Hoa hậu Việt Nam là một trong những cuộc tìm kiếm nhan sắc uy tín nhất. 

Nghị định 144 được cho là "cởi trói" cho các cuộc thi nhan sắc với những điểm rất mới nhanh chóng trở thành chủ đề được độc giả VietNamNet quan tâm. Ngay sau khi 2 bài viết Ảo tưởng vương miện, lạm phát hoa hậu đến... bội thực! “Bài toán đau đầu việc 'cởi trói' cho hoa hậu”  và được đăng tải, nhiều độc giả gửi tới VietNamNet những quan điểm, góc nhìn rất đáng suy ngẫm. 

Việt Nam đang loạn các cuộc thi hoa hậu 

Độc giả ở địa chỉ email ***@mail.com thẳng thắn nêu quan điểm: “Nghị định 144 ngay khi dự thảo đã thấy không phù hợp vì sự thả nổi cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, hồi đấy không thấy ai phản đối. Bây giờ triển khai ra mới thấy bất cập. Có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, các cuộc thi này phần nhiều phục vụ lợi ích cho các nhóm thiểu số trong xã hội, không giúp nhiều cho phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chủ trương phát triển công nghiệp văn hoá”.

Có quan điểm khá tương đồng, bạn Ngọc Kim Huy cho rằng: “Những cuộc thi khác đều biểu hiện sự kém cỏi trong khâu tổ chức và có những dấu hiệu "tiêu cực", "vụ lợi" nên chất lượng rất thấp”. Còn theo độc giả Binh Anh, “khi Covid thì yên ắng, giờ mới bùng nổ cuộc thi, mới thấy nhiều bất cập phát sinh thôi”.

Độc giả Vũ Phương Trà nhận định: “Mặc dù có rất nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế, người đẹp Việt Nam lại là những thí sinh "không đủ tầm"... Nói thế là đủ biết Việt Nam đang loạn các cuộc thi hoa hậu và rối rắm, chẳng có tích sự gì”. Còn bạn Lê Thuý Hạnh cho rằng: “Hoa hậu, á hậu hay mỹ nam, nam vương... là cánh cửa mở ra quá nhiều điều "diệu kỳ" nên người ta mới ham hố giành cái ngôi vị đó. Nắm rõ nhu cầu thị trường, các nhà tổ chức đua nhau tổ chức các cuộc thi này kia chứ sao!”.

Trong khi đó, từ góc nhìn của bạn Hà Bích, “cuộc thi bùng nổ nhiều nên ai có danh hiệu (để thu hút fan), hoặc có tiền (tài trợ cuộc thi) là được mời làm giám khảo. Chất lượng chuyên môn xét sau”. Bạn VinhNguyen sắc bén hơn khi nhận xét: “Vì cho phép cả thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ thi nên có chủ spa được mời làm giám khảo là đúng rồi”.

Khán giả sắp bội thực các cuộc thi hoa hậu 

Bàn về Nghị định 144, độc giả Tony Ng cho rằng: “Nghị định ban hành mà thực hiện thấy chưa ổn cũng nên điều chỉnh. Giờ nhiều cuộc thi quá, đâu đâu cũng nói hoa hậu, á hậu”.

Độc giả Đỗ Quang nêu góc nhìn rất đáng quan tâm: “Giám khảo thi hoa hậu phải có tầm, có phông văn hóa mà cứ như vơ bèo gạt tép thế thì thi hoa hậu cái gì? Có vị nói, tổ chức thi hoa hậu chi phí không dưới 60 tỷ đồng, vậy kinh doanh cuộc thi chắc thu lợi nhuận khủng nên mới quá nhiều cuộc thi mở ra như hiện nay. Người đẹp đăng quang từ bao cuộc thi, nhìn xem giờ họ đang ở đâu, làm gì, lan tỏa gì cho đất nước? Rõ ràng thi hoa hậu đang quá loạn sao có được cái đẹp đích thực để tôn vinh?''.

Tương tự, bạn Huu Binh Pham chia sẻ mong mỏi “lãnh đạo ngành văn hóa xem xét, các cuộc thi cần đặt tiêu chuẩn trước tiên về mặt văn hóa nghệ thuật, chứ quy định nới lỏng khiến các cuộc thi bị thương mại hóa sẽ mất ý nghĩa”.

Ngọc Châu đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022.

Các độc giả như bạn Hoàng Anh, Ngô Công Cường… cũng thống nhất quan điểm về việc bội thực thi nhan sắc: “Chúng ta không nên dàn trải tổ chức quá nhiều các cuộc thi hoa hậu chất lượng thấp như hiện nay mà mỗi năm chỉ nên tập trung tổ chức 2 cuộc thi/năm là quá nhiều. Hoặc hãy giống như SEA Games... nên để 2 năm tổ chức một lần/cuộc thi và xen kẽ... Để có được những thí sinh thật sự chất lượng cả về hình thức lẫn nội tâm”, “Khán giả sắp bội thực về các cuộc thi hoa hậu rồi. Cũng giống như các gameshow sẽ tới giai đoạn quá đà và thoái trào, khán giả quay lưng... Lúc đó thì khóc với ai, hoa hậu ơi?”…

Chung quan điểm, bạn Thang Nguyen “ủng hộ việc 1 năm chỉ nên có 2-3 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia và do nhà nước quản lý. Như vậy mới đảm bảo chất lượng hình ảnh các người đẹp đại diện cho Việt Nam”. Còn theo bạn Ngọc Anh: “Ít mà chất, đầu tư kỹ lưỡng khán giả sẽ háo hức thưởng thức. Còn xô bồ... riết rồi người ta sẽ chán và không có nhu cầu thưởng thức nữa”.

Quan điểm của bạn Luu Thuy Ha rất đáng quan tâm và có thể chính là lời kết cho tất cả những bối rối quanh câu chuyện “cởi trói” cho Hoa hậu: “Danh vị hoa hậu, á hậu, người đẹp… là đại diện hình ảnh văn hóa cho cuộc thi, cho địa phương, cho cả nước nên cần được kiểm soát chặt chẽ. Không nên nới lỏng tiêu chí cuộc thi”.

Lê Cúc (Tổng hợp)