Cô Janine Mars, 31 tuổi, sống tại thị trấn Chatham, bị liệt vào “danh sách đen” vì thi trượt quá nhiều.

{keywords}
Cô Mars (trái) và mẹ chụp ảnh minh họa cho câu chuyện 14 năm không thi đỗ bằng lái cho tờ Dailymail

Cô Janine Mars, 31 tuổi, sống tại thị trấn Chatham, hạt Kent, miền Đông Nam nước Anh bỗng nổi tiếng khắp đất nước vì câu chuyện 14 năm thi không nổi bằng lái. Thậm chí, các trường dạy lái xe tại địa phương liệt cô vào “danh sách đen” vì thi trượt quá nhiều.

14 năm học lái, tốn 160 triệu VND

Cô Mars bắt đầu tập lái từ khi đủ tuổi theo quy định (từ năm 2001 đến nay là 14 năm), lần thi bằng lái xe mới nhất là vào tháng 10 năm ngoái. 

Mars phải thuê hết giáo viên này tới giáo viên khác để hướng dẫn vì không nhập tâm được kỹ thuật lái xe. Tổng cộng, Mars tham gia 250 bài hướng dẫn tập lái, với năm giáo viên khác nhau.

Hiện, cô tạm dừng một thời gian, định quyết tâm học chuyên sâu để thi lại lần nữa, nhưng tìm mỏi mắt khắp hạt Kent, không giáo viên nào dám nhận dạy vì ai cũng nghe đồn về khả năng lái xe của cô. Một số trường dạy lái xe địa phương còn đưa cô vào “danh sách đen” vì thi trượt quá nhiều lần. "Nhưng, tôi không trách họ”, Mars nói.

Ước tính, quãng đường cô tập lái trong 14 năm tương đương từ Thủ đô London (Anh) tới Perth (Australia). Sau hơn chục năm trượt lên trượt xuống, cô mặc kệ không tính xem đã chi bao nhiêu tiền cho việc học lái, mà chỉ ước đoán: “Có lẽ, đến giờ, tôi phải chi tới 5 nghìn bảng Anh (tương đương 160 triệu VND). 

Đúng là điên rồ! Với số tiền này, tôi có thể sắm được một chiếc ô tô mới”, Mars cười nói. Một số bạn bè khuyên Mars từ bỏ nhưng cô gạt ngoài tai, quyết tâm thi tới khi đỗ thì thôi. “Tôi đã đầu tư quá nhiều và không thể dừng lại”.

Hy vọng vào xe không người lái

Mars gặp vấn đề không thể cùng lúc sử dụng cả chân và tay. Trở ngại này lặp đi lặp lại trong suốt 14 năm học lái và là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng tới kết quả mỗi lần thi. Ngoài ra, do nhiều lần trượt, Mars rơi vào tâm lý sợ hãi, thiếu tự tin.

Để chuẩn bị cho lần thi sắp tới, Mars lên kế hoạch kỹ lưỡng củng cố tinh thần, tạo sự thoải mái nhất để tập trung học lái. Cô tiết lộ kế hoạch: “Trước khi vào trong xe, tôi sẽ ăn một bữa sáng thật no nê và uống trà. 

Nếu làm không đạt, tôi sẽ bật bài Happy (Hạnh phúc) của Pharrell có giai điệu vui nhộn để thư giãn đầu óc và lấy động lực lần sau”. Trước nỗ lực không ngừng nghỉ của con, bà Radha, 62 tuổi treo thưởng bằng cách sẽ mua tặng một chiếc ô tô nếu cô cầm được bằng lái trong tay. Dù tốn rất nhiều tiền và công sức nhưng bà Radha vẫn “mong chờ ngày con gái thi đỗ bằng lái”.

Mars chia sẻ, với cô, thi đỗ bằng lái xe trở thành một giấc mơ mà cô không bao giờ từ bỏ. “Bắt đầu từ năm 2001, mục tiêu đặt ra đầu mỗi năm đều là thi đỗ bằng lái xe. Tôi chán ngấy cảnh chạy theo tàu điện, xe buýt cho kịp giờ. Thời gian đi những phương tiện này mất gấp hai lần thời gian lái xe. Tôi quyết tâm giành được giải thưởng của mẹ và tự mình điều khiển xe một cách đàng hoàng”.

Câu chuyện của cô được báo giới trong nước quan tâm. Thậm chí, tờ Dailymail (Anh) mời cô thực hiện một bộ ảnh minh họa cho câu chuyện hy hữu này. Sau khi đọc tin trên báo, một số giáo viên ở các khu vực khác liên lạc đề nghị giúp đỡ cô hoàn thành ước nguyện.

Một hy vọng khác cho Mars là Vương quốc Anh hiện đang nghiên cứu nghiêm túc về công nghệ không người lái cho phép “mọi người (cả trẻ em, người khuyết tật) đều có thể điều khiển ô tô”, không cần phải có bằng lái xe như pháp luật hiện hành. 

Với xu hướng này, Chính phủ Anh đang xem xét nới lỏng quy định thi GPLX, dự kiến sẽ ban hành vào năm 2020. Bộ Giao thông Anh hứa hẹn sẽ dỡ bỏ những “rào cản pháp lý”, sớm thực hiện gói thử nghiệm kéo dài ba năm trị giá 19 triệu bảng Anh (gần 30 triệu USD) cho phép ô tô không người lái được lưu thông trên đường. 

Gói thử nghiệm này được áp dụng trong phạm vi đường phố Greenwich, phía Đông Nam London. Sau đó, Bộ Giao thông Anh sẽ rút ra những kinh nghiệm thực tế để sửa đổi luật, chính thức cho phép loại xe này lưu thông trên đường trong 5 năm tới.

(Theo báo Giao thông)