn mỗi người đều hoạt động riêng biệt, không ai biết thân phận của ai. Trên Tuấn chính là H. và cậu ta cũng chỉ biết một mình H., nhận tiền từ H. và chịu mọi sự sai bảo của "cấp trên".

Sau mỗi phi vụ mồi chài thành công, Tuấn có biết số phận những khách hàng đó sẽ đi về đâu? Chúng tôi hỏi. Tuấn nói: "Em chỉ biết họ mất 10 triệu đồng khi bắt đầu gia nhập mạng lưới, còn ai hoạt động như thế nào thì em không rõ, việc đó thực sự không ai quan tâm cả". 

Sau vài lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng được thủ lĩnh Lê Thị Thu H. bố trí cho buổi tiếp chuyện. Chúng tôi nói tới đa cấp, nó giống như mồi thuốc giết chết rất nhiều "chú chuột". H. cười khẩy, tỏ vẻ minh triết trả lời: "Nói một cách công bằng, mô hình đa cấp đến bây giờ là không xấu hoặc ít nhất là chưa xấu. 

Chỉ có biến tướng của đa cấp mới gây ra nhiều nguy hại. Bọn em hoạt động dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau hưởng thành quả thì hà cớ gì gọi là lừa đảo. Tuy nhiên, ở lĩnh vực nào cũng thế, luôn có sự đào thải khốc liệt. Ai giỏi sẽ tồn tại và ngược lại, ai không theo kịp phải bị đẩy ra ngoài cuộc chơi". 

Hình thức của đa cấp là như thế, với những chiêu bài không hề mới, đa cấp vẫn lừa đảo được rất nhiều người, trong đó có sinh viên, đối tượng ngày đêm tiếp xúc với mạng xã hội, nơi mà các thông tin về đa cấp nhiều như thác lũ.

(Theo Cảnh sát toàn cầu)