Theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ LĐTB&XH sẽ có hiệu lực từ ngày 22/4/2019, các thí sinh có thể đăng ký dự tuyển giáo dục nghề nghiệp qua phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động (Ảnh minh họa: Internet) |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa ban hành Thông tư 07 ngày 7/3/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05 ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 22/4/2019.
Theo đó, một điểm mới đáng chú ý của Thông tư 07 là quy định về đối tượng tuyển sinh với trình độ cao đẳng, bao gồm: Học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT; Học sinh THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.
Thông tư 07 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Thông tư 05 năm 2017 quy định “Hồ sơ và thủ tục đăng ký dự tuyển vào trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng”. Trong đó, mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp thống nhất, có các thông tin cơ bản đủ cho việc xét tuyển của các trường, phù hợp cho cả việc đăng ký dự tuyển theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, theo quy định mới, người học có thể đăng ký dự tuyển giáo dục nghề nghiệp (trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng) bằng nhiều hình thức: đăng ký trực tiếp, đăng ký trực tuyến trên website hoặc trên các thiết bị di động.
Cụ thể, người học có thể đăng ký trực tiếp trên Phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp và nộp Phiếu đăng ký dự tuyển tại trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Sở LĐTB&XH của địa phương hoặc trực tuyến tại trường đăng ký dự tuyển; đăng ký trực tuyến (online) trên trang thông tin điện tử về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có địa chỉ tại http://tuyensinh.gdnn.gov.vn hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở LĐTB&XH địa phương hay trên các trang thông tin điện tử của các trường; đăng ký online qua phần mềm “Chọn nghề” được cài đặt trên các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng.
Cùng với việc bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và trách nhiệm của Sở LĐTB&XH, Thông tư mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của các trường trong công tác tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có nhu cầu đăng ký vào học giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau trung học theo Quyết định 522 ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” và tạo việc làm, an sinh xã hội bền vững.
Trong đó, các trường có trách nhiệm xây dựng quy chế tuyển sinh theo quy định tại Thông tư này; chủ động phối hợp với các Sở LĐTB&XH, các cơ quan, đơn vị có liên quan phát hành phiếu đăng ký dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp đến các trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên và trên trang thông tin điện tử của trường.
Đồng thời, đảm bảo tính trung thực, chính xác các số liệu về giảng viên, giáo viên; cơ sở vật chất trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm; cung cấp đầy đủ thông tin khi có yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH để xác minh chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký; báo cáo kết quả tuyển sinh năm trước và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm sau đúng thời gian quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong công tác tuyển sinh tại cơ sở mình theo Điều lệ của nhà trường.